Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, từ năm 2025 - 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Hà Nội chỉ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Để thực hiện việc này, Hà Nội sẽ hỗ trợ những người sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải.
Từng chia sẻ về chủ trương hạn chế xe cá nhân, trong đó có cấm xe máy của Hà Nội, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng, Hà Nội và các đô thị lớn chỉ thực hiện được việc này khi vận tải công cộng đạt trên 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện con số này mới đạt khoảng 17 - 19% và chỉ trông chờ vào vận tải khối nhỏ là xe buýt, vận tải khối lớn theo quy hoạch Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị thì đến nay mới chỉ có 1,5 tuyến, nên khó thực hiện được việc mục tiêu trên.
Người dân băn khoăn nếu phải chi trả khoản tiền lớn để đổi sang phương tiện "xanh".
Dưới góc nhìn của người dân, ông Tạ Xuân Mạnh (quận Hoàn Kiếm) cũng băn khoăn về tính khả thi của chủ trương này.
Là công nhân nghỉ mất sức lao động, ông Mạnh cùng các con sống trong con ngõ nhỏ phố Hàng Bồ. Nguồn thu chính của đại gia đình ông đến từ quán cháo bán trước ngõ. Ngoài những lúc phụ vợ bán hàng, ông Mạnh chạy thêm xe ôm.
Ông cho biết, theo nghị quyết, Hà Nội sẽ hỗ trợ những người sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải.
Thế nhưng điều người dân băn khoăn chính là cơ chế hỗ trợ tài chính để chuyển sang phương tiện giao thông ''xanh''.
“Nếu thành phố chỉ hỗ trợ một phần tài chính, đồng nghĩa với việc người dân phải lo nốt số tiền còn lại khi đổi phương tiện. Trên thị trường xe máy điện giá rẻ cũng khoảng 20 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/xe thì mỗi hộ gia đình cũng phải chi trả thêm khoảng 10 - 15 triệu đồng/xe.
Nhà tôi có tới 4 xe máy, gia đình sẽ phải bù ra 40 - 60 triệu đồng nếu chuyển đổi hết sang xe điện. Đây là khoản tiền lớn, sẽ rất khó khăn với những gia đình buôn bán nhỏ như chúng tôi”, ông Mạnh băn khoăn.
Nhấn mạnh xe máy là phương tiện mưu sinh của gia đình mình, ông Mạnh phân trần: "Vợ tôi cũng phải dùng xe máy đi lấy hàng mỗi sáng, con dâu cũng phải đưa con đi học, con trai đi làm tận bên huyện Gia Lâm. Vì thế, nếu phải thay đổi phương tiện với gia đình sẽ là câu chuyện nan giải”.
Thừa nhận việc hạn chế phương tiện ô nhiễm là chủ trương đúng đắn, ông Mạnh kiến nghị thành phố cần tính toán lại, nhất là mức hỗ trợ cho người dân chuyển đổi phương tiện.
“Ví dụ với những xe máy quá cũ nát thì bắt buộc phải thu hồi, Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị xe mới. Xe xăng sản xuất từ 10 năm trở xuống thì cho phép tiếp tục lưu thông. Tôi nghĩ làm như thế mới không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân”, ông Mạnh kiến nghị.
Theo Vietnamnet