Tôi rời quê từ hôm mùng 5 Tết. Hơn 5 ngày trôi qua và 15 năm nay đều như thế, nhưng tôi vẫn buồn khi nhớ đến hình ảnh bố mẹ tựa cửa, vẫy tay chào con cháu.
Trước khi lên xe, tôi bảo con gái đến ôm bà nội nhưng mẹ tôi đẩy cháu ra xa: “Đừng làm thế, mẹ khóc đấy”. Tôi bế con, bước lên xe, chẳng dám nhìn bố mẹ. Nếu không có những ngày Tết sum vầy thì hẳn sự chia xa này không buồn đến thế.
Một năm trôi qua với bố mẹ tôi chỉ loay hoay những câu hỏi như trồng cây gì, nuôi con gì… rồi trông chờ con cháu về ăn Tết. Dù lớn tuổi, ông bà vẫn thích trồng cây ăn trái và rau xanh. Vườn nhà không bao giờ thiếu hồng xiêm, xoài, mít, cải ngọt, rau má…
Hết Tết, bố mẹ tôi lại lủi thủi nuôi đàn gà mới, trồng lại rau xanh. Ảnh minh họa: VietNamNet
“Đặc sản” ngon nhất vườn nhà bố mẹ tôi phải kể đến đàn gà. Thông thường, sang tháng 2 âm lịch, ông bà lại mua con giống và chăm gà như đàn con dại. Ngày ba bữa, ông bà thay nhau cho gà ăn, dọn chuồng trại sạch sẽ, tránh dịch bệnh.
Ông bà phân công nhau, sáng ông lùa gà ra vườn, chiều bà đuổi gà lên chuồng.
Gà do chính tay bố mẹ nuôi, ngon đến lạ thường. Tôi ăn ở bất cứ đâu cũng không tìm ra hương vị đặc biệt như ở quê nhà. Gà của ông bà ngon đến nỗi mỗi lần xe gần đến nhà nội, con gái tôi đều hồn nhiên thốt lên: “Gà ơi, ta yêu gà lắm! Gà ơi, ta đến đây!”.
Có lẽ, gà của bố mẹ được nuôi bằng “yêu thương” nên con nào cũng béo, thịt thơm, da vàng, ngọt lịm. Suốt một tuần ăn Tết ở quê, hầu như bữa nào cũng có thịt gà, hết luộc, kho thì chuyển sang hấp, nướng… Người lớn có ngấy mà trẻ con chưa chán thì vẫn cứ ăn gà.
Thế nhưng, chúng tôi chẳng lấy làm khó chịu khi ăn gà liên tục. Bởi, tôi và các em đều hiểu, bố mẹ chẳng có đặc sản quý hiếm, chỉ có đàn gà béo và vườn rau xanh đãi con cháu mấy ngày Tết.
Tết trôi qua từng ngày, đàn gà bố mẹ ngày càng ít đi, vườn rau cũng tơi tả. Vậy mà, ông bà vẫn mừng rỡ, hạnh phúc bởi công sức một năm được con cháu “chén sạch”.
Và rồi, một sáng thức dậy, thấy bố mẹ lục đục sau bếp, làm sạch từng con gà, treo lên cao cho ráo nước, tôi biết mình sắp sửa rời quê. Hành trang tôi mang theo vẫn là “đặc sản” gà nhà, bó rau sạch, ít trái cây… được bố mẹ gói gọn gàng, sạch sẽ.
Tôi nhớ lại lời tâm sự của bố mẹ: “Con cháu về, nhà rộn tiếng cười, bố mẹ ăn cơm thấy ngon hơn”, thấy lòng nặng trĩu, không muốn rời xa.
Con cháu đi rồi, nhà quạnh quẽ, vắng tiếng trẻ con. Bố mẹ sẽ buồn, hụt hẫng vài ngày, ăn kém đi một chút. Nhưng rồi, khi nghĩ đến cảnh sum vầy ở Tết năm sau, bố mẹ sẽ phấn chấn, dùng hơn 360 ngày còn lại nuôi gà, trồng rau.
Thỉnh thoảng, con cháu gọi điện về hỏi thăm sức khỏe, bố mẹ sẽ khoe đàn gà đã lớn, rau xanh nhiều lắm… Rồi, hai người lại gói ghém “đặc sản” quê nhà gửi cho con cháu ở xa.
Tết qua rồi nhưng từng lời mẹ nói trước Tết vẫn còn thỏ thẻ bên tai: “Nhà người ta có tiếng trẻ con rồi, còn mỗi nhà mình vắng vẻ…”.
Ngày nhỏ, tôi mong Tết đến để được ăn ngon, nhận lì xì, đi chơi, còn bố mẹ mong các con khỏe mạnh, mau lớn.
Trưởng thành, có lúc tôi ích kỷ, mong Tết đến để nhận thưởng, du lịch cùng vợ con, còn bố mẹ vẫn ở đấy nuôi gà, trồng rau, chờ con cháu về.
Liệu đến lúc tôi nhận ra Tết còn bố mẹ, có quê để về là hạnh phúc nhất thì liệu “bóng cả” đời tôi còn ở đó chờ con cháu được bao lâu nữa?
Theo VietNamnet