Trong tập phát sóng mới đây của chương trình Thay đổi vì một trường học hạnh phúc do VTV7 phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức, cô bạn có tên Đoàn Thanh Trang (hiện đang là học sinh lớp 12 tại Hà Nội) đã mang đến một câu chuyện xúc động về bản thân khi vượt lên những nông nổi của tuổi trẻ.
Nữ sinh Đoàn Thanh Trang chia sẻ câu chuyện xúc động về bản thân trong chương trình.
Thanh Trang có một thời cấp 2 không trọn vẹn khi cô nàng là một đứa trẻ nghịch ngợm và ngỗ ngược bởi "luôn cảm thấy cô độc, đơn độc với tất cả mọi người xung quanh". Thay vì chăm chỉ học hành như bạn bè đồng trang lứa, 10X nổi loạn chỉ thích cãi nhau với các thầy cô, trêu chọc và gây sự với bạn bè trong lớp.
Chỉ vì muốn tạo sự thu hút với mọi người mà Thanh Trang luôn tìm cách để bản thân trở thành tâm điểm chú ý bằng những hành động nổi loạn, nghịch ngợm. Nhưng ngược lại, sau những trò đùa như thế, cô bạn chỉ để lại tiếng cười cho chính bản thân mình và ánh nhìn khinh bỉ, chán ghét từ những người xung quanh. Thậm chí, bạn bè còn gọi Thanh Trang là "súc vật" vì không thể chấp nhận những hành động ngỗ ngược của nữ sinh này.
"Đỉnh điểm là đến năm lớp 8, đây là khoảng thời gian em tụt dốc nhanh nhất, phải sử dụng đến chất kích thích để quên đi chính bản thân mình. Điều đầu tiên em nghĩ đến mỗi khi thức dậy là không muốn mở mắt ra nữa, muốn chối bỏ cuộc đời mình", Thanh Trang chia sẻ.
Chìm đắm trong suy sụp, mệt mỏi, tưởng như đã có lúc muốn buông bỏ mọi thứ trong cuộc sống, Thanh Trang bỗng nặng lòng, xót xa khi thấy giọt nước mắt từ người cha và câu nói: "Con có bao giờ cảm thấy có lỗi với bố mẹ không? Còn bố mẹ cảm thấy vô cùng có lỗi với con khi không dạy con ngoan ngoãn và học giỏi như các bạn khác?".
Nhận thấy bản thân đang khiến cha mẹ phải buồn rầu, suy nghĩ, Thanh Trang đã tự nhủ phải thay đổi để xứng đáng là đứa con ngoan từng được gia đình kỳ vọng. Thế nhưng, lại một lần nữa, cô bạn đơn độc trên chính hành trình tìm lại bản thân khi không nhận được sự quan tâm, yêu thương từ cha mẹ.
Những ngày tháng tiếp theo bước chân vào cấp 3 với tâm trạng của một đứa trẻ cấp 2 bướng bỉnh, nghịch ngợm, Thanh Trang vẫn cãi nhau với thầy cô, gây sự với bạn bè. Một tuần sau buổi học đầu tiên dưới mái trường THPT, Thanh Trang bất ngờ được cô giáo chủ nhiệm gọi vào phòng và nói chuyện riêng.
"Lần đầu tiên em cảm nhận được tình yêu thương từ cô giáo. Không một lời trách móc nào cả, cô nói chuyện rất nhẹ nhàng và kể cho em nghe câu chuyện về than đá, kim cương.
Cô bảo rằng, tất cả chúng ta ai sinh ra trên đời này cũng có một giá trị riêng. Một vỉa than đá đen tối hắc ám chạm vào thì bẩn tay không may có chạm vào thì rách tay chảy máu, nay đã tự thanh lọc chính bản thân mình để trở thành viên kim cương lấp lánh...", Thanh Trang xúc động.
Bằng tất cả tin tưởng và yêu thương, cô giáo chủ nhiệm không những động viên mà còn giao cho Thanh Trang những chức vụ và trách nhiệm cao nhất trong lớp. Chính nhờ sự quan tâm từ cô giáo, thấm thía những lời nói từ tận đáy lòng mà "người mẹ thứ hai" đã truyền đạt cho mình, Thanh Trang dần hiểu ra mọi chuyện, có thêm động lực để quyết tâm thay đổi bản thân.
Trang cảm thấy như được sinh ra lần thứ hai, được sống lại là chính mình. Mỗi buổi sáng thức dậy, cô bạn thực sự cảm thấy đây mới là cuộc sống và muốn đi học, muốn được gặp thầy cô, bạn bè.
Để có được sự trưởng thành ngày hôm nay, cô bạn bày tỏ rằng, công lớn thuộc về cô giáo chủ nhiệm và lớn hơn, đó là một môi trường - trường học hạnh phúc.
Từ đứa trẻ sợ hãi trường học, thầy cô và bạn bè, thích nổi loạn để gây sự chú ý, Thanh Trang giờ đã tìm lại được chính mình nhờ câu nói "đi vào lòng người" của cô giáo chủ nhiệm.
Dù hành trình hoàn thiện bản thân còn dài và gian nan hơn nữa nhưng Thanh Trang đã tìm lại được hạnh phúc, niềm vui trong những ngày tháng cấp 3 của mình. Câu chuyện xúc động về Thanh Trang đã khiến những khán giả có mặt tại trường quay không giấu nổi xúc động vì những tâm sự, trải lòng chân thành từ nữ sinh này.
Theo Báo Đất Việt