Hành vi của bị cáo Nhàn có mối quan hệ nhân quả giữa nhận tiền và ra kết quả thanh tra
Tiếp tục nêu quan điểm trước khi tuyên án, HĐXX nhận định bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) biết rõ bị cáo Trương Mỹ Lan nắm chi phối gần tuyệt đối tại SCB, toàn quyền chỉ đạo hoạt động ngân hàng này. Tuy nhiên, bị cáo Nhàn đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để 2 lần gặp gỡ bà Lan và trao đổi về kết luận thanh tra.
Thông qua bị cáo Văn và Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT của SCB), bị cáo Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD của bị cáo Lan để chủ trì xây dựng kết quả thanh tra theo hướng không đề nghị đưa ngân hàng này vào dạng kiểm soát đặc biệt, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: Anh Tú
Các bị cáo khác trong đoàn thanh tra có nhận quà và tiền từ SCB, nhưng không biết việc bị cáo Nhàn gặp Văn để thỏa thuận với bà Lan về việc ban hành kết quả. Những người này cũng không biết bị cáo Nhàn chỉ đạo ký báo cáo thanh tra theo hướng làm giảm nhẹ đi sai phạm tại SCB. Do đó, các bị cáo trong đoàn thanh tra không bị truy tố cùng tội danh với bị cáo Nhàn.
Theo HĐXX, việc ban hành kết luận thanh tra là phương thức để bị cáo Nhàn thỏa thuận với bà Lan, nhằm nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Về các lần nhận tiền của bà Nhàn, lần đầu tiên là sau khi thanh tra đợt 1, hai lần nhận tiếp theo là ở thời điểm lấy ý kiến xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, và lần cuối vào lúc ban hành kết luận.
Xâu chuỗi toàn bộ hành vi, tòa nhận thấy việc bị cáo Nhàn gặp bị cáo Lan, chỉ đạo đoàn thanh tra bỏ qua sai phạm của SCB, là thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ quy định. Bởi với cương vị là trưởng đoàn thanh tra, đáng lẽ bà Nhàn phải báo cáo người ra quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nhưng lại đề xuất bưng bít sai phạm để nhận tiền SCB.
Hành vi của bị cáo Nhàn có mối quan hệ nhân quả giữa nhận tiền và ra kết quả thanh tra. Tại phiên tòa, bị cáo trình bày việc nhận tiền nhằm bảo vệ gia đình do thấy nhiều người liên quan trong vụ án thiệt mạng. Tuy nhiên, tòa cho rằng lời trình bày này không có căn cứ.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú
HĐXX cho rằng việc bị cáo Nhàn nhận tiền diễn ra trong thời gian dài, nếu không muốn thì không thể 4 lần gặp bị cáo Văn để nhận, thậm chí cho mật khẩu nhà riêng. Một số đối tượng đã chết khi vụ án bị khởi tố, sau thời điểm bị cáo nhận tiền. Lời biện hộ bị cáo không có căn cứ, không phù hợp tình tiết khách quan vụ án.
Vì vậy, theo HĐXX, có đủ cơ sở để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Đỗ Thị Nhàn phạm tội “Nhận hối lộ”.
Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất
Theo HĐXX, hành vi phạm tội của bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy ngân hàng này vào tình trạng mất thanh khoản. Đồng thời, vụ việc gây hoang mang trong người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, xói mòn niềm tin của nhân dân.
Các bị cáo tại tòa
Hành vi của 85 bị cáo mang tính có tổ chức, trong đó Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo. Vì vậy, tòa cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong quá trình xét xử, luật sư bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết có thư của Giám đốc điều hành Tập đoàn CK Asset Holdings Limited (Hong Kong) gửi đến tòa để nói về phương thức đầu tư.
Theo HĐXX, lá thư này chỉ nêu tầm nhìn của vị CEO với bị cáo Lan, nêu nguyện vọng các nhà đầu tư có quan tâm thì đầu tư.
HĐXX cho rằng Nhà nước luôn tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong phạm vi xét xử, văn bản đó không nêu rõ khoản đầu tư cụ thể nào, giá trị bao nhiêu, hình thức là gì… để đảm bảo khả năng giúp bị cáo Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả vụ án. Vì vậy, không thể xem đó là văn bản để có thể góp phần vào việc giải quyết hậu quả vụ án.
Đối với nhóm lãnh đạo cấp cao SCB gồm Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng và Trần Thị Mỹ Dung, HĐXX cho rằng các bị cáo này đã giúp sức tích cực cho bà Lan, gây thiệt hại đặc biệt lớn nên cần có mức án nghiêm khắc.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, nên cần xử phạt mức án tương xứng. Việc bị cáo Trí nộp lại tiền khắc phục vụ án được xem là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình. HĐXX ghi nhận bị cáo đã tác động gia đình nộp tiền, đưa nhiều bất động sản vào để khắc phục thiệt hại.
Với các nhóm bị cáo còn lại, HĐXX phân hóa vai trò, mức độ hành vi, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra hình phạt tương xứng. Trong đó, nhiều bị cáo bị ghi nhận tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên, phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi.
Tòa chấp nhận đề nghị của luật sư, không xét tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi với bị cáo Trương Huệ Vân, Dương Tấn Trước.
Mặc dù, bị cáo Lan và Nhàn không thừa nhận hành vi nhưng cũng đã nhìn nhận trách nhiệm của mình và khắc phục hậu quả. Qua đây, HĐXX cũng đánh giá các bị cáo ăn năn, hối cải về hành vi của mình.
Tòa cũng ghi nhận bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung tích cực khai báo, giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ. HĐXX đặc biệt ghi nhận bị cáo Dung và xem xét khoan hồng, giảm nhẹ một phần hình phạt.
Nhiều bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án, từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu, trăm tỷ đồng. HĐXX ghi nhận để làm tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.
Với đề nghị của bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn chuyển 1.350 tỷ đồng (do Nguyễn Cao Trí và Tạ Quốc Hùng Việt chuyển trả) sang cho Trương Huệ Vân để khắc phục thiệt hại, HĐXX xét thấy bị cáo Lan có nghĩa vụ bồi thường rất lớn, tài sản của bị cáo chưa đủ để khắc phục nên đề nghị này không có cơ sở chấp nhận.
Theo Vietnamnet