Hoảng hồn chiêu chữa bệnh rút lưỡi chảy máu của 'công chúa thuốc lào'

Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, dù “bán tín, bán nghi” với cách chữa bệnh của "công chúa thuốc lào" tên Nhung nhưng lượng người đổ về chờ được chữa bệnh mỗi ngày một đông.

Hoảng hồn chiêu chữa bệnh rút lưỡi chảy máu của công chúa thuốc lào-1
UBND xã Nguyên Khê đã yêu cầu giải tán tụ điểm chữa bệnh không đủ cơ sở pháp lý do “cô” Nhung thực hiện

“Rút lưỡi xong máu chảy 5 ngày, vẫn hoàn câm”

Chỉ với các động tác vặn, kéo, bẻ, rút… bằng tay, “công chúa thuốc lào” tên Nhung cùng các “cộng sự” đã khám, chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đến thôn Cán Khê, Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, không ít trường hợp sau khi được “cô” Nhung chữa trị đã “hồn xiêu phách lạc”.

Đó là trường hợp bà Ngô Thị Hương (thôn Cán Khê, Nguyên Khê). Tiếp chuyện chúng tôi bằng giọng nói “méo tiếng” vô cùng khó nghe kết hợp với cử chỉ diễn đạt, bà Hương khó nhọc kể lại việc “tuần trước ra "cô" Nhung điều trị.

"Cô" dùng khăn quấn qua lưỡi và rút mạnh nhiều lần, dẫn tới chảy máu phần dưới lưỡi khiến bà vô cùng đau đớn. 5 ngày sau mới hết chảy máu, suốt mấy ngày bà chỉ húp nước cháo. Bà Hương lia lịa lắc đầu khi được hỏi sau khi "cô" Nhung điều trị bệnh của bà có cải thiện; đồng thời, diễn đạt rất đau, rất sợ không dám làm lần nữa. Bà Hương bị “méo tiếng" từ hơn chục năm nay, đã chữa chạy nhiều nơi nhưng không cải thiện được.

Cũng tại thôn Cán Khê, bà Nguyễn Thị Đảm từng là bệnh nhân được “cô” Nhung kéo lưỡi chữa cho hết câm. Tuy nhiên, khi được hỏi, bà Đảm cho hay (em dâu bà Đảm diễn đạt lại): “Tôi bị kéo lưỡi, đau lắm, lại chảy cả máu nữa. Cả tuần sau đó chỉ ăn được ít một vì còn đau”.

Bà Đảm mặc dù câm điếc bẩm sinh nhưng hoàn toàn có thể “nghe” được thông qua việc nhìn khẩu hình và biểu đạt bằng tay của người đối diện; thậm chí, bà có thể “nói” không rõ tiếng nhưng người nghe vẫn hiểu được phần nào. Em dâu bà Đảm cho hay, nơi nào giới thiệu chữa trị được bà cũng đến nhưng đâu vẫn hoàn đấy.

Theo chia sẻ của một người dân thôn Cán Khê, vài trường hợp trong thôn cũng đã đến “cô” Nhung chữa nhưng không khỏi. Có bà cụ lưng còng, sau một hồi kéo, nắn thẳng được lưng hơn nhưng ngày hôm sau lại còng gập như cũ. Còn mấy ca câm, sau khi rút lưỡi u ơ được vài tiếng rồi về đến nhà cũng vẫn vậy. Thế nhưng, bà con khắp nơi cứ kéo về đây rất đông với hy vọng được chữa lành bệnh.

Tùy tiện kéo, vặn… có thể gây tổn hại đến người bệnh

Trao đổi với Báo Giao thông, Thầy thuốc nhân dân, BS. Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp của đông y, trong đó có hình thức kéo, vặn… Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức nhất định, để không gây tổn thương đến xương khớp của người bệnh.

Nếu không phải là một thầy thuốc chuyên sâu thực hiện thì rất nguy hiểm. Việc kéo giãn, bẻ, vặn nếu không được thực hiện bởi người có kiến thức chuyên sâu dễ gây mẻ, vỡ, thậm chí gãy xương, tổn thương bao dịch ổ khớp… hoặc mất đi tư thế giải phẫu, sẽ gây tổn hại trầm trọng hơn đến người bệnh”.

