Sử dụng hình ảnh biệt thự mới xây, hồ bơi riêng, sân vườn rộng rãi... fanpage Helios Villa đã lừa đảo hàng trăm khách du lịch đến Vũng Tàu trong thời gian vừa qua.

Rất nhiều du khách đã đặt cọc số tiền không nhỏ cho căn biệt thự này. Tuy nhiên, khi đến nơi họ mới ngỡ ngàng vì đây là dãy quán lẩu và cà phê chứ không có villa nào.

Tránh tâm lý e ngại, không tố giác hành vi lừa đảo

Đây không phải lần đầu tiên du khách "sập bẫy" các nhóm lừa đảo khi đặt phòng tại các điểm đến hot trong mùa du lịch cao điểm. Thậm chí, nhiều tỉnh thành đã công bố số điện thoại đường dây nóng để du khách liên hệ, kiểm tra độ uy tín của cơ sở lưu trú.

Hàng trăm du khách bị lừa tiền ở villa ma nhưng ít ai lên tiếng-1
Quyết định giả để lừa đảo du khách. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về vấn đề lừa đảo qua mạng, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết: "Hiện nay, các hành vi lừa đảo online ngày càng tinh vi, phức tạp, biến tướng dưới nhiều hình thức như ứng dụng lừa đảo, đường link clip, hình ảnh nóng, các ứng dụng bảo mật thông tin... khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc điều tra, truy vết và xử lý tội phạm".

Bên cạnh đó, vị luật sư cũng cho biết thêm việc ý thức tự bảo vệ của người dân trước lừa đảo qua mạng chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo khó xử lý triệt để.

Đa số vụ lừa đảo đều xuất phát từ việc người dân chủ động tiếp cận và cung cấp thông tin. Đặc biệt, khi bị lừa đảo qua mạng xã hội, đa số người bị hại thường có tâm lý e ngại, không tố cáo dẫn đến cơ quan chức năng không tiếp cận được vụ việc.

Với vụ việc của Helios Villa tại Vũng Tàu, luật sư Hoàng Trọng Giáp nhận định nhóm này đã có những thủ đoạn gian dối như lập fanpage với nhiều lượt tương tác giả, đăng tải giấy phép giả của Sở du lịch Thành phố Vũng Tàu, cung cấp những hình ảnh không đúng sự thật, cung cấp chương trình khuyến mãi giả tạo nhằm lừa gạt lòng tin của khách hàng muốn đặt phòng.

"Biệt thự ma" này còn chiếm đoạt số tiền từ 2,5 triệu đồng đến hơn 7 triệu đồng của nhiều người. Từ những hành vi đó, luật sự Trọng Giáp cho biết đã đủ kết luận chủ sở hữu villa trên có đủ dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Vẫn bị lừa dù đã đến Vũng Tàu nhiều lần

Vũng Tàu vốn là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. Đánh vào tâm lý thích khám phá và trải nghiệm dịch vụ mới của khách du lịch, "biệt thự ma" này đã cho chạy quảng cáo về hình ảnh một điểm lưu trú mới khai trương, sang trọng với mức giá thuê phải chăng để dụ dỗ "con mồi".

Chị Ngọc Yến (TP.HCM) đã bị những hình ảnh "ảo" của nhóm lừa đảo thu hút.

"Gia đình tôi gồm 8 người lớn và 6 trẻ nhỏ nên khi nhìn thấy hình ảnh một căn biệt thự mới xây, khang trang và rộng rãi tôi rất ưng ý. Bên đó cũng nhiệt tình tư vấn thêm thông tin về diện tích, cơ sở vật chất, dịch vụ để tôi yên tâm hơn", chị Yến cho biết.

Hàng trăm du khách bị lừa tiền ở villa ma nhưng ít ai lên tiếng-2
Nhóm lừa đảo sử dụng hình ảnh một villa ở Bali để đánh lừa du khách. Ảnh: Bài đăng của Helios Villa.

Đang trong mùa du lịch cao điểm, du khách gặp không ít khó khăn trong việc tìm phòng. Nhóm lừa đảo đã lợi dụng điều này để hối thúc du khách chuyển cọc sớm.

"Giá thuê villa một đêm là 5 triệu đồng, tôi được yêu cầu cọc trước 50%. Họ liên tục nhắc tôi chuyển khoản sớm với lý do lượng khách muốn đặt rất đông, nếu không nhanh sẽ hết chỗ tốt".

