Mâm cỗ ngày Tết luôn có đầy đủ từ 5-7 món, nhưng nếu chỉ ăn những món chính thì sẽ rất dễ ngấy và nhanh chán. Vì vậy những món muối chua vô cùng thích hợp để ăn kèm với món chính, giúp làm tăng hương vị hơn cho bữa cơm.
Dưa củ kiệu
Chuẩn bị:
1 kg củ kiệu tươi
500gr đường
2 thìa canh muối hột
Giấm trắng
1 cục phèn chua
Lọ thủy tinh để đựng
Cách làm:
Bước 1: Ngâm qua đêm củ kiệu với nước muối pha loãng. Sau đó vớt ra cắt dễ và phần đầu.
Lưu ý: Không cắt vào trong ở phần gốc rễ quá nhiều để kiệu khi ngâm không bị ủng, dưa kiệu sẽ hỏng, không còn độ giòn ngon.
Bước 2: Đem kiệu ra rửa vài lần với nước cho sạch sau đó tiếp tục đem kiệu đi ngâm với nước đã pha phèn chua. Rửa kiệu lại rồi vớt ra, rải trên khay rồi đem ra phơi nắng 1 ngày cho kiệu héo bớt.
Bước 3: Đem kiệu vào lột lớp vỏ và cắt phần rễ còn sót lại, rửa lại 1 lần nữa cho sạch bụi hoàn toàn, vớt ra, để thật ráo.
Bước 4: Nấu nước ngâm kiệu bằng 2 muỗng canh đường, 400ml giấm, 1/2 muỗng cà phê muối vào hòa tan với nước. Đun sôi hỗn hợp nước giấm đường này rồi để thật nguội.
Bước 5: Tiếp đến, đổ hỗn hợp nước giấm đường vào ngập kiệu cỡ 3cm rồi đậy kín lọ thủy tinh, đem cất vào chỗ thoáng mát.
Bước 6: Sau khoảng 10 ngày (tùy độ chua của nước giấm đường) thì kiệu đã chua ngọt, ngon giòn, có thể đem ra thưởng thức.
Dưa góp su hào
Chuẩn bị:
2 củ su hào
2 củ cà rốt
100ml nước mắm ngon
50ml nước
50gr đường
1/2 muỗng cà phê muối
5 tép tỏi
Cách làm:
Bước 1: Su hào, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch cắt lát miếng vừa ăn.
Bước 2: Cho 1 thìa muối vào hỗn hợp su hào, cà rốt đã cắt tỉa, xóc đều, ngâm 10 phút cho ra bớt nước.
Bước 3: Pha nước mắm: cho đường, nước và muối, nước mắm cho hết vào nồi nấu sôi 5 - 7 phút là tắt bếp. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
Bước 4: Cho su hào, cà rốt, tỏi vào hũ hoặc bát có nắp đậy. Cho hỗn hợp nước mắm đã nguội vào đậy nắp kín qua 2 ngày là có thể ăn ngon.
Nami (Tổng hợp)
Theo VietNamnet