H&M là thương hiệu thời trang đa quốc gia của Thụy Điển. Hãng có mặt tại 68 quốc gia, vùng lãnh thổ, nổi tiếng với những mặt hàng may mặc giá rẻ. Dù là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai trên thế giới, họ gặp phải không ít scandal tai tiếng.


Bị tẩy chay

SCMP đưa tin nhà bán lẻ thời trang H&M đang phải đối mặt với cuộc phản đối mới, đến từ những người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Họ cáo buộc hãng thời trang đã khuất phục trước Trung Quốc về vấn đề liên quan đến đường lưỡi bò phi pháp, với mong muốn lấy lại lòng tin của khách hàng ở nước này.

Thương hiệu Thụy Điển đã thay đổi bản đồ online, thừa nhận đường lưỡi bò phi pháp thuộc về Trung Quốc.

Những từ khóa liên quan đến H&M - thương hiệu thời trang nhanh của Thụy Điển - hiện là chủ đề được quan tâm trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Nhiều nhóm, bài đăng kêu gọi tẩy chay hãng thời trang nhanh xuất hiện, kêu gọi mọi người không dùng sản phẩm của hãng này.

H&M và những bê bối trong lịch sử-1
H&M gặp phải làn sóng tẩy chay ở Việt Nam. Ảnh: Yahoo.

"Làm ơn đóng cửa store và đi khỏi Việt Nam", "Quá thất vọng với thương hiệu này"... là quan điểm chung của nhiều dân mạng Việt Nam hiện nay.

Ngày 24/3, nhiều kênh truyền thông của Trung Quốc lên tiếng phản đối hãng này sau khi họ tuyên bố từ chối sử dụng bông Tân Cương. "Tẩy chay H&M" lọt top các từ khóa nổi bật trên mạng xã hội của Trung Quốc.

Năm 2018, thương hiệu Thụy Điển liệt kê Đài Loan là một quốc gia trên trang web của hãng tại Đài Loan. Công ty cũng bị người dùng mạng xã hội chỉ trích vì đã liệt kê Hong Kong, Ma Cao và Tây Tạng là các quốc gia riêng lẻ.


Phân biệt chủng tộc

Tháng 8/2020, công ty con của H&M - & Other Stories - đặt tên cho sản phẩm với ngôn từ tục tĩu về vấn đề chủng tộc: Nigga Lab Beanie. Helena Helmersson - CEO của H&M - cho biết nhóm người bao gồm đội ngũ quản lý đã bị đình chỉ. Sản phẩm này cũng bị thu hồi.

H&M và những bê bối trong lịch sử-2
Mũ từ công ty con của H&M có tên tục tĩu liên quan đến chủng tộc. Ảnh: CNN.

Tập đoàn H&M đã xác nhận rằng sản phẩm này đã xuất hiện trong danh sách các mặt hàng được bán trong mùa mới. Sự việc này tạo nên làn sóng phẫn nộ trong chính nhân viên của & Other Stories.

Đầu năm 2018, thương hiệu thời trang Thụy Điển lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo sản phẩm có chữ gây tranh cãi.

Họ đưa em bé da màu làm người mẫu cho chiếc áo hoodie có nội dung "Coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: Con khỉ ngầu nhất rừng). Trong khi đó, sản phẩm có dòng chữ "Jungle survivor" (tạm dịch: Sống sót ra khỏi rừng) lại được mẫu nhí da trắng mặc.

Năm 2013, H&M phải thu hồi mũ lông vũ giả tại các cửa hàng ở Mỹ. Nhiều lời phàn nàn rằng sản phẩm sản phẩm này có màu sắc sặc sỡ gây khó chịu cho văn hóa bộ lạc bản địa.

Phụ kiện này là một phần của bộ sưu tập quần áo và phụ kiện mùa hè H&M Loves Music của nhà bán lẻ lấy cảm hứng từ lễ hội âm nhạc.

Kim Wheeler - người đi đầu vụ khiếu nại - cho biết đây là trang phục truyền thống của các tù trưởng Ấn Độ đồng thời thể hiện sự chế giễu. "Nó không phải là một phụ kiện dễ thương để đeo trong hộp đêm trong khi mọi người đang nhảy múa theo nhạc", cô nói.
 

H&M và những bê bối trong lịch sử-3
Mũ lông giả của H&M bị khiếu nại thể hiện sự chế giễu. Ảnh: Today.


9 lần bị xử phạt hành chính ở Trung Quốc

Thương hiệu nhiều lần chịu phạt tại Trung Quốc khi đưa ra báo cáo không trùng khớp với số lượng bán ra.

Những lỗi vi phạm của H&M thường bao gồm quá trình sản xuất, vận hành, pha tạp chất liệu trong các sản phẩm quần áo dẫn đến đầu ra kém chất lượng.

Tháng 4/2019, thương hiệu Thụy Điển thu hồi 980 bộ quần áo choàng tắm trẻ em do vi phạm tiêu chuẩn về an toàn. Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ cho rằng sản phẩm này được làm ra không đạt tiêu chuẩn và không được phép tiếp tục kinh doanh.

Đến tháng 8, hãng tiếp tục thu hồi lần 2 với 9.000 bộ pyjama lỗi.

Theo Zing