Hạ sĩ PCCC bị thương kể đêm sẵn sàng hy sinh cứu người trong chung cư mini-1

Ba ngày sau xuất viện, hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung (20 tuổi, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội) chính thức trở lại công việc. Gần 10 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai do ngộ độc khí CO, sức khỏe của anh hiện ổn định.

Trong buổi giao ban toàn đội sáng đầu tuần, Trung cùng đồng đội họp rút kinh nghiệm vụ cháy chung cư mini ngõ 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), đề xuất các phương án hiệu quả hơn cho những sự việc không may lần sau.

"Tôi chưa từng thấy vụ cháy nào khủng khiếp và ám ảnh đến vậy", Trung nói, nghẹn ngào nhớ lại những ký ức kinh hoàng của đêm 12/9.

Hạ sĩ PCCC bị thương kể đêm sẵn sàng hy sinh cứu người trong chung cư mini-2
Hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung, 20 tuổi, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh: Minh Nhân).

Chạy đua với giặc lửa đến kiệt sức

23h23 ngày 12/9, chuông báo động vang lên tại Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân. Tin báo về là vụ cháy chung cư mini trong ngõ 29 Khương Hạ, nghi nhiều người mắc kẹt.

Trung và đồng đội đang ngủ, vội bật dậy, chuẩn bị trang phục và thiết bị, nhảy lên hai xe cứu hỏa. Sau khoảng 3-5 phút, xe của đơn vị tiếp cận hiện trường, "trước mắt không phải một vụ cháy đơn giản", Trung nhớ lại.

Con ngõ sâu và hẹp, tầng một tòa nhà dành để xe máy, kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo toàn đội hỏa hoạn đêm nay sẽ nghiêm trọng.

Đúng như dự đoán, xe cứu hỏa phải đậu cách hiện trường gần 400m. Hơn 100 chiến sĩ thuộc các lực lượng PCCC Bộ Công an, Trường Đại học Cảnh sát PCCC và trực thuộc Công an TP Hà Nội, vác dụng cụ chạy từ ngoài phố vào ngõ.

Đội của quận Thanh Xuân chia làm 2 mũi chờ lệnh chỉ huy: một mũi cứu hộ và một mũi chữa cháy. Trung nằm trong đội cứu hộ, đeo bình thở, mặt nạ chống độc và thiết bị, tiên phong tiếp cận hiện trường.

Trong khi mũi cứu hộ di chuyển, mũi chữa cháy phối hợp làm mát, giảm sức nóng để đồng đội tiến vào hiện trường.

Bao trùm chung cư mini 9 tầng là đám cháy rất to kèm tiếng nổ bình ắc-quy. Tầng một để hàng chục xe máy không còn chiếc nào nguyên vẹn, các lực lượng khó khăn tìm vị trí cầu thang lên các tầng tiếp theo.

Lửa cuồn cuộn bốc lên tầng cao, mũi tiếp cận cầu thang bộ gặp nhiều khói và hơi nóng, cảnh sát buộc chuyển sang phương án cứu hộ từ bên ngoài.

Hạ sĩ PCCC bị thương kể đêm sẵn sàng hy sinh cứu người trong chung cư mini-3
Các chiến sĩ PCCC cùng nhân viên y tế đưa các nạn nhân bị thương ra khỏi hiện trường, đêm 12/9 (Ảnh: Nguyễn Hải - Trần Thanh).

Khi Trung và đồng đội bắt đầu cứu hộ thì một số nạn nhân nhảy từ tầng cao xuống đất. Đây là điều khiến hạ sĩ 20 tuổi ám ảnh nhất, khi 4 người dân liên tiếp nhảy xuống trước mắt anh, trong đó có em bé 4 tuổi.

Những cú nhảy bất ngờ khiến Trung bất động trong giây lát.

"Tôi đã tham gia nhiều vụ cứu hộ cứu nạn, nhưng đây là lần đầu chứng kiến cảnh tượng thương tâm như vậy. Đứng giữa lằn ranh sống - chết và tâm lý hoảng loạn, họ chọn nhảy xuống", Trung kể.

Người lính PCCC cuống quýt hô hoán cư dân không nhảy xuống, đồng thời kêu gọi người dân xung quanh hỗ trợ khoảng 40-50 đệm ngủ và chăn xếp chồng lên nhau, đề phòng các nạn nhân khác tiếp tục nhảy xuống.

Trong khi đó, anh cùng đồng đội khiêng những người bị thương và tử vong ra ngoài xe cấp cứu.

Từ 1h30, ngọn lửa cơ bản được khống chế, lực lượng bắt đầu cầm vòi lăng di chuyển lên các tầng trên chung cư mini để cứu người.

