Cuộc hôn nhân chóng vánh

Câu chuyện hy hữu này bắt đầu khi anh Chu ở Trạm Mã (Hà Nam, Trung Quốc)  được mai mối làm quen với một cô gái. Chỉ sau 18 ngày tìm hiểu, đối phương đã thông báo mình mang thai.

Vì trách nhiệm, anh Chu quyết định kết hôn với người bạn gái mới quen của mình. Nhà gái yêu cầu khoản sính lễ lên đến 230.000 NDT (tương đương 804 triệu đồng). 

Có thể nói, đây là một cuộc hôn nhân chóng vánh, thiếu sự tìm hiểu kỹ càng về đối phương. Và rồi, những điều bất thường bắt đầu xuất hiện sau đám cưới.

Điều đầu tiên khiến anh Chu hoang mang là mẹ vợ đột ngột xúi giục con gái ly hôn mà không có lý do rõ ràng. Mẹ anh Chu đau khổ chất vấn con dâu tại sao lại đối xử như vậy khi bà luôn đối xử tốt với cô và hai người cũng chưa từng xảy ra mâu thuẫn nào.

Không chỉ vậy, sau khi kết hôn, người vợ liên tục tìm cách phá thai, không chịu đi khám thai định kỳ và cũng không chịu đến bệnh viện khi có vấn đề về sức khỏe.

Anh Chu nhiều lần can ngăn và khuyên nhủ, đứa bé cuối cùng cũng bình an ra đời. Tuy nhiên, người vợ lại từ chối để anh Chu đặt tên cho con và đăng ký khai sinh cho bé.

Việc không được làm cha của chính con mình khiến anh Chu vô cùng nghi ngờ. Anh quyết định làm xét nghiệm ADN hai lần và kết quả đều cho thấy đứa bé không phải con ruột của anh. Khi được hỏi, người vợ nói rằng cô không biết chuyện gì đã xảy ra và khẳng định đây là cuộc hôn nhân đầu tiên của mình.

Thế nhưng, sau khi tìm hiểu kỹ, anh Chu phát hiện ra người vợ này đã từng kết hôn ba lần trước đó. Mỗi lần kết hôn chỉ được một vài tháng là cô ta lại đòi ly hôn.

Hẹn hò 18 ngày bạn gái báo có thai, chàng trai đem 800 triệu đến hỏi cưới: Con chào đời, gia đình tan nát-1
Hình minh họa. Ảnh: Sohu

Rõ ràng, người phụ nữ này đã có chủ đích lừa đảo anh Chu, rất có thể là cùng với mẹ của cô ta. Anh Chu đã quyết định công khai sự việc và sẽ nhờ pháp luật can thiệp để đòi lại công bằng.

Cuộc hôn nhân của anh nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Theo 163.com, anh Chu đau đớn chia sẻ rằng mình đã bị lừa dối cả tình cảm lẫn tiền bạc, bản thân hoàn toàn suy sụp.

Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân

Trên thực tế, anh Chu không phải nạn nhân duy nhất của những cuộc hôn nhân chớp nhoáng như thế này.

Theo The Paper, đưa tin hồi tháng 10/2024, chàng trai trẻ họ Triệu (Hà Nam, Trung Quốc) cũng rơi vào tình huống tương tự. Anh ngỡ như mình đã tìm được hạnh phúc đích thực, nào ngờ tất cả chỉ là một vở kịch được dàn dựng công phu.

Sau lễ đính hôn, mẹ vợ tương lai liên tục viện cớ sửa cửa hàng, gia đình có người ốm đau rồi qua đời để xin tiền từ mẹ của anh Triệu.

Tổng số tiền bà đã lừa đảo lên đến hơn 30.000 NDT (tương đương 104 triệu đồng). Mỗi khi anh Triệu thúc giục chuyện cưới xin, bạn gái đều khéo léo tìm cách trì hoãn rồi cuối cùng biến mất không dấu vết. 

Sau khi trình báo công an, anh Triệu mới ngã ngửa khi biết đối phương cùng gia đình đều là kẻ lừa đảo, không hề có quan hệ huyết thống. Đáng chú ý, họ đã nhiều lần đóng giả là một gia đình để lừa đảo chiếm đoạt tiền mừng cưới.

Tòa án kết luận ba đối tượng trên đã lợi dụng danh nghĩa "hôn nhân", dựng chuyện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Cả ba bị kết án tù và phạt tiền. 

Lời cảnh báo cho những người trẻ và gia đình

Lừa đảo hôn nhân là hành vi dùng hôn nhân làm mồi nhử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thường giả vờ xem mắt, đính hôn để nhận sính lễ, nhưng mục đích thực sự là chiếm đoạt tiền bạc.

Chúng lừa tiền nạn nhân rồi viện cớ từ chối kết hôn, sau đó cao chạy xa bay. 

Lừa đảo hôn nhân thường có những đặc điểm sau: Thứ nhất, đối tượng mà chúng nhắm đến thường là những người độc thân lớn tuổi, lợi dụng việc xem mắt, kết hôn để lừa đảo.

Thứ hai, sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, chúng sẽ bắt đầu đòi hỏi tiền bạc. Thứ ba, chúng thường đẩy nhanh tiến độ làm mai, xem mắt, kết hôn rồi bỏ trốn, thậm chí có trường hợp hoạt động theo nhóm.

Hình thức xem mắt ngày càng phổ biến, đặc biệt với những người độc thân lớn tuổi đang mong muốn nhanh chóng kết hôn, khiến họ dễ dàng rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.

Tận dụng tâm lý muốn yên bề gia thất của nhiều nam thanh niên ở nông thôn, cùng với sự chênh lệch thông tin, bọn tội phạm dựng lên màn kịch "yêu đương, kết hôn" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Câu chuyện này là bài học cảnh tỉnh cho những người đang tìm kiếm hạnh phúc, đừng vì quá vội vàng mà bỏ qua việc tìm hiểu kỹ đối phương, tránh rơi vào “bẫy tình”, tiền mất tật mang.

Theo Người đưa tin