Những que diêm xếp thành dãy xuất hiện bên những máy rút tiền hay thang máy để người dùng có thể nhấn nút mà không phải chạm ngón tay vào những bề mặt kim loại có khả năng nhiễm virus corona. Ở những nơi công cộng, nhiều người không còn bắt tay hay ôm hôn để chào hỏi, thay vào đó họ chạm giày vào nhau.
Hơn 20 quan chức cấp cao và nghị sĩ nhiễm bệnh
Ùn tắc giao thông đã biến mất khỏi đường phố đông đúc của Tehran, dù cho tình trạng ô nhiễm vẫn còn do các nhà máy điện hoạt động. Và thành phố giờ đây chỉ có những toa tàu điện ngầm trống rỗng được phun thuốc khử trùng hai hoặc ba lần một ngày.
Làm việc và học tập từ xa đã trở thành chuẩn mực. Các lớp học ngôn ngữ buổi tối vốn phổ biến ở Tehran, nay trống không. Lưu lượng truy cập Internet tăng 40% khi người Iran làm việc tại nhà.
Một nhân viên y tế Iran đang chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Tehran. Ảnh: AFP.
Giữa lúc số người tử vong chính thức tăng lên - theo công bố của giới chức trách là 77 người đã tử vong vì virus corona ở Iran, đồng nghĩa với số ca tử vong cao nhất bên ngoài Trung Quốc, lễ cầu nguyên thứ sáu bị hủy bỏ lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Các trận bóng đá cũng chịu chung số phận.
Các trường học, nhà hát, rạp chiếu phim... đều đóng cửa im ỉm. Trung tâm mua sắm trở nên vắng lặng một cách rợn người. Việc rửa tay thường xuyên để phòng dịch đã khiến lượng tiêu thụ nước lên tới mức đỉnh điểm, dẫn tới sức ép đè nặng lên cơ quan cung cấp nước sạch.
Thậm chí cả người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cũng tổ chức họp báo qua video. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng giữ khoảng cách xa hơn với khán giả. Hơn cả là con số khiến nhiều người không khỏi sửng sốt, đó là hơn 20 quan chức cấp cao và nghị sĩ Iran đã nhiễm virus corona.
Kể từ khi virus corona chính thức viếng thăm thành phố thiêng Qom vào ngày 19/2, có khả năng xuất phát từ một thương gia Iran thường xuyên giao dịch ở Trung Quốc, sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ và dịch vụ y tế suy yếu và sự thiếu tin tưởng vào chính quyền đã biến Iran thành quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất từ dịch virus corona.
Nhiều người Iran nỗ lực thích nghi với cuộc khủng hoảng bủa vây nhưng vẫn không tránh khỏi những ánh mắt nghi ngại về sự ứng phó của giới chức trách.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom nói rằng ông không thấy bằng chứng nào cho thấy Iran đang che giấu quy mô của dịch bệnh ở nước này. Thế nhưng, nhiều người không tán thành điều đó. Về phần mình, chính phủ Iran cáo buộc Saudi Arabia và truyền thông phương Tây tìm cách chống phá nước này.
Xe cảnh sát làm công việc khử trùng ở Tehran. Ảnh: AP.
Bộ y tế Iran khẳng định số liệu của họ không hề bị bóp méo vì mục đích chính trị. Hôm 2/3, bộ này công bố 66 người tử vong, trong khi số ca nhiễm lên tới 1.501 (tăng đáng ngạc nhiên ở mức 50% trong 24 giờ) và có 291 người hồi phục. Ngày 3/3, số ca mắc bệnh Covid-19 đã tăng thêm 835 và thêm 11 ca tử vong. Tổng số ca phục hồi đã lên tới 435.
Khó khăn vẫn đợi trước mắt
Bộ Y tế nước này thừa nhận khó khăn vẫn đợi trước mắt, nhưng cũng hứa hẹn rằng sẽ kiểm soát bùng phát dịch, một phần nhờ thời tiết sắp tới sẽ ấm hơn. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh điều quan trọng là người dân Iran phải tuân thủ các chỉ dẫn của giới chức trách.
Bộ Y tế Iran chỉ ra những biện pháp khắc phục đã được thực hiện. Các đội y tế đã chốt ở rìa thành phố để ngăn chặn du khách nhiễm bệnh gây lây lan bừa bãi. Hơn 1.000 trạm xét nghiệm đang được thiết lập. Hoạt động sản xuất khẩu trang phẫu thuật và chất tẩy rửa đã được đẩy mạnh. Thiết bị từ Trung Quốc và châu Âu đang trên đường đổ về Iran. Có tới 300.000 tình nguyện viên đang được đào tạo để đi đến từng nhà kiểm tra các trường hợp chưa bị phát hiện.
Các cánh khác của chính phủ cũng vào cuộc. Các giáo sĩ đe dọa những khoản phạt đối với bất cứ ai gây lây lan dịch bệnh. Cơ quan tư pháp hôm 3/3 cảnh báo rằng những người tích trữ thiết bị y tế phải đối mặt với án tử hình. Thậm chí, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã xuống đường, sử dụng vòi rồng để phun thuốc khử trùng, và cho biết họ đang mở các bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nghi ngại rằng dịch vụ công cộng của Iran bị quá tải và chính quyền phản ứng chậm, đặc biệt là không cách ly các thành phố bị ảnh hưởng mạnh nhất. Nhiều người đi du lịch đến Qom đã chia sẻ video những người hành hương liếm những cửa sổ lưới quanh lăng mộ thiêng.
Đội khử trùng làm việc ở Mashhad, Iran. Ảnh: Reuters.
Dẫn nguồn tin bệnh viện tuần trước, BBC tiếng Ba Tư, đã đưa tin hơn 200 người tử vong vì virus corona ở Iran. Tuy nhiên, chính quyền Iran lập tức bác bỏ thông tin này, đồng thời cảnh báo về sự xấu xa của truyền thông nước ngoài.
Theo Guardian, bác sĩ phẫu thuật Behrouz Kalidari, ở Isfahan - miền Trung Iran, cảnh báo rằng có tới 12.000 người có thể đã nhiễm virus ở nước này mà không hay biết. Ông cho rằng nếu các biện pháp không được thắt chặt, cả nước phải đối mặt với một thảm họa quốc gia.
Dấu hiệu căng thẳng cũng đã xuất hiện ở nội bộ chính quyền. Bộ trưởng Y tế, ông Saeed Namaki, cảm thấy thôi thúc phải viết thư cho Tổng thống Hassan Rouhani, sau 10 ngày chống chọi với dịch bệnh, để nói rằng chỉ có 1 triệu chiếc khẩu trang được cung cấp, và các quan chức đã phải xoay xở ở chợ đen để mua khẩu trang với giá cao gấp năm lần. Ông viết thêm một lần nữa để phàn nàn rằng những kẻ đầu cơ đã tích trữ khẩu trang để trục lợi.
Kế hoạch đưa 300.000 tình nguyện viên đến gõ cửa từng nhà cũng nhận được những phản ứng trái chiều. Hadi Ansari, một bác sĩ phẫu thuật và là thành viên của Viện Khoa học Y khoa Iran, cho rằng các đội tình nguyện di chuyển từ nhà này sang nhà khác để tìm kiếm người nhiễm bệnh cũng có khả năng gây lây lan. Ông chỉ ra găng tay mới sẽ cần thiết cho mỗi lần ghé thăm mỗi nhà.
Theo Zing