- “Suy nghĩ của một người từng bị bắt như Hiếu PC sẽ như thế nào?”
Bạn tôi mò mò khi nghe tôi sắp có 1 cuộc gặp với nhân vật này. Tôi bảo: “Để bữa nào kể cho nghe”.
Và tất cả những gì Hiếu PC và tôi đã nói trong cuộc gặp ấy, đều có cả trong bài viết này. Không riêng gì bạn tôi, những người từng lên Google để search “Hiếu PC là ai” hay nhấp vào link một bài viết nào đó về nhân vật này hẳn đều muốn biết thêm, nhiều hơn nữa những chia sẻ từ phía anh. Đơn giản bởi vì, câu chuyện hoàn lương của Hiếu quá đặc biệt, ngoạn mục và đầy tính thức tỉnh.
Chào Hiếu,
- Phút đầu tiên được trả tự do bên Mỹ, anh có ngoái đầu nhìn lại nhà tù ở phía sau lưng không?
Không! Tôi chỉ nhìn về phía trước. Nó như một chương đã cũ và tôi không muốn đọc lại những điều đã biết. Nếu có, tôi chỉ nhìn lại để học hỏi chứ không chìm trong quá khứ. Cuộc sống mà, tôi quyết định bước và viết tiếp một chương mới cho mình.
- Hơn 2000 ngày sống trong tù, nếu phải nói về 1 ngày trong số đó, Hiếu PC sẽ nói về ngày nào?
Về ngày đầu tiên. Địa ngục trần gian đối với tôi. Tôi bị bắt sát Tết. Ở một nơi rất xa quê hương, tôi đau đớn nghĩ tới gia đình, tới ba mẹ. Một tuần sau đó, tôi đã rất khủng hoảng đến mức không thể ăn uống.
Đến tận 2 tháng sau ngày bị bắt, tôi mới được liên lạc với họ. Giờ ngồi đây kể lại, tôi không thể tưởng tượng được mình đã trải qua những điều ấy.
Nhưng tôi lại không bao giờ tiếc 7 năm ấy. Tôi nói với ba mẹ: “Nếu con không đi tù, con sẽ chẳng bao giờ trưởng thành. Nếu con về Việt Nam mà vẫn ngạo mạn, không coi ai ra gì như xưa thì thà tiếp tục ngồi tù còn hơn”.
7 năm đó, tôi nhận ra giá trị cuộc sống, giá trị đạo đức, giá trị con người. Khi ở ngoài, tôi quá bận để tìm hiểu về bản thân. Thời gian tĩnh lặng cách xa mọi thứ, tôi đã hiểu hơn về con người mình, những điểm yếu của bản thân để khắc phục. Nếu lạc quan thì gọi đó là 1 chuyến đi du học cũng được.
- Câu chuyện phạm lỗi rồi hoàn lương của anh nhiều người bảo nghe như phim. Vậy anh nghĩ, đây là thể loại phim gì?
Là một bộ phim truyền cảm hứng. Lúc ở trong tù, tôi đã gặp rất nhiều người và đa phần trong số họ có hoàn cảnh éo le. Họ thiếu một điều gì đó, có thể gọi là giá trị tâm hồn.
Và tôi bắt đầu kể cho những bạn tù nghe câu chuyện đời mình - một chàng trai lớn lên ở một nơi rất xa nước Mỹ, lầm đường lạc lối. Nó có thể tạo ra động lực cho những người xung quanh mình tiếp tục sống và hy vọng, dù là đang ngồi tù đi chăng nữa.
- Anh định mở đầu của bộ phim ấy như thế nào?
Có lẽ, tôi sẽ đảo kết cục của câu chuyện lên đầu phim - đó là việc tôi bị ở tù. Sau đó, những thước phim mới bắt đầu tua ngược lại những năm tháng trước đây. Bởi vì có như vậy người ta mới bị sốc vì hậu quả và tò mò để tìm hiểu sâu thêm.
- Lời đồn không có thật về Hiếu PC mà anh từng nghe được là gì?
Họ đồn tôi là siêu hacker (cười). Thật ra, tôi chỉ là 1 người bình thường thôi và biết về kỹ thuật. Tôi cũng thấy mình không tài giỏi hay “number one” gì như những lời đồn thổi.
