Hành trình giải mã những kho quan tài bí ẩn trong những hang động trên đỉnh núi

Miền tây Thanh Hóa có nhiều chuyện kỳ bí, và những kho quan tài trong hang động trên vách đá cheo leo, là thách thức với các nhà khảo cổ.

Những ngày hè, đất Bá Thước và Quan Hóa, vùng đá vôi lô nhô bên dòng sông Mã thật kỳ lạ, cứ chiều tối là mưa như trút nước. Dòng sông Mã nơi đây khá nhỏ, nước dâng cao, cuồn cuộn đỏ au.

Ông Cao Bằng Nghĩa vốn là Trưởng phòng Văn hóa, sau là Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quan Hóa, giờ về hưu sống ở bản nhỏ ngay thị trấn. Ông Nghĩa đào một cái ao nhỏ trước nhà, thả cả trăm con cá dốc, loài cá thần sống ở suối Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và Văn Nho (Bá Thước), và không bao giờ ăn thịt chúng. Hàng ngày, ông cho cá ăn, ngắm cá, rồi viết lại những câu chuyện văn hóa bí ẩn ở vùng đất Mường Ca Da này.

Trong số những câu chuyện mà ông Nghĩa nghiên cứu, đau đáu bao năm nay, là những hang động chứa quan tài ở vùng Quan Hóa, Bá Thước. Những cỗ quan tài ấy có từ khi nào, chủ nhân là ai, thuộc bộ tộc nào, bao nhiêu năm nay ông vẫn chưa giải nghĩa được và chưa tìm được câu trả lời khiến ông thỏa mãn.

Ông Cao Bằng Nghĩa dẫn tôi ra cổng huyện ủy Quan Hóa, chỉ tay lên vách đá dựng đứng bên kia sông Mã, với những mảng xanh cây cối bán vào khe đá, thi thoảng lại lộ ra những mảng đá triệu năm bị ánh nắng thiếu đốt trắng phau. Phải tinh mắt lắm, mới nhìn ra những mái đá, những cái động lỗ chỗ trên những vách đá dựng đứng đó, như một cái tổ ong khổng lồ.
 


Vách núi ở trị trấn Quan Hóa, nơi có rất nhiều hang ma chứa quan tài thân cây.

“Trông xa thì không rõ, nhưng ở trong các hang động, những mái đá lỗ chỗ như tổ ong ấy, đều có quan tài đấy nhà báo à. Tôi đã có nhiều lần trèo lên vách đá để xem quan tài rồi. Hồi làm cán bộ văn hóa huyện, tôi đã bỏ nhiều ngày, buộc dây vào thân, trèo lên từng cái hang và đếm tổng cộng được 35 cái quan tài lớn nhỏ ở chỗ vách đá kia” – ông Cao Bằng Nghĩa vừa nói vừa chỉ tay lên vách núi bên kia sông Mã, ngay cạnh trung tâm thị trấn Quan Hóa.

Ông Nghĩa lấy điện thoại gọi nhiều cuộc, mới tìm được người đem thuyền máy để chở chúng tôi qua bên kia sông, rồi hẹn sáng hôm sau sẽ leo vách đá tìm lại những chiếc quan tài bí ẩn trong những hang đá nơi vách núi lỗ chỗ như tổ ong.

Con thuyền nhỏ tròng trành đưa chúng tôi sang bên kia sông Mã. Đứng dưới thuyền từ chân núi nhìn ngược lên, vách đá dựng đứng như tường thành cao hàng trăm mét. Tôi không hiểu sẽ phải leo bằng cách nào để đến được những cái hang đá lỗ chỗ trên vách đá tít hút kia, khi không có thiết bị leo núi chuyên dụng. Những câu hỏi cứ liên tục xuất hiện trong đầu, rằng chẳng hiểu người xưa đưa người chết lên đó bằng cách nào, rồi thì đưa mãi lên đỉnh núi ấy để làm gì.
 


Ông Cao Bằng Nghĩa bên chiếc quan tài từng có xương cốt.

Ông Cao Bằng Nghĩa rút con dao đi rừng phát cây cỏ rậm rạp, tìm đường lên. Vừa chặt cây chan chát, ông vừa bảo: “Có lẽ đến hai chục năm nay chẳng có ai trèo lên vách núi này cả. Lần gần nhất tôi lên cũng đến hai chục năm nay rồi.

