Diễn biến sau 10 ngày xét xử cho thấy, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn, hối lỗi. Duy nhất Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) là người có lời khai mẫu thuẫn.
Tại tòa cũng như giai đoạn điều tra, ông Tạc khai chỉ nhận 100 triệu đồng; còn Phan Quốc Việt khẳng định đã "biếu" cựu Thứ trưởng số tiền 50.000 USD như trong cáo trạng truy tố.
Khi nêu quan điểm luận tội hôm 8/1, đại diện Viện KSND TP Hà Nội nhận định ông Tạc cầm 50.000 USD từ bị cáo Việt, chứ không phải 100 triệu đồng. Căn cứ để buộc tội với ông Tạc là dựa vào lời khai của bị cáo Việt; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN, cùng với đó là dữ liệu điện tử, sao kê tài khoản và kết quả thực nghiệm điều tra.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng đánh giá Phan Quốc Việt là người giữ vai trò chủ mưu, phạm tội xuyên suốt.
Trả lời xét hỏi, Tổng giám đốc Công ty Việt Á thẳng thắn nhận tội, mong muốn tòa quy hết trách nhiệm để bị cáo chịu thay cho các nhân viên Công ty vì họ chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi.
Việt cũng khai rành mạch mọi "thủ đoạn" để được tham gia Đề tài nghiên cứu, sản xuất kit test bán thương mại. Bị cáo nhớ rõ các khoản chi hối lộ cho nhóm cựu quan chức, trong đó, đưa 3 cựu Ủy viên Trung ương Đảng là Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) 2,25 triệu USD; Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) 200.000 USD; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng 100.000 USD...
Với số tiền nhận từ Phan Quốc Việt, tòa ghi nhận 3 cựu Ủy viên Trung ương Đảng đã nộp toàn bộ khắc phục hậu quả. Một số bị cáo khác đang trong giai đoạn tác động gia đình hoàn thành nghĩa vụ dân sự. Để đảm bảo công tác thi hành án, cơ quan điều tra đã phong tỏa nhiều tài sản. Riêng Phan Quốc Việt bị kê biên nhiều sổ tiết kiệm, tổng giá trị hơn 482 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Điểm đáng chú ý nhất trong vụ án là trường hợp cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh. Giai đoạn điều tra, ông Danh khai, không nhận bất cứ lợi ích vật chất gì từ Công ty Việt Á. Có lần được đưa tiền để cảm ơn nhưng ông không nhận, giải thích cho hành động này, bị cáo nói "sắp về hưu”, “không muốn liên quan đến tiền bạc, hoa hồng''.
Lời khai của ông Danh được cơ quan tố tụng đánh giá phù hợp với lời khai của Lê Trung Nguyên, nhân viên phụ trách vùng Đông Nam Bộ của Công ty Việt Á. Người này khai rằng đã trực tiếp gặp ông Danh tại CDC Bình Dương nhiều lần nhưng ông Danh đều không nhận.
Dù không nhận tiền, song tại tòa ông vẫn thừa nhận mình bị truy tố về tội 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' là đúng người, đúng tội. Lý do là ông đã tạm ứng kit test của Công ty Việt Á và Công ty VNPAT để sử dụng trước rồi sau đó hợp thức thanh toán sau, thông qua 5 gói thầu và 7 hợp đồng.
Theo ông Danh, quá trình làm việc, không có ai thoả thuận hay đưa lợi ích vật chất gì cho ông. Việc bị cáo sử dụng trước kit test và thanh toán sau là thực hiện chỉ đạo từ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
“Bị cáo ý thức được hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo vô tình vi phạm pháp luật về đấu thầu, mong HĐXX xem xét”, cựu Giám đốc CDC Bình Dương nói...
Hồ sơ vụ án xác định, trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit.
Doanh nghiệp này được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng. Tuy nhiên Công ty Việt Á đã nâng giá khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm.
Cơ quan truy tố kết luận, Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong