Cuộc hôn nhân của một học sinh cấp 2 và một học sinh tiểu học ở làng Montong Praje (đảo Lombok, West Nusa Tenggara, Indonesia) diễn ra vào tuần trước, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
S (tên các nhân vật được viết tắt), 15 tuổi, và NH, 12 tuổi, đã buộc phải cưới nhau sau 4 ngày hẹn hò vì vi phạm tập tục tại địa phương, theo trang Kumparan News.
Trước đó, sau một buổi hẹn hò, S đưa bạn gái NH về nhà vào lúc 19h30. Và theo phong tục, những cặp trai gái trở về nhà sau hoàng hôn sẽ buộc phải cưới nhau.
Hai thiếu niên đã bị cha mẹ NH ép buộc tổ chức hôn lễ. Trong khi đó, cha mẹ nam sinh S được cho đã cố gắng ngăn chặn nhưng không thể.
Hai thiếu niên bị ép cưới nhau sau 4 ngày hẹn hò.
Ijab kabul - một nghi lễ long trọng trong đám cưới - của S và NH đã diễn ra vào tuần trước. Theo nghi lễ truyền thống, cả hai chính thức trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ không được Văn phòng các vấn đề tôn giáo (KUA) - nơi chịu trách nhiệm về việc tổ chức cưới xin hợp pháp ở Indonesia - chấp thuận.
Ehsan, trưởng làng Montong Praje, nói: "Họ nói đó là do phong tục. Nếu bạn đưa một cô gái về nhà muộn, bạn phải cưới cô ấy. Chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn điều này và tách chúng ra. Tuy nhiên, cha mẹ của cô dâu khăng khăng họ phải kết hôn".
Trưởng làng cho biết thêm tập tục này là của người Sasak, những người sống chủ yếu trên đảo Lombok. Bộ lạc có truyền thống "bắt cóc cô dâu", một trong những nguyên nhân chính của nạn tảo hôn.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), từ lâu West Nusa Tenggara đã phải vật lộn với nạn tảo hôn. Hơn 31% phụ nữ ở độ tuổi 19-24 trong tỉnh đã kết hôn trước 18 tuổi.
Vợ chồng trẻ con
Các nhà lập pháp đã sửa đổi Luật Hôn nhân và nâng độ tuổi tối thiểu kết hôn của phụ nữ từ 16 lên 19. Thế nhưng, các bậc phụ huynh vẫn được phép yêu cầu cơ quan chức năng "cấp phép" cho trẻ em chưa đủ tuổi kết hôn với lý do tín ngưỡng.
Trong trường hợp không được pháp luật công nhận, hai bên gia đình sẽ tự tổ chức một lễ cưới truyền thống để đưa những đứa trẻ về chung sống với nhau như vợ chồng.
Câu chuyện về những cặp vợ chồng trẻ con tại Indonesia từng làm dấy lên tranh cãi trong công chúng, các học giả về tôn giáo, nhà hoạt động xã hội.
Lies Marcoes, một chuyên gia về giới và Hồi giáo học, nói: "Indonesia phải nhìn nhận cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Tảo hôn là sự cảnh báo của cái chết trong im lặng vì nó gắn liền với tỷ lệ chết sau sinh cao ở cả trẻ và mẹ".
Những "đám cưới trẻ con" phổ biến tại Indonesia.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các cô dâu trẻ không được phép tiếp tục học hành sau khi kết hôn. Khoảng một nửa số đám cưới kết thúc bằng ly dị. Ngoài ra, tảo hôn còn gây ra những hậu quả mang tính tàn phá, dẫn đến đói nghèo bền vững, rủi ro về sức khỏe liên quan đến việc mang thai sớm.
Báo cáo về nạn tảo hôn đầu tiên của Indonesia thực hiện bởi UNICEF vào năm 2016 khẳng định tảo hôn là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, bao gồm quyền đi học, quyền sức khỏe, quyền có thu nhập trong tương lai và quyền được đảm bảo an toàn.
Năm 2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng lên tiếng rằng chính phủ sẽ có kế hoạch đưa ra những quy định mới để chấm dứt nạn tảo hôn.
Trong hai năm qua, chính quyền và các tổ chức xã hội đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng Indonesia vẫn còn một chặng đường dài để đạt đến mục tiêu cuối cùng.
Theo Zing