Jessica không xuất hiện trên các chương trình âm nhạc hay Twice quảng bá quá nhiều, thiếu thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sức khỏe là câu chuyện gây ồn ào showbiz Hàn Quốc thời gian qua.

Mỗi trường hợp là một câu chuyện riêng nhưng tất cả phần nào phản ánh sức mạnh của công ty quản lý. Ở đây, công ty nắm giữ quyền lực, quyết định mọi lịch hoạt động và thậm chí kiểm soát mọi hoạt động của một nghệ sĩ nếu họ muốn.

Công ty lạm dụng quyền lực?

Một buổi sáng năm 2014, người hâm mộ chào đón ngày mới với thông tin gây sốc nhất trong những năm làm fan của SNSD. Đó chính là việc Jessica rời nhóm. Không phải tin đồn, tin tức này được chính SM xác nhận.

Jessica khi đó bàng hoàng hơn cả người hâm mộ. Nữ ca sĩ khẳng định phía SM đơn phương chấm dứt hợp đồng giữa lúc cô đang bận rộn với kế hoạch cá nhân.

Jessica, Twice và BTS bị công ty chèn ép, bóc lột sức lao động?-1
Rời nhóm, Jessica hiếm khi xuất hiện trên sóng truyền hình.

Ngay sau đó, tin đồn và suy đoán lan rộng. Thậm chí trên mạng xuất hiện một số cáo buộc các thành viên tẩy chay, bắt nạt Jessica. Số khác đổ lỗi cho việc Jessica mải mê kinh doanh thương hiệu thời trang và mối quan hệ giữa cô với Tyler Kwon ảnh hưởng đến hoạt động chung của SNSD.

Hai năm sau, Jessica phát hành album solo đầu tiên mang tên With Love, J và ca khúc chủ đề Fly. Người hâm mộ dành cho cô sự ủng hộ bất chấp lúc này cô không còn là thành viên nhóm nhạc nữ hàng đầu Kpop.

Tuy nhiên, có một câu hỏi xoay quanh hoạt động solo của Jessica mà đến giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Tại sao khán giả không thấy Jessica quảng bá trên truyền hình?

Không chỉ vắng mặt trên các kênh lớn ở Hàn Quốc, nữ ca sĩ thậm chí không biểu diễn trên cả chương trình âm nhạc. Trong thực tế, Jessica từng đưa ra câu trả lời mập mờ cho thắc mắc người hâm mộ.

Trong một sự kiện quảng bá ca khúc Wonderland, khi nhận được câu hỏi về việc vắng mặt trên sóng truyền hình, cựu thành viên SNSD úp mở: “Tôi cũng muốn biểu diễn trên các chương trình âm nhạc lắm. Nếu tôi nói như thế, mọi người sẽ hiểu ý tôi chứ?”.

Câu trả lời khó hiểu của cô hâm nóng chủ đề về bản hợp đồng được ký kết giữa thần tượng và công ty quản lý của họ. Đáng nói, Jessica rời đi trong hòa bình, thay vì kiện cáo như 3 thành viên JYJ hay Kris, Luhan, Tao của EXO. Kể cả thế, nữ ca sĩ vẫn bị công ty quản lý lợi dụng quyền lực để chèn ép cô?

Nhức nhối chưa được giải quyết

Năm 2017, Ủy ban Công bằng Thương mại Hàn Quốc, thông qua việc điều tra các cơ quan giải trí như SM, YG và JYP, đã sửa đổi các điều khoản áp dụng trong hợp đồng của ca sĩ thần tượng. Những điều khoản này chủ yếu liên quan đến việc huỷ bỏ hợp đồng, từ các lý do tài chính đến pháp lý.

Trước đó, năm 2009, 3 thành viên của JYJ thắng kiện SM. Nhờ đó, thời hạn hợp đồng trung bình giữa các công ty giải trí với nghệ sĩ được rút ngắn, từ 13 năm xuống 7 năm.

Những thay đổi này thời gian đầu được dư luận ủng hộ nhưng về lâu về dài không giải quyết được vấn đề nhức nhối. Sau đó, các công ty như Cube hay DSP Media đưa ra lệnh cấm các thần tượng ký hợp đồng với công ty khác ngay sau khi họ chấm dứt hợp đồng với công ty cũ.