Gặp nạn nhân nhỏ thì Trung sẽ bế hẳn ra ngoài, đối với những người lớn không còn sức di chuyển thì 2 chiến sĩ sẽ phối hợp. Họ dùng chăn cuốn nạn nhân thành vòng tròn đỡ xuống dưới rồi đưa ra xe cấp cứu.

"Chúng tôi rà soát xung quanh, cảm nhận rõ sức nóng sâu trong hiện trường", Trung kể, mô tả chỉ khoảng 1-2 phút, hơi thở nặng dần, dễ choáng với những người không quen, riêng anh cố gắng chịu áp lực đó.

Các lực lượng chia làm từng tốp 3 người luân phiên ra/vào hiện trường đổi ca. Mỗi ca kéo dài 15-20 phút, lâu nhất là 30 phút. "Nhiều chiến sĩ nhiệt tình, dù mệt đến mấy vẫn cố gắng duy trì công việc, để đồng đội khác được nghỉ ngơi lâu hơn", Trung nói.

Cấp cứu sau 4 tiếng "chiến đấu" với giặc lửa

Đến 3h30, sau khi hoàn tất cứu hộ tại tầng 3, hạ sĩ Quốc Trung ra xe nghỉ ngơi, chờ đội chi viện. Anh ngồi xuống, cảm giác bị choáng, khó thở, đau ngực trái và chân tay co quắp.

Đồng đội bên cạnh phát hiện anh kiệt sức, vội gọi nhân viên y tế. Nhưng sau một thời gian sơ cứu, anh không có dấu hiệu khả quan, được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Các lực lượng còn lại tiếp tục cứu hộ đến 7h30 chờ các đội khác đến chung cư dập tàn.

Hạ sĩ PCCC bị thương kể đêm sẵn sàng hy sinh cứu người trong chung cư mini-4
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội thăm hỏi, động viên hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung, ngày 17/9 (Ảnh: Công an Hà Nội).

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung được lấy máu xét nghiệm, truyền nước. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc khí CO và viêm xoang. Anh nhập viện điều trị, nằm cùng phòng với 4 nạn nhân khác là cư dân trong chung cư mini.

"Trước đây tôi từng gặp nhiều chấn thương nhẹ trong quá trình làm việc, nhưng đây là lần đầu phải nhập viện", anh nói.

Nhận điện thoại báo tin con trai cấp cứu, bà Đoàn Thị Hoan (55 tuổi) vội từ quê Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lên thẳng Bệnh viện Bạch Mai. Thấy Trung nằm trên giường bệnh, mặt đen nhẻm, bà vừa buồn vừa xót con.

Từ ngày Trung tham gia Đội cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân, mỗi khi đi đường thấy xe cứu hỏa, bà Hoan rất lo lắng, không biết con có tham gia chữa cháy hay không, liền gọi điện hỏi thăm. Nhưng bà không ngờ, có ngày con bị thương đến nhập viện.

Mỗi ngày, bà Hoan từ nhà ở Nguyễn Xiển đến Bệnh viện Bạch Mai chăm con, đều đặn sáng đi tối về. Không muốn mẹ ngủ lại bệnh viện, Trung liên tục khuyên bà về nhà ngủ qua đêm.

Hạ sĩ PCCC bị thương kể đêm sẵn sàng hy sinh cứu người trong chung cư mini-5
Các chiến sĩ PCCC tiếp cận hiện trường từ nhà bên cạnh, giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt đêm 12/9 (Ảnh: Trần Thanh).

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khi tiếp nhận thông tin, xác định đây là vụ cấp cứu thảm họa, ngay trong đêm 12/9, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo tăng cường lực lượng và các kíp trực cấp cứu, phối hợp các chuyên khoa như: Hồi sức cấp cứu, Chống độc, Chấn thương nhằm đảm bảo cứu chữa người bệnh tốt nhất.

"Bệnh viện tập trung cao nhất mọi nguồn lực để cứu chữa, chăm sóc cho các nạn nhân như chăm sóc cho người thân của mình", PGS.TS Đào Xuân Cơ chỉ đạo.

Chia sẻ về trường hợp chiến sĩ cảnh sát PCCC nhập viện cùng các nạn nhân, TS.BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân Nguyễn Quốc Trung được chuyển đến Trung tâm Chống độc lúc 3h44 ngày 13/9 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được nhưng rất mệt, vẻ kiệt sức, phải có người dìu.

"Bệnh nhân đau rát họng, chóng mặt, co quắp tay chân, toàn thân bắt khói bụi đen. Sau nội soi tai mũi họng, chúng tôi phát hiện bệnh nhân viêm mũi xoang cấp trên nền mạn tính", bác sĩ Thuận nói.