Đối với anh em kỹ thuật khác, tôi vẫn cần phải học hỏi họ rất nhiều. Trong nghề này là vậy, không có ai biết hết tất cả.
Khi tôi làm về hệ thống Chống lừa đảo, họ đồn tôi là đang đánh cắp thông tin người khác hoặc làm điều gì đó không hay. Nhưng không sao cả, những lời đó tôi chỉ để ngoài tai. Bởi vì khi mình làm chuyện tốt, mình vẫn nên tiếp tục - không có gì phải sợ.
Bây giờ mọi thứ đang tiến triển rất tốt, có rất nhiều công ty lớn muốn hợp tác với dự án Chống lừa đảo của tôi. Trời thương! (cười)
- Có người nào của năm 2013 anh đang rất quan tâm, đến năm 2020 anh phải search Google để update thông tin mới về họ?
Có một người như vậy. Đó là người thầy của tôi - người dẫn dắt tôi vào nghề này từ lúc tôi còn rất bé, chắc khoảng học lớp 9. Tuy nhiên, thông tin về thầy thì không có trên Google nên tôi đã nhờ gia đình tìm thông tin liên lạc với thầy qua số điện thoại.
Khi thầy nhấc máy, tôi được nghe lại giọng thầy bên kia đầu dây sau nhiều năm mất liên lạc. Bất ngờ, xúc động xen lẫn vui mừng khiến tôi suýt vỡ oà.
“Con xin lỗi thầy”, tôi đã nghĩ về câu nói ấy gần trăm lần khi ở tù và tôi đã có dịp thốt lên. Tôi kể cho thầy nghe những lỗi lầm của mình. Thầy đã tha thứ. Giống như trước đây, thầy luôn hiểu tôi. Hai thầy trò tâm sự rất nhiều.
Ngày xưa, nếu theo thầy, tôi đã không đi tù. Nếu tôi lắng nghe, mọi chuyện có thể cũng đã khác. Mấu chốt của việc trở thành một con người tốt hơn nằm ở việc biết lắng nghe. Không chỉ là lắng nghe những người xung quanh, mà lắng nghe bản thân mình trước tiên.
- Về phía gia đình, hẳn anh cũng cảm thấy dằn vặt lắm?
Mẹ tôi đã rất khổ sở trong suốt quãng thời gian tôi đi tù, tiếp nữa là phải lo cho ba tôi vì ông bị ung thư giai đoạn cuối. Mẹ đã rất vất vả. Tôi thật sự cảm thấy mình rất bất hiếu.
Sau khi trở về Việt Nam, tôi dành hầu hết thời gian để ở cạnh gia đình, ba mẹ mình. Nhưng tôi không thể xoá bỏ hoàn toàn cảm giác mình bất hiếu. Không phải chỉ lúc đi tù ở Mỹ tôi mới nhận thức được điều này, mà ngay cả lúc còn đi du học ở New Zealand, tôi cũng phạm lỗi khiến bố mẹ buồn lòng.
Tôi không bao giờ có thể báo hiếu trọn vẹn được cho ba mẹ mình, tôi nghĩ vậy, có thể là đến hết cả cuộc đời này. Mỗi ngày hiện tại, tôi đều dành thời gian để nói chuyện, ăn cơm với ba mẹ, chúc ba mẹ ngủ ngon. Những điều ngày xưa tôi chưa từng làm.
Tôi đã từng nghĩ nếu mình có nhiều tiền và lo được cho những người xung quanh là hạnh phúc. Nhưng không phải! Cái hạnh phúc ấy không phải là hạnh phúc. Nó là thứ cảm giác rất tạm bợ. Hạnh phúc thật nhất là được ở bên cạnh gia đình để chia sẻ những khó khăn cũng như vui vẻ cùng với nhau.
- “Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành”, có vết thương nào đến giờ vẫn còn đau?
Đau thì không đau nhưng có tiếc. Đó là về chuyện tình cảm. Tôi có một mối tình rất sâu đậm từ ngày tôi còn ở Việt Nam. Trong suốt quãng thời gian tôi đi tù, cô ấy vẫn bên tôi. Chúng tôi yêu nhau tới khoảng năm 2018 thì chia tay. Tôi xin phép chỉ chia sẻ tới đó thôi.
