Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc tự chế biến, đóng gói thực phẩm và hút chân không có thể giúp kéo dài thêm thời gian bảo quản thực phẩm, nhưng vẫn có nguy cơ không đảm bảo an toàn do việc chế biến không vệ sinh, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là ô nhiễm vi khuẩn yếm khí (vi khuẩn sinh trưởng trong môi trường thiếu không khí), sinh độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng.
Một trong các vi khuẩn yếm khí thường gây ngộ độc trong các loại thực phẩm đồ hộp, thực phẩm bao gói hút chân không là vi khuẩn Clostridium Botulinum (C.Botulinum), một loại vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối.
Độc tố của vi khuẩn trên có độc lực rất mạnh và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, thậm chí gây tử vong chỉ với liều lượng rất nhỏ.
Độc tố của vi khuẩn C.Botulinum là nguyên nhân khiến người tử vong và hàng loạt bệnh nhân nhập viện, như vụ ngộ độc Pate Minh Chay (năm 2020) hay vụ 6 người nhập viện sau khi ăn bánh mì tại TP.HCM (năm 2023).
Nhiều loại thực phẩm được các đơn vị hút chân không. (Ảnh minh hoạ)
Khi đóng gói và hút chân không, bạn nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói giúp người sử dụng biết và bố trí thời gian sử dụng phù hợp.
Người dân tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Thực phẩm đóng hộp không phồng, nhưng khi mở ra nghe tiếng "xì" tức là có không khí ở trong, hơi “nặng mùi” cũng không nên sử dụng để phòng đã bị nhiễm vi khuẩn kị khí, đặc biệt là độc tố C.Botulinum.
Đối với các loại thực phẩm được sản xuất thủ công, tự đóng gói, đóng kín bằng màng bọc hút chân không thì trước khi sử dụng cần quan sát kỹ, nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc ra thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng.
Theo VTC News