Từng gây sốt với slogan "Đẹp tự nhiên nhưng không tự nhiên mà đẹp", mới đây, Minh Tú chia sẻ trên instagram hình ảnh mình đang được bác sĩ tiêm lên trán và những nơi đã được tiêm để lại những lỗ tròn rỉ máu khá đáng sợ. Tuy nhiên, đây là một phương pháp làm đẹp khá nổi tiếng, đặc biệt là từ sau khi Kim Kardashian lăng xê.
Quá trình làm đẹp của siêu mẫu Minh Tú
Cụ thể Minh Tú đã truyền multivitamin để có làn da thật khỏe và ủ tê trước khi thực hiện PRP
Sau khi ủ tê, các bác sĩ sẽ tiêm huyết tương trích từ chính máu của Minh Tú để giúp trẻ hóa làn da cho siêu mẫu.
Minh Tú tại cơ sở thẩm mỹ
So với phương pháp làm đẹp bằng cách tiêm huyết thanh trắng da thì giải pháp làm chậm quá trình lão hóa da bằng phương pháp lấy máu của chính mình tiêm cho mình xem ra còn “rùng rợn” hơn nhiều! Cứ nhìn cách các bác sĩ dùng hàng trăm mũi kim, tiêm đầy máu tự thân lên cơ thể được nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ quảng bá là khối người đã "nổi da gà". Hình ảnh Kim Kardashian - minh tinh nổi tiếng sexy của Hollywood với khuôn mặt nhòe máu khi đi làm đẹp là một hình ảnh vô cùng ấn tượng về kỹ thuật “làm đẹp bằng máu” đang trở thành trào lưu khắp thế giới.
Phương pháp làm đẹp bằng máu của Kim Kardashian trở thành trào lưu dù trông khá ghê rợn khi mới hoàn thành.
Vậy thực hư của phương pháp làm đẹp này là như thế nào, có thực sự an toàn, hiệu quả hay không?
Công nghệ PRP là cách gọi tắt của cụm từ tiếng Anh "Platelet Rich Plasma", nghĩa là "Huyết Tương Giàu Tiểu Cầu". Đây là cách thức lấy máu tự thân sau đó đem xử lý ly tâm để lấy ra lượng huyết tương giàu tiểu cầu và sử dụng huyết tương đó đưa ngược trở lại cơ thể, vào vùng cần được điều trị. PRP chỉ sử dụng tế bào của chính cơ thể để chiết tách, điều trị làm trẻ hóa da cũng như sửa chữa hư hại của da nên hoàn toàn không sử dụng bất cứ một chất bảo quản hay hoạt chất bên ngoài nào.
Các nhân tố tăng trưởng có trong tiểu cầu sẽ kích thích tế bào da mới tăng trưởng liên tục nên hiệu quả điều trị trẻ hóa da tăng cao và kéo dài. Phương pháp này sẽ giải quyết các vấn đề của da hư tổn, sạm nám da, da kém thẩm mỹ. Các vấn đề khác như da lão hóa, nhăn nheo chùng nhão hoặc nám, sẹo rỗ, lỗ chân lông to, mụn trứng cá cũng đều được quảng cáo là sẽ cải thiện. Ngoài ra, PRP còn có thể giúp các chị em làm mờ bọng mắt, da sần vỏ cam, rạn da.
Các bác sĩ sẽ lấy khoảng 30ml máu, sau đó đưa qua một quy trình và công nghệ chiết xuất ly tâm quy chuẩn để lấy 1 lượng huyết tương giàu tiểu cầu gọi là PRP. Tiếp đó, lượng PRP này được bác sĩ đưa vào vùng da cần điều trị, giúp khôi phục và trẻ hóa các tế bào tổn thương, kích thích sản sinh tế bào mới.
Các chuyên gia huyết học khuyến cáo, người có nhu cầu làm đẹp không nên lạm dụng phương pháp này bởi đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn cơ thể nên dù bằng đường nào và với dụng cụ gì cũng có những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Theo tạp chí Cosmetic Surgery - một trong những tạp chí chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ uy tín nhất thế giới, thì việc tiêm PRP để làm đẹp sẽ gây ra những hệ quả như đau và sưng ở vùng tiêm, nhiễm khuẩn nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối, có thể sốc phản vệ - tuy rất hiếm - mặc dù PRP được lấy từ chính bản thân người ấy.
Nếu quá trình chích hút huyết tương giàu tiểu cầu mà hút lẫn hồng cầu thì những hồng cầu này dễ kết lại thành cục máu đông, hoặc trong quá trình tiêm, kim tiêm làm tổn thương mạch máu lớn dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó sẽ gây nhồi máu não - là tai biến rất nặng, có thể tử vong hoặc di chứng liệt suốt đời. Di chuyển xuống ruột, nó gây nhồi máu mạc treo mà nếu không mổ cấp cứu kịp thời, cũng dễ dẫn đến tử vong. Di chuyển xuống chân, nó gây viêm tắc tĩnh mạch chi dưới...
Buu
Theo Vietnamnet