Lý giải việc những người liệt, đi lại bằng nạng có thể tự đứng lên, hoặc tự bước chân đi, ông Bản cho biết: “Khi khớp cứng, dây chằng gân cơ co. Khi kéo giãn, khớp được thả ra, dây chằng giãn ra, do vậy, có thể hoạt động được ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu không chữa cơ bản thì cơ khớp sẽ lại co vào giống như dây cao su kéo giãn ra nhưng khi bỏ tay ra lại co vào bình thường. Do đó, thầy thuốc phải có kinh nghiệm, kéo giãn theo đúng tư thế giải phẫu lúc đó mới đạt yêu cầu”.

Còn với trường hợp kéo lưỡi, do co cứng kéo ra có thể vận động được nhưng chỉ với người có bộ não hoạt động bình thường, bệnh do cơ lưỡi bị co lại… nên vẫn có thể nói ú ơ. Nhưng chỉ với trường hợp co cơ, não vẫn hoạt động tốt, còn với người não có vấn đề cộng thêm lưỡi co cơ thì không thể giải quyết được.

“Tất cả những người muốn đi khám chữa bệnh nên đến các cơ sở hợp pháp, thày thuốc có chuyên môn sâu. Những trường hợp chỉ xem thông tin quảng bá qua mạng, người bệnh cần cân nhắc, tốt nhất không nên chữa trị”, ông Bản khuyến cáo.

Cũng trong ngày 2/12, UBND xã Nguyên Khê đã yêu cầu giải tán tụ điểm chữa bệnh không đủ cơ sở pháp lý do “cô” Nhung thực hiện. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội cho biết: Sau khi nhận được thông tin về việc tổ chức khám chữa bệnh trái phép (dù không thu tiền), chính quyền đã can thiệp, giải tán, không cho chữa bệnh.

Ông Hồng cho hay, khi được chính quyền yêu cầu ngừng hoạt động khám chữa bệnh vì không đủ giấy tờ pháp lý, “cô” Nhung chấp nhận giải tán. Hiện chính quyền xã cũng chưa rõ lai lịch cụ thể của "cô" Nhung, chỉ biết người này ở Yên Viên, Gia Lâm, chữa bệnh không lấy tiền.

“Dù là chữa bệnh không lấy tiền, nhưng việc khám chữa bệnh tùy tiện, không có giấy phép hành nghề, không chính thống dễ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, xã hội. Một số người trong làng đã chữa nhưng khẳng định không giải quyết được việc gì. Dù là chữa bệnh không mất tiền nhưng chi phí đi lại của một người bệnh kéo theo 3-4 người phục vụ cũng vô cùng tốn kém. Do vậy, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn kịp thời”, ông Hồng cho hay.

Chiều qua (4/12), phóng viên Báo Giao thông lần tìm về địa chỉ ở Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm với hi vọng tìm hiểu thêm về nhân thân của “cô” Nhung. Sau nhiều lần hỏi thăm, đã tìm được đến nhà “cô” Nhung nhưng cả hai vợ chồng “cô” Nhung đều không có nhà.

Một người thân (gia đình chồng “cô” Nhung) cho hay, trước đây, “cô” Nhung có hành nghề bói toán, lập điện thờ tại gia, khoảng gần tháng nay nghe nói còn khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người này cũng cho biết chỉ nghe nói thế, chứ chưa từng chứng kiến “cô” Nhung khám, chữa bệnh cho ai. Và “cô” Nhung đã chuyển đi nơi khác sinh sống, thi thoảng mới về đây.

Gần 1 tháng nay không có mặt tại nhà (ở Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm). Khi được hỏi về việc “cô” Nhung chữa được bệnh cho người liệt, câm điếc… nhiều người hàng xóm khá ngỡ ngàng. Mọi người vẫn chỉ biết đến “cô” Nhung thường hay lên đồng, ca hát rất hay.

Theo Báo Giao Thông


chữa bệnh tin tức chuyện lạ

Tin tức mới nhất