Theo VOV đưa tin, mới đây, bà N.T.H., phụ huynh trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) đã làm đơn tố cáo bà Chu Thị Thanh Thủy (hiệu trưởng trường THPT nói trên) có nhiều việc làm gây bức xúc.

Cụ thể, bà H. cho rằng, trong các khoản thu đầu năm theo quy định không hề có các khoản tiền "xã hội hóa" và "xây dựng trường" nhưng đầu năm học 2021-2022 phía nhà trường vẫn họp giáo viên chủ nhiệm cùng trường ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, yêu cầu học sinh đóng tiền “xã hội hóa” để xây lại gần 100m tường rào bị đổ.

Khi bà H. có ý kiến và cho rằng việc đóng khoản tiền trên là phụ huynh, học sinh tự nguyện nhưng hiệu trưởng vẫn khăng khăng mỗi học sinh phải đóng 200.000 đồng. Điều này khiến chị H. vô cùng bức xúc. 

Cũng theo bà H., học sinh lớp 12 khóa trước của trường muốn mua quà tặng kỷ niệm trường trước khi tốt nghiệp, tuy nhiên hiệu trưởng lại yêu cầu học sinh đóng mỗi em 200.000 đồng để lắp đặt đường điện cho nhà trường. 

Đáng nói, khi hội phụ huynh thắc mắc về việc sao kê giải ngân số tiền trên nhưng không nhận được câu trả lời thích đáng. 

“Chúng tôi không đồng ý vì muốn tự tay mua quà bằng hiện vật kỷ niệm cho nhà trường để khi các con về thăm trường có kỷ niệm, nhưng hiệu trưởng không chấp nhận. 

Sau đó chúng tôi có họp ban đại diện cha mẹ học sinh và thống nhất chỉ đóng 100.000 đồng/học sinh. Hiệu trưởng rất khó chịu và nói nếu vậy thì phải vài năm mới đủ tiền để lắp xong đường điện”, phụ huynh cho hay.

Chưa dừng lại ở đó, hiệu trưởng còn yêu cầu mỗi học sinh phải đóng 250.000 đồng để thuê điều hòa hàng năm, nếu giáo viên không vận động được phụ huynh học sinh thì sẽ bị đánh giá là thiếu năng lực và bị cắt giảm các tiết dạy bổ trợ buổi chiều. 

Hiệu trưởng 1 trường THPT bị tố lạm thu, mắc bệnh thành tích nặng-1
Hiệu trưởng THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) bị tố lạm thu. Ảnh VOV

Bên cạnh việc bức xúc về vấn đề thu chi, phụ huynh còn "tố" hiệu trưởng phân biệt đối xử, vận động học sinh yếu kém không thi tốt nghiệp THPT để không bị ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường. 

Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của học sinh, khiến nhiều em học lực kém đang cố gắng phấn đấu cảm thấy tủi thân và bị phân biệt đối xử. 

Liên quan đến sự việc trên, một số giáo viên cũng xác nhận việc mình nhận được chỉ đạo “miệng” từ hiệu trưởng, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn rà soát từng lớp, với những học sinh học lực kém, vận động các em chỉ nhận giấy chứng nhận hoàn thành hết lớp 12 và không tham gia thi, tránh ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.

Đây là chỉ tiêu không tưởng và không thể đạt được. Dù là lớp chọn, nhưng đầu vào của Trường THPT Tự Lập khá thấp, một lớp không thể yêu cầu tất cả các em đều đạt học lực giỏi.

Bản thân là giáo viên, tôi thấy quá nặng bệnh thành tích, khiến cả giáo viên và học sinh đều áp lực, mệt mỏi. Đến cuối năm, khi không đạt được con số 100% này thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị hạ bậc thi đua”, một giáo viên tại trường cho biết.

Chia sẻ với VOV, bà Chu Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Tự Lập liên tục khẳng định mình không làm gì sai, những thông tin phụ huynh và phản ánh của giáo viên đến báo chí chưa chính xác.

Về khoản tiền “xã hội hóa”, bà Chu Thị Thanh Thủy thừa nhận có thu 200.000 đồng của mỗi học sinh, do ngày 30 Tết năm 2021, khoảng 80 mét tường bao sau trường bị đổ sập. Không có đủ điều kiện tự sửa chữa, trường đã kiến nghị phương án giải quyết lên Sở GD-ĐT Hà Nội.

Liên quan đến thông tin tố cáo việc hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải đạt chỉ tiêu “trên trời” với 100% học sinh giỏi, bà Thủy cho hay, cả trường có 1 lớp chọn những học sinh có học lực tốt nhất.

Hàng năm đều có sự thanh lọc, học sinh nào đạt học lực giỏi sẽ ở lại, nếu đạt học lực khá sẽ phải chuyển sang lớp khác. Do đó học sinh tại những lớp này đương nhiên giỏi, nếu học sinh đã giỏi, giáo viên lại cho điểm “khác” với năng lực của các em thì không được. 

Bà Thủy cũng khẳng định chỉ tiêu 100% học sinh phải đạt loại giỏi là do giáo viên tự nhận, trường không ép, chỉ tiêu này có sự khác nhau giữa các lớp và giữa từng giáo viên.

Hiệu trưởng 1 trường THPT bị tố lạm thu, mắc bệnh thành tích nặng-2
Bảng phân công chỉ tiêu của giáo viên tổ Toán trường THPT Tự Lập. Ảnh VOV

Còn về việc vận động những học sinh có học lực yếu kém không thi tốt nghiệp THPT, bà Thủy cho biết trường chỉ yêu cầu giáo viên rà soát những em học lực yếu để xem năng lực đến đâu, nếu học sinh có nhu cầu và có khả năng thi nhà trường sẽ bồi dưỡng.

Vấn đề lạm thu trường học thực tế đã từng xảy ra ở nhiều trường. Như mới đây, VnExpress đưa tin, chiều 18/1, ông Thuận (65 tuổi) cùng Vũ Viết Sơn (59 tuổi, nguyên hiệu trưởng) và Lê Đức Hiền (58 tuổi, cựu trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Cao đẳng Y tế Khánh Hòa) bị Công an TP Nha Trang khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Theo điều tra, từ năm 2016 đến 2017, ông Trương Quang Thuận khi còn là Hiệu trưởng đã chỉ đạo thu học phí, lệ phí hệ ngoài công lập vượt quy định; đồng thời chỉ đạo chi thanh toán đào tạo lại, tiền lương và phụ cấp cho giảng viên ngoài biên chế không đúng quy định.

Còn ông Vũ Viết Sơn (Hiệu trưởng giai đoạn 2017-2018) bị cáo buộc sai phạm khi ký quyết định mức học phí của học sinh sinh viên (2018-2019), song không lập đề án về mức thu học phí để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài ra, ông Sơn đã ký kế hoạch khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên và thu lệ phí sai quy định dù Bảo hiểm Y tế đã chi trả và nhiều khoản phí không có quy định. Những khoản tiền này không được nhập quỹ, chứng từ thu, chi.

Tháng 12/2019, ông Sơn bị dừng công tác để phục vụ điều tra các sai phạm tại trường, sau đó bị cách chức Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa. 

HT (t/h)
Theo Vietnamnet