Chị Yến nhận xét số tiền nhóm lừa đảo bắt đặt cọc khá cao so với các điểm lưu trú khác. Lo sợ không thuê được chỗ tốt, chị đã vội vàng thanh toán.

Để tăng thêm độ tin cậy, phía villa còn gửi các giấy tờ như căn cước công dân và số điện thoại của chủ nhà, quyết định công nhận đạt chuẩn 3 sao cho khách hàng.

Hàng trăm du khách bị lừa tiền ở villa ma nhưng ít ai lên tiếng-3
Phiếu xác nhận đặt phòng của "biệt thự ma" gửi đến khách hàng. Ảnh: NVCC.

Tương tự, chị Lynh Vũ (TP.HCM) cũng rất bức xúc khi bị lừa tại một điểm đến rất quen thuộc của mình. "Tôi thường xuyên đi Vũng Tàu và cũng làm trong lĩnh vực du lịch. Khi phát hiện ra sự việc, tôi thấy rất bực tức".

Thường xuyên đi chơi ở thành phố biển nên lần này nhóm bạn của chị Lynh muốn đổi gió ở một điểm lưu trú mới. Chị đánh giá các homestay, villa tại Vũng Tàu khá giống nhau nên khi "căn biệt thự ma" chạy quảng cáo với hình ảnh mới mẻ, hiện đại đã khiến bản thân "dính bẫy".

Thông thường, khi đặt phòng ở chỗ mới, chị Lynh cũng rất cẩn thận kiểm tra các thông tin. Tuy nhiên, thời gian này công việc khá bận rộn, cộng thêm lượng tương tác tốt từ fanpage lừa đảo khiến chị lơ là.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị này đã nắm được thông tin ban đầu về vụ việc qua phản ánh của báo chí. Ông cũng khẳng định quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đăng tải có nhiều dấu hiệu làm giả, sửa đổi trái phép.

Làm gì khi lỡ sập bẫy?

Trước tình hình trên, nhiều nạn nhân của Helios Villa đã tập hợp lại và trình báo lại chính quyền địa phương. Đây cũng là một trong những bước đầu tiên du khách cần làm khi rơi vào tình huống này.

Hàng trăm du khách bị lừa tiền ở villa ma nhưng ít ai lên tiếng-4
Nhóm chat tố cáo Helios Villa.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp chia sẻ: "Người dân khi gặp phải những vụ việc tương tự có thể tố cáo đến cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc, hoặc Công an nơi gần nhất. Người dân cần tập hợp những bằng chứng để giao nộp kèm theo tố cáo cho cơ quan chức năng".

Đang vào mùa du lịch cao điểm. Đây là thời điểm nhiều kẻ gian lợi dụng sự cả tin của du khách để thực hiện hành vi lừa đảo. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp du khách nhận biết các tổ chức lừa đảo qua mạng, theo luật sư Hoàng Trọng Giáp:

- Yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản truy cập. Ví dụ như gọi điện thoại giả danh Cơ quan Nhà nước thông báo tới nạn nhân về việc điều tra các loại tội nghiêm trọng yêu cầu người nghe máy làm theo "chỉ dẫn" để chứng minh mình không phải là đối tượng liên quan bằng cách điền thông tin cá nhân vào một website giả mạo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý...

- Đưa thông tin về các giải thưởng, sự kiện cho người dùng: lập website giả, tự xưng là nhân viên chương trình trúng thưởng, để tham gia cần cọc tiền hoặc gửi mã OTP…

- Các tin liên quan đến các vấn đề nóng trong xã hội tại thời điểm hiện tại, dụ dỗ người dùng nhấn vào thư để cung cấp thông tin hoặc truyền tải virus gây hại.

- Gửi các tập tin đính kèm liên quan đến công việc, tuyển dụng hay các thông tin về lĩnh vực mà người dùng quan tâm.

- Email, tin nhắn chỉ bao gồm các hình ảnh. Khi bấm vào bất kỳ vùng nào trong ảnh hoặc thư điện tử đó đều có thể dẫn đến trang web giả mạo, dụ người dùng đăng nhập thông tin cá nhân hoặc lây nhiễm mã độc.

- Email chứa nhiều thông tin bôi đậm bất thường nhằm thu hút sự chú ý của người dùng.

- Email, tin nhắn với những lời chào hỏi, làm quen chung mà không cụ thể tới đối tượng, thường bắt đầu theo kiểu “chào bạn”, “chào anh/chị”, “Dear Friend”….

Theo Zing