- Một người mà có thể sẽ chẳng bao giờ biết tới cảm giác thất nghiệp như anh, sẽ tìm kiếm điều gì trong công việc?
Nếu mọi người nghĩ tôi “không bao giờ thất nghiệp” thì cũng hơi quá nhỉ (cười). Tôi cũng bình thường thôi. Thật ra thì công việc hiện tại của tôi ở Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng Quốc gia là công việc chính nhưng tôi vẫn đam mê các hoạt động cộng đồng.
Tâm niệm của tôi lúc trong tù là sau này phải làm gì có ích cho đời, không cần biết chuyện ấy nhỏ hay lớn tới đâu. Những việc mà tôi đang làm hiện tại đều đã được tôi viết trong 7 cuốn nhật ký lúc ở bên Mỹ.
- Anh có thể chỉ ra một số hành động tưởng chừng bình thường, vô hại nhưng lại vô cùng nguy hiểm trên MXH hiện nay của người dùng mạng?
Mọi người hay chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm trên mạng gồm hình ảnh gia đình, hình ảnh người thân cận, số điện thoại, danh sách bạn bè lên Facebook. Nó rất nguy hiểm. Khi một người khác biết quá nhiều về đời sống riêng tư của bạn thì bạn đối diện với rất nhiều nguy cơ.
Mong ước của tôi là chia sẻ, lan toả đến cộng đồng nhận thức về an toàn thông tin, hiểu rõ giá trị quan trọng của nó.
Hiện tại, dự án Chống lừa đảo của tôi cũng xây dựng thêm một số tính năng nhằm kiểm tra kiến thức căn bản về an toàn thông tin của người dùng mạng. Bạn sẽ học cách phân biệt đâu là trang web giả và thật. Có khoảng 10 câu hỏi về những vấn đề như vậy. Điều này sẽ luyện cho bạn kỹ năng cảnh giác lừa đảo.
Bạn phải biết bảo vệ bạn trước thì chúng tôi mới có thể tiến tới mục tiêu hoàn thiện giá trị cốt lõi của an ninh mạng và việc an toàn thông tin.
- Có điều bình thường nào Hiếu PC muốn học để “hoà nhập” với cộng đồng của năm 2020, mà không liên quan đến công nghệ?
Đó là học về ngôn ngữ của Gen Z, hoặc ngôn ngữ của cư dân mạng. Tôi đọc comment của các bạn trên Facebook, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi phải copy cái dòng đó đi search Google xem ngữ nghĩa nó như thế nào.
Có rất nhiều cái rất khó hiểu, rất nhiều từ viết tắt. Nhiều hồi tôi suy nghĩ lung lắm mà không biết mọi người đang nói cái gì, mấy đứa đang nói gì vậy, không hiểu! (cười)
- Nghe nói, anh định viết sách, anh muốn truyền tải điều gì với những người sẽ đọc nó?
Lạc quan - yêu đời - sống cho hiện tại - biết nghĩ cho mọi người xung quanh, đặc biệt là gia đình mình, những con người gần nhất. Ngoài ra, tôi cũng muốn các bạn trẻ sớm biết và hiểu bản thân mình nên làm gì để không phạm phải những sai lầm.
Cuốn sách ấy được tôi chắt lọc ra từ 7 cuốn nhật ký đã viết trong thời gian ngồi tù về định hướng cuộc đời, suy nghĩ của tôi và những thứ liên quan đến máy tính.
Tôi đã học cách cách im lặng để lắng nghe và viết nhật ký như cách nhìn lại chính mình mỗi ngày. Đến bây giờ tôi vẫn phải học hỏi rất nhiều.
Tôi nhận ra, trong cuộc đời này có 2 chữ tóm gọn và quan trọng nhất thôi, đó là tình yêu. Tất cả chỉ là tình yêu (yêu ba mẹ, yêu cuộc sống, yêu lấy chính mình…). Phải hiểu được 2 chữ đó mới hiểu được cách sống, đạo lý sống. Nếu không, sẽ không bao giờ sống được.
Theo Nhịp Sống Việt