Nguyên nhân chính Công tước và Nữ công tước xứ Sussex kết thúc hợp đồng sớm với Spotify và không được thanh toán đủ 20 triệu USD như thỏa thuận là chỉ sản xuất được một podcast, Archetypes, với 12 tập thường và 1 tập đặc biệt vào dịp lễ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa vợ chồng hoàng gia thoát ly không nghĩ ra các ý tưởng.

Harry và Meghan muốn phỏng vấn ông Putin, Donald Trump-1
Harry nghĩ ra nhiều ý tưởng cho podcast nhưng không thực hiện được cái nào. Ảnh: Skynews.

Bloomberg đưa tin ngày 22/6 những người trong cuộc giấu tên khẳng định Hoàng tử Harry đã gặp gỡ một số nhà sản xuất và công ty chuyên nghiệp để lên ý tưởng cho các podcast của riêng anh.

Harry được cho là tâm đắc với các đề xuất mà anh nghĩ ra, bao gồm podcast về những tổn thương thời thơ ấu với dàn khách mời gây tranh cãi.

Theo Bloomberg, hoàng tử tóc đỏ muốn nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về những năm đầu đời và những trải nghiệm đó đã định hình tuổi trưởng thành của họ như thế nào.

Không chỉ vậy, Harry còn đề nghị tạo ra podcast xoay quanh tình cha con và dự án khác tập trung vào các đề tài nóng hổi trong xã hội, từ biến đổi khí hậu đến tôn giáo. Anh còn đặt mục tiêu mời Giáo hoàng Francis đến chương trình.

Tuy nhiên, những thứ Harry nghĩ ra đều không được thực hiện. Thực tế cho thấy Harry không có podcast riêng nào. Sản phẩm duy nhất vợ chồng Sussex tạo ra cho Spotify là Archetypes.

Bloomberg cho hay những người điều hành Spotify phải “vò đầu bứt tai” trước loạt ý tưởng bất khả thi của công tước sinh năm 1984.

Phóng viên Ashley Carman của Bloomberg nhận định những ý tưởng của Harry không có tính thực tế.

“Những người như Putin và Zuckerberg hiếm khi trả lời các cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng về các chủ đề mà họ đam mê, chứ đừng nói đến quá trình trưởng thành, thời thơ ấu và những tổn thương”, cô viết.

Harry và Meghan muốn phỏng vấn ông Putin, Donald Trump-2
Đề xuất mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia Podcast của Harry là bất khả thi. Ảnh: ZUMAPRESS.com.

Nữ nhà báo phân tích thêm về khó khăn trong việc tạo ra nội dung podcast hướng đến người nổi tiếng.

“Đại dịch làm giảm khối lượng công việc của các ngôi sao điện ảnh và những nhân vật nổi tiếng thường bay vòng quanh thế giới cho dự án này sang dự án khác.

Thay vào đó, tất cả họ đều bị mắc kẹt ở nhà với nhiều thời gian rảnh rỗi. Đó là lý do trong một thời gian, nhiều người nổi tiếng ký hợp đồng tham gia podcast, ngay cả khi họ không có ý tưởng cụ thể, khả thi để có thể trở thành chương trình, chưa nói đến có thể thành hit”, Carman viết.

Tuy nhiên, sau đại dịch, nhịp sống trở về như vốn có, các ngôi sao lại bắt đầu bận rộn, do đó nhiều thỏa thuận trước đó bị bỏ qua. Sự bùng nổ podcast của người nổi tiếng nhanh chóng phá sản.

Chưa kể, số tiền bỏ ra để mời người nổi tiếng không phải con số nhỏ, tạo áp lực tài chính lên các đơn vị sản xuất. Khi các biện pháp cắt giảm chi phí được áp dụng, tình trạng nhà sản xuất, biên tập viên và nhân viên ê-kíp mất việc càng diễn ra thường xuyên.

Spotify từng tuyên bố sẽ sa thải khoảng 200 nhân viên làm trong các nhóm podcast, chiếm khoảng 2% lực lượng lao động. “Gã khổng lồ” truyền phát trực tuyến cho biết dù podcast được người nghe yêu thích, nhưng vẫn gặp vấn đề về tạo ra lợi nhuận.

Theo Tiền Phong