Người Mường, người Thái ở vùng đất này rất sợ những hang ma, vì họ nghĩ nơi đó linh hồn người chết trú ngụ. Không biết thì họ vẫn đi lấy thuốc, săn thú, bắt ốc đá, nhưng nếu biết có hang ma, có quan tài, thì họ không bao giờ dám bén mảng đến chân núi chứ đừng nói đến chuyện leo lên trên núi”.

Theo ông Cao Bằng Nghĩa, cách nay độ 15-20 năm, việc phát hiện liên tiếp những hang động có quan tài ở Quan Hóa, gây chấn động cả nước, gây sửng sốt với các nhà khảo cổ. Khi đó, báo chí đưa tin nhiều lắm.

Các nhà khảo cổ cả trong nước và quốc tế về đây suốt ngày, và ông Nghĩa là người dẫn các đoàn đi rất nhiều. Tuy nhiên, họ đến nghiên cứu vài hôm rồi đi, chưa thấy có kết quả chính thức nào giải mã cả. Thế rồi, từ bấy đến nay, chẳng ai đến nữa, nên những cái hang ma này chìm vào rừng già, cây mọc bít lối, không có ai vào. Nhưng, người dân trong vùng thì vẫn không ngớt bàn luận về nó, và mỗi ngày họ lại thêu dệt cho kỳ bí rùng rợn hơn.


Video: Rợn người khám phá hang động chứa cả trăm quan tài cổ ngàn năm tuổi ở Thanh Hóa

Cũng theo ông Nghĩa, những cái hang có quan tài ở vách núi cạnh thị trấn Quan Hóa được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam, vào khoảng năm 60 của thế kỷ trước.

Thời điểm đó, có một nhóm người lạ, từ nơi khác đến, và theo lời kể thì họ là nhóm săn cổ vật. Khi đó thời chiến, mọi người còn lo sống chết, miếng ăn, nên chuyện ai đó đi đào bới, đục núi tìm kiếm cổ vật, kho báu, chẳng mấy ai để tâm. Nhóm săn cổ vật đó trèo lên vách núi này mấy ngày tìm kiếm, rồi mới rút đi. Họ bảo, không tìm thấy thứ gì quý giá ở khu vực, mặc cho dân cư trong vùng đồn đào được kho báu nọ kia do người Tàu giấu.
 


 Một chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng.

Bẵng đi vài năm, ông Nghĩa khi đó đã là một thanh niên, rủ đám bạn hay đi lấy củi trong rừng, mò vào vách đá xem có gì, thì thấy trong các hang đá là những thân cây khoét rỗng vỡ nham nhở. Khi đó, bản thân ông Nghĩa cũng chưa định hình được đó là thứ gì, nên không biết sợ.

Khi đó, hầu hết các quan tài đã vỡ, bung ra những nửa thân cây khoét rỗng. Tuy nhiên, còn vài cái rải rác ở những hang động khó trèo thì vẫn còn nguyên vẹn, gồm hai nửa thân cây úp vào nhau, mộng ghép khít khịt.

Nghĩ trong thân cây là nơi giấu của, nhóm thanh niên dùng dao đi rừng cạy, nhưng không sao mở được. Dù lấy hết sức bật ra, nhưng cong cả con dao đi rừng dày cộp. Nhóm thanh niên phải mang thuổng lên, táng mạnh và liên tục, thì những chiếc quan tài mới bung ra.

Khi mở cái thân cây khoét rỗng ra, thì đám thanh niên mới tá hỏa khi thấy bên trong thân cây là xương người, đã mục nát. Chỉ hộp sọ, hàm răng, vài xương ống là còn nguyên vẹn, trắng lốp.

Cạnh bộ xương là rất nhiều vải vóc, nhiễu, lụa, và những lá cờ hình tam giác đuôi nheo. Một số quan tài thì có thêm ít hạt cườm. Những tấm vải, lụa nhấc ra độ chục phút, thì tan hết thành bụi, riêng lá cờ thì không sao, cầm trên tay vẫy vẫn được.

Mấy hôm sau, tự dưng khỉ về vách núi rất nhiều, kêu hót ầm ĩ, khiến người dân huyện lỵ kéo ra xem đông lắm, kín bờ sông. Bỗng nhiên, thấy bầy khỉ cầm những lá cờ mà ông Nghĩa và đám thanh niên nhìn thấy khi phá quan tài. Đám khỉ cứ mỗi con cầm một lá cờ leo lên vách đá, ngọn cây vẫy rất mạnh, cứ như thể đoàn quân chiến thắng trở về. Nhìn cảnh đó, người dân sợ hãi, tưởng sắp động đất, động trời.

