Xóm "phù dung”

Hiện nay, bất kể ngày đêm, đoạn đường An Dương Vương (thuộc quận Bình Tân, TPHCM) đều thơm nức mùi bánh tiêu. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, trước đây, nơi này khét mùi thuốc phiện bởi nằm trong khu Cây Da Sà.

Vào những năm 1950, khu Cây Da Sà (nay thuộc phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân và phường 13, quận 6, TPHCM) được mệnh danh là "thủ phủ ma túy" của Sài Gòn. Thuốc phiện tràn vào các con hẻm, gây nhiều tệ nạn.

Trong đó, hẻm 324 đường Tỉnh lộ 10 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) là một trong những điểm nóng nhất về ma túy. Người cao tuổi tại hẻm cho biết, những năm ấy, khu vực này được ví von là xóm "phù dung”.

Hẻm khu Cây Da Sà: Dân một thời không dám khai địa chỉ, cố thoát ‘ả phù dung’-1
Một đoạn hẻm ở khu Cây Da Sà. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Vòng A Sáng, người gắn bó với hẻm từ thuở ấu thơ cho biết, trước đây, dân trong hẻm hầu hết là người Hoa, đường hẻm là đường đất. Sau này, người dân xây nhà theo quy hoạch nên các con hẻm thẳng, cắt nhau ở những ngã tư như bàn cờ. Những căn nhà trong hẻm có cùng một kiểu dáng, kích thước, màu sơn… Người lạ vào hẻm thấy nơi nào cũng giống nhau như lạc vào mê cung.

Trong các “mê cung” này, người dân sinh sống đoàn kết bằng nghề buôn thúng bán bưng, gánh nước thuê,... bên cạnh những trùm ma túy khét tiếng như A Hào, A Lình, Vòng A Chảy,... 

Sau đó, một số người dân trong hẻm bị đồng tiền lôi kéo, tham gia buôn bán ma túy khiến hẻm xuất hiện nhiều tệ nạn.

Hẻm khu Cây Da Sà: Dân một thời không dám khai địa chỉ, cố thoát ‘ả phù dung’-2
Người dân để xe máy, tài sản bên ngoài hẻm mà không sợ mất. Ảnh: Hà Nguyễn

Không dám khai địa chỉ

Để tồn tại ở nơi bị vây quanh bởi làn khói trắng cùng những tệ nạn xã hội khác, người dân hình thành tinh thần đoàn kết, sống chết có nhau.

Ông Lương (67 tuổi, người sống trong hẻm 324) cho biết, người cùng xóm dù đang xích mích với nhau nhưng nếu gặp chuyện ngoài hẻm, họ sẽ gác lại mọi mâu thuẫn để bảo vệ nhau. Chỉ cần một người gặp chuyện, cả xóm sẽ kéo đến hỗ trợ, bảo vệ. 

Hẻm khu Cây Da Sà: Dân một thời không dám khai địa chỉ, cố thoát ‘ả phù dung’-3
Ông Sáng khẳng định, một thời ông không dám công khai địa chỉ khi ra khỏi hẻm. Ảnh: Hà Nguyễn

Tuy nhiên, vì sống ở khu vực có nhiều tệ nạn, dân lương thiện ở đây vẫn bị tiếng xấu. Ông Lương, ông Sáng khẳng định, bản thân không dám công khai địa chỉ khi ra khỏi hẻm. Bởi chỉ cần nghe “dân khu Cây Da Sà”, mọi người đều sợ, tránh xa.

Ông cho biết, người ngoài nếu không gặp chuyện chẳng đặng đừng cũng không đến khu Cây Da Sà. Dân chạy xe ôm, xích lô chỉ đưa khách đến khu vực chợ Phú Lâm ngày nay rồi quay đầu.

Nỗi sợ ấy khiến nam nữ trong xóm "phù dung” không tìm được lương duyên, dân lao động khó tìm được việc bên ngoài khu vực.

Hẻm khu Cây Da Sà: Dân một thời không dám khai địa chỉ, cố thoát ‘ả phù dung’-4
Người dân khu Cây Da Sà hình thành xóm nghề làm bánh tiêu trên một đoạn đường An Dương Vương. Ảnh: Hà Nguyễn

Để thoát khỏi sự cám dỗ từ việc buôn bán ma túy, cư dân hẻm 324 và các hẻm khác trong khu Cây Da Sà thời đó mua lại bánh tiêu, bánh bò về bán. Sau này, họ quyết học nghề làm bánh này để mưu sinh.

Khoảng những năm 1980, chính quyền thành phố thực hiện cuộc truy quét quy mô lớn nhằm vào các tụ điểm mua bán ma túy tại khu Cây Da Sà. Các tệ nạn bị xóa bỏ. Người dân hẻm 324 cũng như các tuyến hẻm lân cận bắt đầu tìm việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp.

Hiện nay, đa phần những người từng bán rong trong hẻm đã ra mặt đường Tỉnh lộ 10 để buôn bán, hình thành chợ nhỏ tự phát. Chợ họp cả ngày, buôn bán đủ mặt hàng, chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong hẻm.

Các hộ sản xuất, kinh doanh bánh tiêu, bánh bò... dần hình thành xóm nghề, nhộn nhịp, đông vui hơn trước. Ngoài món truyền thống, họ bán thêm các loại bánh khác như: Bánh da lợn, bánh chuối, bánh bao chỉ,...

Một số người dân đến chợ Cây Da Sà ở gần đó để kinh doanh, làm việc, còn lớp người trẻ hơn đều có công việc ổn định.

Theo Vietnamnet