Một khi đã lấy bất kỳ thứ gì mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, điều đó đồng nghĩa với việc lấy cắp, là một hành vi mà không ai có thể biện hộ được. Tuy nhiên, có một số người lại không cho rằng như vậy, kẻ trộm dưới đây là một ví dụ.
Câu chuyện được một người đàn ông Malaysia chia sẻ lại. Cụ thể, vào một ngày đẹp trời, anh ta trở về nhà và phát hiện một mẩu giấy với nội dung như sau: “Xin chào, tôi đã vô tình lấy trộm 2 bình ắc quy ô tô của bạn. Tôi xin lỗi vì sự ngu ngốc của mình. Tôi sẽ trả lại cho bạn 30 ringgit (hơn 150 nghìn đồng) vì tôi chỉ đủ khả năng để đưa cho bạn 30 ringgit. Vui lòng cho phép điều này”.
Bất ngờ hơn, chủ sở hữu của những chiếc ắc quy bị đánh cắp đã nói rằng anh thực sự muốn trả lại 30 ringgit cho kẻ trộm - vì vốn dĩ những chiếc ắc quy đó đã bị hỏng.
Tên trộm ắc quy để lại lá thư và số tiền 30 ringgit.
Trước thắc mắc của mọi người lý do vì sao trong nhà anh lại có quá nhiều bình ắc quy ô tô như vậy, người đàn ông cho biết anh ta để tất cả các bình ắc quy cũ ở nhà và nếu tên trộm không để lại mẩu giấy, anh sẽ không biết rằng nó đã bị đánh cắp.
Các cư dân mạng khác cho rằng 15 ringgit cho mỗi ắc quy là “giá thị trường” khi được bán cho các cửa hàng sắt vụn, vì vậy có vẻ kẻ trộm đã “trả đúng giá”.
Một cuộc tranh luận ngay lập tức được tạo nên bởi các ý kiến trái chiều về hành động “nửa vời” của kẻ trộm.
Trong khi một vài bình luận cho rằng có thể đây là lần đầu tiên người đó lấy trộm thứ gì đó và họ có thể thực sự cần. Hơn nữa, việc biết xin lỗi và chịu trách nhiệm cho hành vi của mình bằng cách “bồi thường” một phần thiệt hại của nạn nhân cho thấy kẻ trộm cũng không quá xấu xa.
“Khi bạn chưa bao giờ ăn trộm nhưng tình thế bắt buộc phải ra tay và cái kết”.
“Ít nhất anh ấy cũng nói xin lỗi và cố gắng làm gì đó để chuộc lỗi”.
Nhưng ở phần đông còn lại đều mỉa mai hành động để lại thư xin lỗi và tiền đền bù này, giữ nguyên quan điểm rằng dù có vì lý do gì đi nữa, ăn cắp vẫn là ăn cắp.
Vì bình ắc quy đã bị hư, không sử dụng được nên chủ sở hữu không bị thiệt hại nhiều. Tuy nhiên, hành vi lấy tài sản của người khác mà không được sự đồng ý như trên vẫn không nhận được sự đồng tình của mọi người.
“Không có gì gọi là vô tình ăn cắp cả”.
“Vô tình là sao? Vậy là tự nhiên cái ắc quy tuột, rơi, và hạ cánh vào túi xách của anh ta? Chắc là vậy rồi”.
“Ăn trộm xong trả lại ít tiền cho nạn nhân thì không tính là ăn trộm à?”.
Theo VTC