Tôi vào ông Nghĩa phát rừng, trèo vòng quanh những vách đá. Ông Nghĩa vừa đi vừa dò đường, độ 1 tiếng đồng hồ, thì tìm thấy một hang đá khi xưa, khiến ông sợ hãi.
 

 Những hang ma trên vách núi đều có view nhìn về thị trấn Quan Hóa và thung lũng rất đẹp. Giữa sông là doi cát nhô lên hình thuyền, nơi khởi nguồn truyền thuyết Mường Ca Da.

Chỗ vách đá này gồm 2 mái đá nhỏ thông nhau, chỉ sâu vào núi độ 3m. Phải 20 năm rồi, ông Nghĩa mới quay lại hang đá này. Ông thắp hương kính cẩn, xin các cụ cho ông cùng nhà báo vào nghiên cứu.

Ông Nghĩa sững người, khi chỉ còn một cỗ quan tài, đã bung ra làm hai mảnh, và một chiếc quan tài đã biến đâu mất tích. Cả những khúc gỗ gác trong hang, để đặt quan tài cho thăng bằng cũng biến mất.

Hồi ông Nghĩa khám phá, thì hang phía trên là quan tài của người vợ, hang phía dưới cạnh đó có lẽ là của người chồng. Sở dĩ ông Nghĩa phán đoán như vậy, vì quan tài vòm trên có những hạt cườm, trang sức của phụ nữ xưa kia, còn quan tài phía dưới nguyên xi bộ cốt, và có thêm một đoản kiếm dài 30cm. Đoản kiếm có lưỡi thép không gỉ, chuôi đồng tạo tác hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Khi đó, đám thanh niên mở quan tài, nhưng không thấy vàng bạc gì cả, chỉ có thanh đoản kiếm cũ nên chẳng lấy, đóng lại.

Năm 1978, một thanh niên người Hoa, thế hệ ông Nghĩa, đã cùng đám bạn mò lên hang đá, lấy đoản kiếm, chọc vào hộp sọ, rồi quăng hộp sọ xuống chân núi. Vài hôm sau, anh này bỗng dưng nổi điên, cứ chạy lung tung, nói năng nhảm nhí, rồi cả nhà chuyển về Mỹ Lộc, không biết số phận ra sao.

“Sau này, làm ở Phòng Văn hóa huyện, tôi có mang bộ xương về trưng bày ở tủ kính. Không ngờ, mang về hôm trước, thì hôm sau con trai tôi kêu đau xương không chịu nổi, chữa mãi không ăn thua. Mọi người cứ liên hệ với việc tôi đem xương người xưa về, khiến tôi cũng thấy hoảng. Tôi chỉ để lại xương ống chân, còn đem toàn bộ đi chôn, rồi cúng bái nghiêm túc. Không ngờ làm xong thì thằng con tôi lại hết kêu đau” – ông Nghĩa kể.
 


Một chiếc hộp sọ và xương ống chân ở hang ma. (ảnh Lê Bền)

Tôi và ông Nghĩa đã trèo lên hết mái đá này, đến mái đá khác, nhưng thật đau lòng, khi rất nhiều quan tài đã biến mất. Thậm chí, một mái đá mà theo lời ông Nghĩa, hai chiếc quan tài thân cây vẫn còn nguyên xương cốt, cũng đã biến mất không dấu vết. Nhiều hốc đá chỉ còn lại vài mẩu gỗ mục nát. Theo phán đoán của ông Nghĩa, có thể trẻ con tò mò trèo lên chơi, rồi nghịch ngợm khiêng quan tài ném xuống dòng sông Mã.

Thật đáng tiếc, khi một vách núi chi chít mái đá chứa quan tài được phát hiện từ gần 60 năm trước, rồi bị lãng quên hoàn toàn, lại bị tàn phá một cách bất ngờ như vậy.

Tôi trèo lên những mái đá chứa quan tài thân cây trên sườn núi nhìn xuống, đều thấy một điểm chung giống nhau, đó là có hướng nhìn xuống dòng sông mã, và thung lũng tuyệt đẹp nơi có thị trấn Quan Hóa. Đặc biệt, ngay giữa sông mã, dưới chân vách núi là dải đất hình con thuyền nhô lên, nơi bắt đầu truyền thuyết Mường Ca Da, là sự tích đẹp về vùng đất này. Phải chăng, người xưa đã chọn nơi an táng có tầm nhìn tuyệt đẹp?

Theo VTC News


Thanh Hóa chuyện lạ

Tin tức mới nhất