Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một khối không khí lạnh cường độ mạnh đang di chuyển từ khu vực phía nam Trung Quốc xuống nước ta. Khoảng đêm 18 và ngày 19/2, hình thái này ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó mở rộng ra Trung Bộ.
Thời điểm này, miền Bắc chịu thêm ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao 5.000 m. Sự kết hợp giữa hai hình thái gây ra đợt mưa rét khắc nghiệt cho khu vực trong những ngày tới.
Chuyên gia nhận định ngày 19-22/2, Bắc Bộ và Thanh Hóa khả năng xảy ra đợt rét hại diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất tại đồng bằng phổ biến 8-10 độ C, vùng núi và trung du 4-6 độ C. Trong khi đó, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C, nhiều nguy cơ xuất hiện mưa tuyết, băng giá.
Đồng thời, mưa dông duy trì ở các tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa từ trưa 18/2 đến hết ngày 20/2 với lượng phổ biến 30-60 mm/ngày, có nơi trên 80 mm.
Ngày 19-21/2, tình trạng mưa dông và rét đậm lan xuống các nơi từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế.
Theo trang dự báo Accuweather, Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ duy trì nền nhiệt 19-22 độ C trong 2 ngày tới. Đêm 18/2, khu vực ghi nhận mức giảm nhiệt đáng kể, xuống ngưỡng 12 độ C, rét hơn những đêm trước đó khoảng 10 độ C.
Những ngày tiếp theo, không khí lạnh xâm nhập sâu vào đất liền khiến nền nhiệt tại Hà Nội tiếp tục xuống thấp và có thể đạt ngưỡng 8-9 độ C kèm mưa. Ban ngày, nhiệt độ cao nhất không quá 10 độ C, rét nhất kể từ đầu mùa đông. Trạng thái này được dự báo kéo dài liên tục từ ngày 19 đến 21/2.
Với nhiệt độ xuống rất thấp kèm mưa, độ ẩm cao, người dân sẽ cảm thấy rét buốt kéo dài cả ngày.
Trước diễn biến thời tiết cực đoan những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân.
Địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh. Người dân được khuyến cáo tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người.
Đơn vị chức năng hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét. Gia súc chăn thả tự do cần được di chuyển về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn.
Một số địa điểm du lịch ở các vùng núi cao thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo Zing