Hiện trường vụ án thường là nơi có nhiều cảnh sát và nhân viên pháp y qua lại để khám xét tử thi, thu thập chứng cứ, chụp ảnh bố cục... Sau khi cảnh sát đã thu thập đủ chứng cứ và trao trả hiện trường cho chủ nhà, đây chính là thời điểm công việc của người chuyên lau dọn hiện trường bắt đầu.
Dọn dẹp hiện trường án mạng là một công việc đáng sợ và yêu cầu tính chuyên nghiệp cao.
Crime Scene Cleaners là một trong những công ty tư nhân chuyên lo liệu việc dọn dẹp sau khi cảnh sát đã rời đi khỏi hiện trường. Họ là những người chuyên dọn dẹp những hiện trường tai nạn, tự tử, giết người, xác phân hủy, hay tai nạn nghề nghiệp, ô nhiễm hay chất ô nhiễm độc hại của động vật.
Những người dọn dẹp hiện trường án mạng phải tiếp xúc với đủ loại vật dụng gây án, kể cả những vết máu loang lổ còn sót lại
Crime Scene Cleaning là kênh Youtube chuyên về dọn dẹp những hiện trường này. Ở đó, chúng ta sẽ bắt gặp những đoạn video tái hiện lại hiện trường một vụ án.
Trong quá trình làm việc, nhiều khi những người dọn dẹp còn có thể tìm thấy nhiều vật chứng bị giấu kín mà cảnh sát không tìm thấy.
Hiện kênh Youtube này đã có 3 phần các seri video dọn dẹp hiện trường. Trong đó, phần 1 có 52 video, phần 2 có 10 video và phần 3 có 11 video.
Josh Marsden, giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp với công việc thu dọn hiện trường các vụ thảm án từ 10 năm trước cho biết, hàng ngày anh phải đối mặt với những vũng máu loang lổ, dòi bọ bám trên tử thi.
Theo vị giám đốc này, điều khó nhất với các nhân viên dọn dẹp không phải là hiện trường đầy máu, đống rác bừa bộn hay đối phó với đám ruồi nhặng, mà là mùi tử khí nơi xảy ra vụ án. Vì vậy, họ được trang bị mặt nạ phòng độc để làm nhiệm vụ trong không gian nồng nặc mùi hôi thối.
Những người dọn dẹp phải mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ phòng độc để tránh nhiễm bệnh
Công việc lau dọn không hề đơn giản vì sau khi chết, dịch cơ thể và máu có khả năng chứa vi khuẩn gây nhiều bệnh nguy hiểm như: HIV, virus Ebola, các thể viêm gan...
Nếu trong trường hợp thi thể bị phân hủy trong thời gian dài, nhân viên lau dọn đôi khi buộc phải tháo dỡ và dựng lại sàn nhà, trần nhà, tường bao, thậm chí là ống thông khí để loại bỏ khí độc, dịch cơ thể và cả các loại giòi bọ từ xác chết.
Đôi khi họ cũng phải tự động viên mình để vượt qua công việc ám ảnh này
Những người làm công việc này thường động viên, bông đùa nhau rằng nên nghĩ những thứ ở hiện trường như tương sốt cà chua hay mỳ Ý còn sót lại sau bữa ăn. Họ cần dọn sạch để chủ nhân mới về sống mà không cần lo lắng gì.
Theo Chicago Tribune, tiền công lau dọn một căn phòng xảy ra án mạng hoặc tự tử thường từ 1.500 đến 3.000 USD, thường mất 1 - 40 tiếng.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng như xả súng hàng loạt hoặc thiệt hại công trình, chi phí dọn dẹp có thể lên tới hàng chục nghìn USD.
Theo Báo Đất Việt