Ngày 13/11, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam phát đi thông cáo báo động về hiện trạng cần cảnh báo về công nghiệp điện ảnh trong nước, trong đó tố CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và tiếp tục chèn ép doanh nghiệp Việt với rất nhiều thông tin đáng chú ý.
Đây là động thái tiếp theo của các nhà phát hành phim Việt sau khi 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim trong nước gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan quản lý về việc họ bị doanh nghiệp này chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé hồi tháng 6 năm ngoái nhưng không có kết quả.
Trong bối cảnh điện ảnh nhà nước không thích nghi kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường thì điện ảnh tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài lại đang hoạt động cực sôi động. Năm 2006, Megastar (sau này là CGV) vào Việt Nam và khai trương cụm rạp đầu tiên tại Hà Nội, đánh dấu sự thay đổi lớn của thị trường điện ảnh Việt Nam. Sau 11 năm, CGV đã mở rộng hệ thống rạp chiếu lên 51 cụm rạp trên khắp các tỉnh thành, không chỉ áp đảo thị trường rạp chiếu mà còn thâu tóm thị trường phim ngoại nhập và lấn sân sang sản xuất và phát hành phim Việt.
Hiệp hội Phát hành và Phổ Biến phim Việt Nam cho hay CGV là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, "Theo quy định của Luật Điện ảnh và Cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 51% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim. CGV là doanh nghiệp có 80% vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO), do đó chỉ được phép kinh doanh trong một số lĩnh vực hạn chế đã đăng ký trước đó, trong đó không được phát hành phim Việt Nam", Hiệp hội cho hay.
Các rạp chiếu ngoài hệ thống CGV đang đối mặt với nhiều sức ép và việc hút khán giả. Ảnh chụp tại TTCPQG sáng 13/11.
Thông cáo của Hiệp hội này nêu rõ: "Ước tính doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết Quý III năm 2017 là 881,6 tỷ đồng. Đồng thời, trong nhiều năm nay, CGV bị cáo buộc có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để chèn ép các doanh nghiệp khác. Cụ thể, đối với phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp khác, CGV đòi tỷ lệ phân chia doanh thu cao, trong khi đó, đối với phim Việt Nam do doanh nghiệp khác phát hành tại rạp của CGV, CGV lại yêu cầu tỷ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành.
Như vậy, trong khi CGV hưởng lợi từ cả hai mảng rạp chiếu và phát hành, các doanh nghiệp Việt Nam bị bóp nghẹt lợi nhuận và dần không còn đủ sức đầu tư, cạnh tranh trên thị trường. Bằng cách thức như trên, thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam gia tăng nhanh chóng: ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng đầu năm 2017. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, việc CGV chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường phát hành phim Việt Nam sẽ xảy ra trong tương lai gần".
Trao đổi với VietNamNet tối 13/11, ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho hay: "Chúng tôi nhận thấy nguy cơ nếu để tình trạng này tái diễn thì đến 3-5 năm nữa điện ảnh VN sẽ mất. Chúng tôi không tự ái vì trong chuyện làm ăn, nếu anh giỏi và làm theo luật thì chấp nhận được.
Nhưng chúng tôi không đồng tình với việc CGV không được phép phát hành phim VN mà vẫn làm, chưa kể còn chèn ép phim Việt. Cứ đà này thì điện ảnh Việt Nam sẽ mất hết, đó là điều vô cùng nguy hiểm". Ông Nhiêm cho hay thông cáo vừa phát ra của Hiệp hội nhằm cảnh báo để cơ quan chức năng vào cuộc. Sự việc cũng đã được Hiệp hội báo cáo với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội".
Sáng 14/11 VietNamNet đã có cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia (TTCPQG) - đơn vị được cho là đã bị ảnh hưởng doanh thu nhiều tháng qua vì chính sách giảm giá vé của các rạp CGV. Ngày 20/10 vừa qua ông Nguyễn Danh Dương cũng đã có báo cáo nhanh về tình hình giảm giá vé xem phim gây bất ổn trên thị trường phát hành và phổ biến phim Việt Nam tại buổi tọa đàm về Điện ảnh Việt Nam - thực trạng và một số vấn đề đặt ra hiện nay do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.
Ông Nguyễn Danh Dương cho biết hiện các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư chiếm 58% số lượng phim phát hành trên thị trường Việt Nam, trong đó CGV chiếm 43% ưu thế, đứng đầu về đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ cũng như sở hữu đa phần các phim bom tấn. Bên cạnh đó, số lượng các cụm rạp do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chiếm 61% trên tổng số các cụm rạp chiếu phim đang còn hoạt động, trong đó riêng CGV có tới 50 cum rạp (chiếm 36%). Ông Dương cũng cho biết việc CGV áp dụng cùng lúc 3 chương trình điều chỉnh giá vé từ 1/9 đến nay đã ảnh hưởng lớn đển các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực chiếu phim, trong đó có rung tâm chiếu phim Quốc gia, khiến doanh thu sụt giảm 1/3.
Ông Dương cũng chỉ ra 3 nguy cơ hiện hữu nếu tình trạng trên tiếp diễn: các đơn vị chiếu phim nhỏ lẻ sẽ chết, triệt tiêu nền điện ảnh Việt Nam (do các doanh nghiệp sản xuất phim không còn khả năng thu hồi vốn) và đặc biệt là cảnh báo Việt Nam sẽ mất toàn bộ thị trường giải trí điện ảnh còn khán giả Việt Nam sẽ hưởng thụ nền văn hóa do nước ngoài quyết định.
Trước đó, ngày 3/10, Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã gửi công văn tới Bộ VHTTDL và Cục Điện ảnh về việc giảm giá vé xem phim gây bất ổn trên thị trường phổ biến phim Việt Nam 2017. Ông Dương cũng đã có cuộc làm việc riêng với lãnh đạo Cục Điện ảnh về vấn đề trên và đang chờ phản hồi của các cơ quan chức năng.
Trưa 14/11, VietNamNet cũng đã liên hệ với bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc sản xuất công ty Sóng vàng - đơn vị tư nhân tham gia sản xuất phim từ năm 2012. Bà Liên cho hay trong số 10 phim Việt Nam ra rạp thì có đến 8 phim thua lỗ nên các nhà sản xuất mong muốn các hệ thống rạp ủng hộ để người làm nghề tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó bà Liên tha thiết đề nghị các cơ quan quản lý có những chính sách hỗ trợ tốt nhất các nhà làm phim Việt nhằm giúp điện ảnh Việt Nam sống được. "Chúng tôi không muốn khi ra rạp Việt khán giả Việt không có phim Việt xem mà phải xem toàn phim nước ngoài. Mình là người Việt mà văn hóa Việt mất đi thì rất buồn", bà Liên nói.
VietNamNet đã liên hệ với ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội điện ảnh trưa 14/11. Ông Hải cho hay cần đọc thông tin về vụ việc trước khi phát ngôn chính thức. Trong khi đó, đại diện của CGV hứa sẽ sớm đưa ra phản hồi về vụ việc.