Thú chơi bóng cười có thể gây tắc thở của giới trẻ Hà Nội: Bóng cười được giới trẻ sử
dụng vì tạo ra sự phấn khích, cảm giác lâng lâng. Hiện nay, không ít người tìm đến
thú vui này như một cách thư giãn vào cuối ngày.
Cô gái sinh năm 1994 được đưa vào cấp cứu tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Chỉ sau vài tiếng, tay và chân của 9X mất cảm giác.
Hiện tại, mọi hoạt động, sinh hoạt của cô gái phải nhờ tới sự giúp đỡ của gia đình và điều dưỡng. Cô cũng phải di chuyển bằng xe lăn.
Trang bị ngộ độc khí N2O dẫn đến ức chế thần kinh, gây đột quỵ dạng nhẹ.
Ảnh minh họa.
Bác sĩ Nguyễn Trần Hòa (Bệnh viện Bạch Mai) xác nhận Trang bị ngộ độc khí N2O, kết hợp trước đó hút shisha, uống rượu, khiến các dây thần kinh bị ảnh hưởng.
"Bệnh nhân khi cấp cứu bị co giật, mất ý thức, tay chân không còn cảm giác. Nguyên nhân chính là số lượng khí N2O đưa vào cơ thể liên tục trong thời gian ngắn, thần kinh bị ức chế, áp suất máu lên cao dẫn tới đột quỵ dạng nhẹ", bác sĩ Hòa nói.
Bác sĩ này cũng thông tin thêm tình hình của 9X đã ổn định nhưng các chi vẫn chưa hoạt động được. Nếu kết hợp điều trị thuốc và hồi sức, khoảng hai tuần, cô mới có thể hồi phục, song chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng sau này.
Trang là gương mặt khá nổi tiếng trong giới trẻ Hà thành nhờ sở hữu ngoại hình xinh đẹp. Facebook của 9X có tới 22.000 người theo dõi.
Sự việc xảy ra với Trang hiện trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng mạng, nhất là với những bạn trẻ "sành điệu", hay tham gia thú chơi bóng cười.
Bóng cười là chất kích thích mới xuất hiện vài năm gần đây, rất thu hút giới trẻ.
Đây thực chất là quả bóng bay thông thường, được bơm khí nitrous oxide (N2O), khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, tạo cơn buồn cười ảo. Bất cứ ai tham gia thú chơi này, dù đang đang vui hay buồn đều có thể cười thoải mái.
Cùng với shisha, bóng cười không có trong danh mục các chất cấm nhưng tác hại của khí N2O tới thần kinh và các cơ quan trong cơ thể đã được nhiều bác sĩ cảnh báo.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Ý kiến chuyên gia về bóng cười: Các chuyên gia hóa học, y tế đều khuyến cáo không
nên sử dụng quá nhiều loại khí gây cười N2O
Theo Zing