Indie là gì?
Indie (xuất phát từ “Independent” - độc lập) không phải là một thể loại nhạc như pop, Rn’B hay EDM. Đấy là tên gọi chung của một xu hướng âm nhạc được tạo ra bởi những nghệ sĩ độc lập tự sáng tác, phối khí và thu âm ca khúc của mình; thay vì phụ thuộc vào công ty quản lý, các chiến lược truyền thông…
Bản hit Reality và Are you with me… thuộc về tác giả Indie Lost frequencies.
Đúng như tên gọi, nghệ sĩ Indie độc lập trong âm nhạc của họ và không bị lệ thuộc vào ai khác. Làng giải trí ngày nay vận hành bằng một hệ thống cầu kỳ có liên quan đến chiến lược, quản trị, hình ảnh và truyền thông chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở âm nhạc. Ngược lại, nghệ sĩ Indie tách bạch khỏi những điều đó để thoải mái thể hiện chất riêng của mình.
Có khi họ sẽ tung ca khúc đó lên mạng để mọi người cùng thưởng thức. Phổ biến nhất là trên trang nghe nhạc trực tuyến Soundcloud và Spotify. Cũng có một số trường hợp, người nghệ sĩ muốn bán đĩa của mình thay vì tung ra miễn phí. Khi đó, họ sẽ phải tự tìm nhà in, xưởng đĩa, đơn vị phát hành… Không ồn ào như những ngôi sao lớn họ vẫn có sức nặng nhất định trong cộng đồng yêu nhạc.
Một nghệ sĩ Indie của thế giới được rất nhiều người biết đến chính là Gotye. Ca khúc Somebody that I used to know anh hát cùng Kimbra từng “gây bão” trên Billboard và các bảng xếp hạng âm nhạc lớn nhỏ tại Mỹ năm 2011.
Lavagance - nhóm nhạc indie pop đến từ Slovakia.
Dù vậy, vẫn có không ít tranh cãi xoay quanh cụm “Indie”, và Lana Del Rey cũng là một câu chuyện đáng bàn. Chất nhạc của Lana Del Rey khác hẳn với những cô ca sĩ cùng thời. Nó mang hơi hướm cổ điển và tự sự nhiều hơn, cùng những phần hình ảnh nhiều ẩn dụ, khiến Lana có một phong cách riêng biệt đến nỗi nhiều người ưu ái gọi cô là người có công đẩy mạnh dòng Indie.
Tuy vậy, với sự hậu thuẫn của công ty quản lý, cô là ngôi sao của công chúng chứ không phải nghệ sĩ Indie.
Sự giao thoa giữa Indie và âm nhạc đại chúng
Sẽ rất dễ để so sánh giữa underground và overground/main stream, nhưng lại khó để phân biệt giữa Indie và nhạc đại chúng vì không có tên nghệ sĩ đi kèm. Nhiều tên tuổi lớn trong giới âm nhạc thần tượng vẫn tìm đến Indie để làm mới hình ảnh bản thân và tìm cảm hứng mới trong sáng tác, biểu diễn.
Nếu nghệ sĩ Indie chấp nhận bán ca khúc cho ngôi sao thì ca khúc đó không còn là Indie nữa. Thế nhưng chất nhạc Indie vẫn tồn tại và nó sẽ tạo ra những bản nhạc đại chúng nhưng mang âm sắc của Indie, tạo ra sự giao thoa giữa hai nhóm.
Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Không ít ca sĩ nổi tiếng thu và phát hành những ca khúc của các nghệ sĩ Indie. Đáng chú ý gần đây có Hôn anh của Min, sáng tác bởi Trang - một nghệ sĩ độc lập hay đăng tải bài hát trên Soundcloud.
Nói một cách công bằng, Hôn anh đã mang lại cho Min một màu sắc âm nhạc khác biệt hơn, tạo một điểm nhấn nhất định. Nhưng nhóm khán giả của Trang có thể sẽ không thích cách thể hiện của Min, hoặc cách sản xuất bài hát, hoặc cách Min quay MV cho ca khúc ở Hàn Quốc.
Bởi gần như tất cả nghệ sĩ Indie không hoạt động hình ảnh mà tập trung thể hiện âm nhạc thuần túy. Đây cũng là khác biệt dễ thấy nhất giữa âm nhạc đại chúng và Indie.
Nhóm DA LAB được giới trẻ yêu mến với các ca khúc Một nhà, Hà Nội giờ tan tầm...
Một lần nữa cần nhấn mạnh, nghệ sĩ Indie không bị đóng khung trong việc thu âm, đăng ca khúc lên mạng và không xuất hiện trước công chúng. Thi thoảng, họ vẫn tổ chức đêm nhạc hoặc đi diễn ở một số chương trình. Khi đó, nhóm này có thể trở thành một nghệ sĩ lớn theo cách của nghệ sĩ Indie: có lượng khán giả lớn hơn và không quảng bá hình ảnh như những ca sĩ thần tượng.
Nhắc đến phong cách này không thể bỏ qua Lê Cát Trọng Lý. Cô ấy chính là một nghệ sĩ Indie được nhiều người yêu mến ở Việt Nam, đến nỗi người ta còn tưởng Lý đã trở thành một hiện tượng đại chúng. Nhưng điều này chỉ đúng khi Lý đồng ý sáng tác và hát những ca khúc quảng cáo; còn tất cả album hay buổi biểu diễn của Lý đều rất kín tiếng và luôn mang màu sắc của riêng cô.
Hay gần đây, những cái tên như Vũ, Thái Đinh hay Ngọt Band chính là những đại diện thú vị cho Indie Việt. Họ vẫn sáng tác, vẫn hát, vẫn hoạt động nghệ thuật cho đại chúng nhưng mỗi ca khúc dường như gắn liền với cảm xúc của người nghệ sĩ, của bản thân họ chứ không hề chạy theo thị trường, thị hiếu khán giả. Người ta vẫn gọi vui các sáng tác của họ “rất nhiều tình”.
Ngọt Band được yêu thích bởi những bài hát như Cho tôi đi theo với, Em dạo này.
Tạm kết, khán giả không nên nhầm lẫn việc một nghệ sĩ Indie bước lên sân khấu là tự bỏ đi cái chất Indie của mình. Sự độc lập của họ thể hiện trong chính âm nhạc, cách thể hiện và cách mang bài hát đến với người nghe. Âm nhạc luôn cần được lan truyền, quan trọng là đến cuối cùng họ có giữ được cái chất riêng ban đầu hay không.
Theo Zing