Theo bác sĩ, Trung được hội chẩn toàn viện hàng ngày ngay sau khi nhập viện, chỉ định các can thiệp chuyên sâu như nội soi phế quản, chụp CT ngực, chụp MRI sọ não, kiểm tra đánh giá trạng thái tâm thần…

Ngoài ra, anh được điều trị theo hướng chẩn đoán hít phải khí độc từ đám cháy; được điều trị tích cực theo phác đồ, kháng sinh, điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng hô hấp và các hỗ trợ khác.

Sau nhiều nỗ lực chăm sóc của các nhân viên y tế, hầu hết bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Qua thăm khám và hội chẩn, 10 trường hợp đủ điều kiện xuất viện chiều 22/9, trong đó có hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung.

"Tình trạng bệnh nhân Trung ổn định, được xuất viện điều trị ngoại trú và tái khám theo hẹn", PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ trong buổi lễ tiễn các bệnh nhân.

Khi biết Trung vừa là chiến sĩ PCCC vừa là bệnh nhân xuất viện, nhiều cư dân chung cư mini tiến tới bắt tay, cảm ơn anh, đồng thời thay mặt gửi lời cảm ơn Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân cùng các lực lượng khác. 

"Đây không phải công lao của riêng tôi, mà của toàn đội và toàn lực lượng", anh nói.

Hạ sĩ PCCC bị thương kể đêm sẵn sàng hy sinh cứu người trong chung cư mini-6
Hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung tại đơn vị, sáng 25/9 (Ảnh: Minh Nhân).

"Là một người lính PCCC, tôi sẵn sàng hy sinh"

Những ngày nằm viện, Trung thấy thông tin về vụ cháy chung cư mini xuất hiện trên mọi nền tảng truyền thông.

Vụ hỏa hoạn thảm khốc khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội thông báo nguyên nhân gây cháy do "chập mạch điện đường dây dẫn điện tại khu vực của bình ắc quy" nằm ở phần đầu của chiếc xe máy tay ga.

Theo kết quả giám định, từ chiếc xe ga, lửa lan vào khu vực cáp điện và các hộp công tơ điện lắp trên tường tầng một. Sau hỏa hoạn, bốn bình chữa cháy được mang đi giám định, kết quả ba bình chưa sử dụng.

Đọc một vài bài báo, người lính PCCC cảm thấy lòng nặng trĩu, tự trách bản thân không cứu được nhiều người. Anh tự trấn an bản thân, hạn chế sử dụng mạng xã hội, cố gắng điều chỉnh tâm trạng.

Tốt nghiệp THPT Phan Bội Châu (Hà Nội), Trung tham gia nghĩa vụ công an từ ngày 16/2/2021. Sau 3 tháng tập huấn, anh được điều chuyển về Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân.

Ngày đầu về đội, Trung nhận luôn tin báo cháy. Đến hiện trường, anh khá bỡ ngỡ, không chủ động phản ứng, "được giao gì làm nấy". 

"Về sau, tham gia nhiều vụ cháy, tôi học hỏi kinh nghiệm từ chỉ huy và đồng đội, rèn luyện bản lĩnh hơn", Trung nói.

Hạ sĩ PCCC bị thương kể đêm sẵn sàng hy sinh cứu người trong chung cư mini-7
Chung cư mini 9 tầng nơi xảy ra vụ cháy kinh hoàng đêm 12/9 (Ảnh: Mạnh Quân).

Hơn 2 năm qua, có những ngày hạ sĩ chạy liên tục 4 vụ cháy từ sáng đến đêm, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Những ngày khác, anh trực 24/24h tại đơn vị, tham gia các buổi tập luyện.

Không đếm số đám cháy từng dập cũng như số người cùng đồng đội cứu, anh chỉ biết làm hết sức để cứu những người sống.

Khoác lên mình màu áo lính PCCC, Trung biết đó dường như là một sự đánh đổi, sẵn sàng tâm lý "hy sinh bất cứ lúc nào". Đồng đội thường nói với anh, công tác trong lực lượng PCCC sẽ không có từ "sợ".

"Chúng tôi mang trọng trách lớn trên vai. Nếu chúng tôi sợ hãi, ai sẽ cứu người dân? Chúng tôi biết rằng, không hi sinh thì cũng bị thương, nhưng ưu tiên hàng đầu luôn là người dân", chàng trai 20 tuổi nói, tự nhủ nâng cao ý thức bảo vệ bản thân - "Bởi bảo vệ tốt bản thân, tôi mới bảo vệ được người dân".

Theo Dân Trí