Phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang dần đi vào hồi kết, ngày 3/12 tới đây, TAND Cấp cao tại TPHCM sẽ đưa ra mức án cuối cùng cho các bị cáo.

Trước đó, trong phần đối đáp đại diện VKS đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đối với quan điểm luật sư cho rằng bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đủ cơ sở được xem xét giảm nhẹ tội tham ô tài sản. VKS căn cứ Điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô chủ động nộp lại 3/4 tài sản, chủ động hợp tác, hoặc lập công lớn sẽ không bị tử hình.

Đại diện VKS phân tích, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Lan tham ô 304.000 tỷ đồng của SCB, nếu tính theo tỉ lệ 3/4 thì bị cáo phải giao nộp 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình.

Khắc phục được hơn 3/4 thiệt hại, bà Trương Mỹ Lan có thoát án tử?-1
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: TC

Trước quan điểm này của VKS, luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Lan) cho biết, tại phiên tòa bị cáo Lan đã cam kết dùng mọi tài sản có được để trả cho SCB.

Luật sư Thanh phân tích, theo bản án sơ thẩm, bà Lan đã chiếm đoạt 415.666 tỷ đồng của SCB, HĐXX áp dụng nguyên tắc có lợi trừ đi 111.570 tỷ đồng là giá trị tài sản đảm bảo được Hoàng Quân định giá và SCB chấp nhận, số tiền còn lại quy buộc bà Lan chiếm đoạt là 304.096 tỷ đồng

Theo luật sư Thanh, số tiền chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng là không chính xác. Cần phải áp dụng công thức sau để tính số tiền chiếm đoạt: 415.666 - 295.940 - 5.000 - 21.420 - 172-520 - giá trị của 440 tài sản đảm bảo chưa được Hoàng Quân định giá.

Trong đó: 415.666 tỷ đồng là số tiền dư nợ gốc Cơ quan tố tụng sơ thẩm quy kết bà Lan tham ô của SCB; 295.940 tỷ đồng là giá trị định giá 726/1.166 mã tài sản; 5.000 tỷ đồng là số tiền được bà Lan và các cổ đông nộp để tăng vốn điều lệ cho SCB; 21.420 tỷ đồng là các bị cáo và gia đình tự nguyện nộp hoặc bị buộc phải nộp lại, bị thu giữ để đảm bảo nghĩa vụ cho bà Lan; 172 tỷ đồng trong tài khoản phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ cho bà Lan; 520 tỷ đồng là gia đình bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TPHCM để khắc phục cho bà Lan.

Như vậy, số tiền bà Lan đã khắc phục hoặc nộp lại được tính đến nay là 323.052 tỷ đồng, tương đương với tỉ lệ hơn 3/4 số thiệt hại mà VKS yêu cầu. Số tiền này chưa tính đến giá trị của rất nhiều tài sản như 440 mã tài sản đảm bảo tại SCB không được Hoàng Quân định giá; 658 mã tài sản không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào tại SCB đã được Cơ quan điều tra kê biên và nhiều tài sản, khoản tiền khác.

Ngoài ra, luật sư Thanh còn cho rằng nếu HĐXX cho bà Lan 1 cơ hội sống sẽ có lợi ích như: Bà Lan phối hợp với các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết vụ án và đặc biệt là tích cực khắc phục hậu quả; nếu bà Lan được sống, các dự án đang bị đình trệ sẽ được hồi sinh, trong đó có nhiều đại dự án như Amigo (Tứ giác Nguyễn Huệ), Mũi Đèn Đỏ… mang lại nguồn thu đặt biệt lớn cho ngân sách Nhà nước.

Luật sư xin 'cơ chế đặc biệt' cho bị cáo Trương Mỹ Lan

Cùng bào chữa cho bà Lan, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang đề nghị quá trình thi hành án cần mời đơn vị thẩm định giá độc lập để mời gọi đầu tư, do đó cần buộc SCB nộp toàn bộ tài liệu, tài sản mà SCB đang giữ cho cơ quan thi hành án để các bên liên quan có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn.

Khắc phục được hơn 3/4 thiệt hại, bà Trương Mỹ Lan có thoát án tử?-2
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TC

Luật sư Trang cho biết thêm, hiện còn rất nhiều người có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho bà Lan nhưng lại đưa ra nhiều lý do để kéo dài thời gian.

Theo luật sư, nghĩa vụ trả nợ của những người này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm giảm đi nguồn tiền của bà Lan thi hành án. Vì vậy, luật sư Trang đề nghị HĐXX tuyên buộc những người này phải trả lại tiền cho bà Lan, vì nếu tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự khác thì không biết bao giờ mới được giải quyết xong để thu hồi lại tiền khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, luật sư Trang cho rằng, nếu quy kết bà Lan gián tiếp sở hữu 91% cổ phần của SCB thì vô hình trung bà Lan là chủ của SCB nên có quyền tự mình xử lý các tài sản của mình. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX cho 'cơ chế đặc biệt' để bà Lan được tham gia vào tất cả các giao dịch, xử lý tài sản trong quá trình thi hành án, khắc phục hậu quả.

Theo VietNamNet