Trong thời đại công nghệ phát triển, nhiều người tìm đến Facebook, Youtube,… để giải trí thay vì sách báo, truyện tranh thông thường. Nhiều bố mẹ cũng tận dụng Youtube để dạy con học Tiếng Anh, cho con nghe các bài hát, clip hoạt hình vui nhộn.

Điều này khiến một số lượng lớn kênh Youtube ra đời, nhắm vào đối tượng chính là trẻ em. Nhiều kênh chứa nội dung rất bổ ích, giúp trẻ có thêm kiến thức, tăng cường kỹ năng sống.

Theo nhiều phụ huynh chia sẻ, nhờ những kênh Youtube này mà các con có thêm nguồn giải trí, bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn trong việc dạy dỗ. Bởi nhiều trẻ xem những hành động tốt trong các video và tự ghi nhớ, bắt chước lại.

Song song đó là hiện tượng nhiều kênh rác tràn lan, nội dung nhảm nhí, phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy, sự phát triển nhân cách của trẻ.

Mới đây, một phụ huynh tên T.Ng. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã giật thót mình khi thấy kênh Youtube con gái mình đang xem. Theo đó, khi đang bận nấu cơm, chị Ng. để con ngồi xem Youtube trên TV.

Kênh Youtube cho trẻ nội dung nhảm nhí: Thử thách đập vỡ TV, phá nhà cửa cho vui-1
Con chị Ng. ngồi xem những clip của kênh P.Troll.

Đến khi chạy lên nhà, bà mẹ này thấy con đang xem clip có tiêu đề Dỡ cổng của mẹ thì sẽ ra sao của một kênh Youtube có tên P.Troll.

Trong đoạn clip dài hơn 6 phút, P.H.D - chủ kênh Youtube P.Troll đã cùng một thanh niên khác lấy búa đập phá bức tường gạch của nhà mình, sau đó dỡ cánh cổng sắt vứt xuống ao. Ngay cả hàng rào xung quanh nhà cũng bị phá.

Mục đích của hành động này chỉ nhắm vào trêu mẹ. P.H.D cũng tuyên bố, cùng lắm là cho mẹ tiền làm cánh cổng khác.

Kênh Youtube cho trẻ nội dung nhảm nhí: Thử thách đập vỡ TV, phá nhà cửa cho vui-2
Thử thách dỡ cổng nhà.

Chị Ng. sau đó lập tức kiểm tra nội dung của kênh Youtune P.Troll. Theo đó, kênh này không giới hạn độ tuổi, và đối tượng nhằm đến phần lớn là học sinh, trẻ nhỏ. Đây là một kênh Youtube rất nổi tiếng, được lập từ năm 2017 và có hơn 6,3 triệu lượt đăng ký theo dõi.

Kênh P.Troll đã đăng tải hàng trăm video. Ngoài một số clip vui nhộn thì rất nhiều clip chứa những nội dung nhảm nhí như "Làm vỡ TV của mẹ thì sẽ ra sao"; "Dẫn cháu đi nhuộm tóc xem phản ứng của mẹ",...

Kênh Youtube cho trẻ nội dung nhảm nhí: Thử thách đập vỡ TV, phá nhà cửa cho vui-3
Thử thách làm vỡ TV của mẹ.

Trong clip Làm vỡ TV của mẹ thì sẽ ra sao, P.H.D và bạn đã ném chiếc TV hiện đại, đắt tiền của mẹ từ trên sân thượng xuống, cũng để... xem phản ứng của mẹ! Dù chiếc TV bị ném chỉ là đồ phế liệu được nhân vật chính mua về để bày trò, tuy nhiên trẻ nhỏ khi xem hoàn toàn có thể bắt chước theo.

Còn trong clip Dẫn cháu đi nhuộm tóc xem phản ứng của mẹ, P.H.D đã cho cháu đi nhuộm tóc màu vàng chóe. 

Kênh Youtube cho trẻ nội dung nhảm nhí: Thử thách đập vỡ TV, phá nhà cửa cho vui-4
P.H.D. cho cháu đi nhuộm tóc.

Đáng chú ý, cậu bé trong clip mới chỉ ở độ tuổi tầm mẫu giáo. Việc cho bé nhuộm tóc có thể gây hại cho da đầu. Ngoài ra khi đèo cháu, P.H.D để cháu ngồi phía trước nguy hiểm, còn mình thì một tay vặn ga, một tay cầm điện thoại quay. Bản thân P.H.D cũng không hề đội mũ bảo hiểm.

Kênh Youtube cho trẻ nội dung nhảm nhí: Thử thách đập vỡ TV, phá nhà cửa cho vui-5
P.H.D không đội mũ bảo hiểm, vừa lái xe vừa quay phim.

Điều đáng nói những clip nhảm nhí này đều sở hữu hàng chục triệu lượt xem. Bên dưới clip, rất nhiều trẻ nhỏ ở độ tuổi học sinh vào hào hứng cổ vũ. 

"Mình xem xong sợ quá. Những nội dung như vậy mà cũng làm ra được. Vừa nãy mình đã chặn phát video của trang này. Trẻ con đang độ tuổi tò mò, thích bắt chước. Để các con xem những clip này thì không biết trước được điều gì", chị Ng. chia sẻ.

Trước đó nhiều kênh Youtube cũng bị phụ huynh tố cáo có những nội dung nhảm, dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ. 

Theo Pháp luật và Bạn đọc