“Thâm niên” với công việc này đã 10 năm, ông Long muốn trở thành cầu nối để chia sẻ với những số phận khó khăn, giúp họ có động lực vươn lên trong cuộc sống…
Từ câu chuyện của bản thân…
Cách đây 10 năm, cứ 15h hằng ngày ông dừng ở những nút giao thông lớn như: đoạn cuối đường Nguyễn Văn Linh (phía đuôi cầu Rồng), đường Bạch Đằng, số 183 Hoàng Diệu… để mọi người có thể thấy và mang áo quần đến.
Nhưng những năm gần đây, do tuổi già sức yếu nên ông chỉ đi 3 lần 1 tuần, đến các địa điểm tập kết mọi người gom áo quần trước để chở về.
Chuẩn bị xe tự chế để đi quyên góp áo quần
Sau khi tập kết tại nhà mình, ông sắp xếp, lựa chọn những bộ áo quần còn dùng được để gửi đến các hộ gia đình nghèo. Việc làm của ông được người con trai nhiệt tình giúp đỡ và ủng hộ, anh cũng là người chở áo quần cùng ông lên đến những vùng sâu vùng xa.
Khoảng nửa tháng thì ông và con trai chở đồ lên tặng bà con ở Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) rồi khu tái định cư cho người dân làng Vân (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu)… 2 tháng một lần thì đi những nơi xa hơn như xã Đại Cường, xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), xã Bình Tú (huyện Thăng Bình, Quảng Nam).
Ông Long chia sẻ: “Những ngày đầu khá vất vả vì ít người hiểu được dòng chữ trên xe, sau một thời gian kiên trì thì nhiều người biết đến mình hơn và mang đến áo quần nhiều hơn để có thể giúp đỡ những người khó khăn”.
Nhắc lại kỷ niệm khi bắt đầu công việc này 10 năm về trước. Trong một lần ghé xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thì ông vô tình gặp một người đàn ông thợ rèn mặc áo quần cũ kỹ, rách tả tơi, lúc đó ông ngõ ý muốn tặng một số áo quần cũ thì được ông thợ rèn vui mừng đón nhận. Từ đó, ông nghĩ đến việc xin áo quần của người thừa để tặng cho người thiếu.
Những năm đầu ông chỉ chạy xe máy dọc các con phố để xin áo quần thừa. Sau một thời gian thấy lượng áo quần nhiều, việc di chuyển bằng xe máy khó có thể vận chuyển được hết nên ông quyết định tự chế chiếc xe này.
… đến niềm vui của xã hội
Không chỉ Đà Nẵng, ông còn được nhiều người từ các tỉnh thành khác như Khánh Hòa, TP.HCM chuyển áo quần ra tận nhà để nhờ ông gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn.
Niềm trăn trở của cụ già 80 tuổi cũng được ông bộc bạch: “Với tôi, việc giúp đỡ những người khó khăn và niềm vui, là liều thuốc bách bệnh. Nhưng khi đến với các địa điểm xa xôi hẻo lánh, cái áo không có để mặc thì lòng tôi rất chua xót, muốn có một điều gì đó giúp đỡ những người dân”.
Ông Long gom áo quần còn dùng được để chuyến đến những người cần
Nói đến một địa điểm mà để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất, ông hồ hởi khi nói về làng Vân trong khu tái định cư tại quận Liên Chiểu. Ông xem đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình, mỗi lần thấy ông lên, người dân lại thấy như một người con của gia đình từ xa mới về.
“Vừa mới đây, tôi lên lại làng Vân thì được một bạn nhỏ khoe đây là bộ áo quần ông đã tặng cách đây vài tháng và rất thích món quà này” - ông cười.
Ông Đỗ Ngọc Ái, Phó trưởng ban công tác Mặt trận Chi bộ 11 chia sẻ, làng Vân biết đến ông Long khoảng 3, 4 năm nay. Thường 1, 2 lần/năm, ông Long lại đem quần áo cũ, mấy thùng mỳ tôm lên, nhờ tôi phân phát cho người nghèo. Người dân nơi đây xem ông Long như là người thân trong gia đình, mỗi lần ông đến luôn được người dân chào đón.
Ông đi liên tục nên đã có 2 lần bị tai nạn, một lần gãy xương sườn. Con cháu cũng lo sợ về sức khỏe nên không muốn ông tiếp tục làm việc này nữa nhưng ông không chịu.
“Ông trời cho tôi sức khỏe đến đâu tôi sẽ đi đến khi đó. Ông trời thương tôi lắm nên 80 tuổi rồi mới khỏe mạnh như thế này đây, tôi sẽ đi lúc nào không còn sức, vì đây là liều thuốc của tôi mà” - ông cười hiền hậu.
Theo VietNamNet