Ngày 24/10, trao đổi với chúng tôi, anh P. (phường 12, quận 4), cho biết đã tá hỏa khi nhận được hóa đơn tiền nước từ 18/9 đến 19/10 là 46 triệu đồng, với khối lượng nước sử dụng 2.978 m3.
Con số này chênh lệch quá lớn so với hóa đơn tiền nước những tháng trước. Trước đó, anh P. chỉ phải đóng 30.000-50.000 đồng mỗi tháng. Vì mới nhận được hóa đơn vào cuối tuần nên người đàn ông này dự định đầu tuần sau lên Công ty Cổ phần cấp nước Nhà Bè phản ánh.
"Mong sau khi phản ánh sẽ được nhân viên của công ty cấp nước xuống kiểm tra đồng hồ, đường ống để biết xem nguyên nhân cao bất thường là do đâu và có phương án xử lý", anh P. nói.
Một số người dân ở TP.HCM cũng bất ngờ khi nhận hóa đơn nước lên tới hàng chục triệu đồng. Phía công ty cấp nước lý giải nguyên nhân có thể do đơn vị không thể ghi chỉ số nước trong suốt thời gian giãn cách xã hội hoặc do rò rỉ đường ống nước.
Phát hoảng vì hóa đơn
Cùng hoàn cảnh như anh P., chị Nguyễn Nhàn (phường 14, quận Phú Nhuận) nhận thông báo tiền nước của tháng này gia đình sử dụng hết 715 m3, với số tiền phải đóng gần 10 triệu đồng.
Chị Nhàn thuê nhà nguyên căn, đồng hồ nước đứng tên chủ trọ. Vì vậy, cô gái này nhờ chủ trọ phản hồi với Công ty Cổ phần cấp nước Gia Định về tiền nước tăng bất thường và nhận được thông báo nguyên nhân do sự cố vỡ ống nước.
Chủ trọ đã gửi đơn tới công ty cấp nước xin giảm giá và đang chờ xem xét.
Chị Nhàn phải thanh toán hóa đơn gần 10 triệu đồng tiền nước. Ảnh: NVCC.
"Bình thường gia đình tôi chỉ xài 20 m3 nước, nay tăng bằng số nước dùng trong gần 3 năm. Tôi đang mong chờ được hỗ trợ chứ chưa đóng tiền nước của tháng này.
Sự cố xảy ra tôi cũng không biết vì không thấy rò rỉ các vòi nước trong gia đình", chị Nhàn chia sẻ.
Còn anh Dương Phan Tấn Tài (ngụ phường Tân Thuận Tây, quận 7) bất ngờ với tiền nước sinh hoạt tháng 10 của gia đình tăng gấp 3. Gia đình 4 người của anh Tài thường sử dụng khoảng 20 m3 nước/tháng, nhưng tháng 10 này được thông báo tiêu thụ 54 m3 nên phải thanh toán tiền nước hơn 750.000 đồng.
Anh Tài kiểm tra đường ống nước thì không thấy rò rỉ. Gia đình chỉ sinh hoạt bình thường chứ không buôn bán kinh doanh nên khối lượng nước sử dụng như vậy theo anh là bất hợp lý.
Hàng xóm của anh Tài cũng phản ánh gặp trường hợp tương tự, khối lượng nước sinh hoạt tăng gấp 3 so với những tháng trước.
"Tôi gọi đường dây nóng của Công ty Cổ phần cấp nước Nhà Bè nhưng báo bận. Tôi dự định sẽ liên hệ lại bộ phận ghi nước để xin hình mức nước trước dịch Covid-19 và hiện tại để xem tổng số khối có khớp với thông báo không", anh Tài nói.
Khối lượng nước sử dụng của gia đình anh Tài vào tháng 10 tăng gấp 3 so với thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC.
Trường hợp khác là chị N.M. (quận 7) cũng có hóa đơn tiền nước tháng 10 tăng gấp đôi. Những tháng trước, tiền nước gia đình chị sử dụng chỉ tầm 350.000 đồng nhưng tiền nước tháng 10 được thông báo 790.000 đồng.
"Tôi có hỏi nhân viên ghi số nước thì được giải thích do những tháng giãn cách xã hội không ghi được số nước nên thu tiền ước lượng. Đến nay hết dịch ghi lại chỉ số mới nên sẽ dồn thêm chỉ số tiêu thụ trước đó", chị M. cho biết
Tổng công ty cấp nước lý giải nguyên do
Thông tin về việc gần đây nhiều hóa đơn tiền nước tăng cao bất thường, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) lý giải hàng tháng, đơn vị cấp nước cần tiếp cận đồng hồ nước tại nhà khách hàng 1 lần để kiểm tra và ghi nhận chỉ số đồng hồ nước.
Đại dịch Covid-19 xảy ra, kèm theo đó là các đợt giãn cách xã hội kéo dài khiến việc tiếp cận đồng hồ nước không thực hiện được. Vì vậy, đơn vị cấp nước phải xác định lượng tiêu thụ của khách hàng theo phương pháp giả định từ trung bình 3 kỳ gần nhất trước đó.
Sau thời gian giãn cách, các đơn vị cấp nước mới ghi nhận trực tiếp chỉ số đồng hồ nước nên xảy ra nhiều trường hợp chỉ số tiêu thụ cao hoặc thấp hơn so với lượng nước đã lập hóa đơn các kỳ trước đó.
Sawaco nhận thấy bất cập này nên đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước tăng cường kết nối, giải quyết, giải thích rõ ràng với khách hàng, không để khiếu nại kéo dài.
Nếu ghi nhận chỉ số tiêu thụ tăng cao do bể ống trong, các đơn vị giải quyết từng trường hợp cụ thể theo quy trình giải quyết khiếu nại, căn cứ tình hình thực tế theo hướng giảm giá nhằm tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán tiền nước.
Khuyến nghị khách hàng nếu thấy chỉ số đồng hồ nước chưa chính xác xin thông báo đơn vị cấp nước kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Nhân viên Công ty Cổ phần cấp nước Gia Định sửa đường ống nước cho người dân. Ảnh: Anh Nhàn.
Đối với trường hợp ghi nhận chỉ số tiêu thụ cao hơn so với lượng nước đã lập hóa đơn các kỳ trước đó, các đơn vị cấp nước phải phân bổ lại định mức, điều chỉnh đơn giá tiền nước tương ứng với số kỳ đã tính trung bình.
Việc này nhằm tính lại chính xác lượng nước theo đơn giá trong định mức và vượt định mức, không để khách hàng bị thiệt hại do dồn chỉ số tiêu thụ nước.
Nếu ghi nhận chỉ số tiêu thụ thấp hơn so với lượng nước đã lập hóa đơn các kỳ trước đó, các đơn vị chủ động liên hệ khách hàng để thống nhất việc giữ chỉ số đến khi khách hàng sử dụng vượt quá, hoặc hoàn tiền theo yêu cầu.
Theo Zing