Jessica, Twice và BTS bị công ty chèn ép, bóc lột sức lao động?-2
Lịch trình của Twice dày đặc khiến người hâm mộ lo lắng.

Những công ty khác như SM và DSP Media bị Ủy ban Công bằng Thương mại tìm thấy bằng chứng tố cáo việc họ chấm dứt hợp đồng trên cơ sở không rõ ràng, chẳng hạn lý do "đạo đức".

Điều đáng lo ngại là dường như không có sự minh bạch hoàn toàn trong các điều khoản quản lý và phát triển nghệ sĩ, nhóm nhạc thần tượng, tất cả dựa trên suy đoán mơ hồ.

Mặc dù, khái niệm "hợp đồng nô lệ" ít xuất hiện thời gian gần đây. Thế nhưng, những cuộc trò chuyện giữa người hâm mộ và đại diện trong ngành giải trí nhiều lần gián tiếp ám chỉ sức mạnh công ty quản lý chèn ép nghệ sĩ.

Ví dụ, lịch trình quảng bá dày đặc, không được nghỉ ngơi của Twice ám chỉ việc họ bị trói buộc bởi bản hợp đồng không tình người (hoặc nhằm mục đích bành trướng công ty của JYP).

Tương tự, gần đây, Big Hit liên tiếp thông báo việc Jungkook và Jimin bị chấn thương. Tình trạng sức khỏe của 2 thành viên BTS khiến fan thực sự lo lắng khi họ đi diễn không ngơi nghỉ. BTS càng nổi tiếng, thời gian nghỉ ngơi của các chàng trai càng ngắn ngủi.

Với trường hợp Jeon Somi, nữ ca sĩ vừa rời JYP Entertainment mà chưa được chính thức ra mắt, phản ánh khả năng kìm kẹp của công ty ngay cả khi cô trở nên nổi tiếng sau chương trình Produce 101.

Những lý do không rõ ràng cho sự im ắng của f(x) sau lần quảng bá cuối cùng vào năm 2015 cùng các bài viết mập mờ của thành viên Amber cũng dấy lên suy đoán nhóm bị công ty SM bỏ mặc cho đến khi hợp đồng của họ hết hạn.

Đương nhiên, trong câu chuyện này, cũng phải xem xét mức độ đầu tư của công ty cho một nhóm nhạc để họ thu lại doanh thu, đạt đến thành công. Chưa kể, số năm đào tạo, cố vấn… để tạo ra một nhóm nhạc mới cũng tốn kém.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng, chẳng hạn Jessica cho thấy quyền lực của các công ty có thể tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống và sự nghiệp của thần tượng.

Sức mạnh này có thể bị lạm dụng để ngăn chặn nghệ sĩ trong công việc của họ. Jessica không có cơ hội biểu diễn trên các chương trình ca nhạc. Bất kể lý do gì, nhưng rõ ràng sự nghiệp solo của cô đã bị “bóp nghẹt”.

Jessica, Twice và BTS bị công ty chèn ép, bóc lột sức lao động?-3
BTS chịu áp lực bởi lượng công việc "khổng lồ".

Trong trường hợp nghệ sĩ được biểu diễn trên các chương trình âm nhạc như SBS Inkigayo hay KBS Music Bank, họ có cơ hội quảng bá âm nhạc của mình thông qua phương tiện truyền thông phủ sóng khắp cả nước và quốc tế.

Không chỉ vậy, chương trình ca nhạc cũng cho phép nghệ sĩ kết nối với người hâm mộ. Với 6 chương trình đang phát sóng mỗi tuần, rõ ràng hành động ngăn cấm quảng bá là chiêu hữu hiệu nếu muốn “bóp nát” sự nghiệp của ca sĩ nào đó.

Theo dư luận, với việc Kpop trở thành hiện tượng toàn cầu, các tổ chức như Ủy ban Công bằng Thương mại nên có những hành động cải thiện luật lao động và quy định của các công ty giải trí.

Vấn đề cốt lõi, thần tượng bắt đầu cuộc hành trình của họ với niềm đam mê âm nhạc, với giấc mơ được chia sẻ niềm đam mê đó tới người hâm mộ. Giấc mơ đó không đáng bị chà đạp bởi các hợp đồng “nô lệ” hoặc quyền lực vô hình của công ty quản lý.

 

Theo Zing