Ngay từ những ngày đầu năm 2023, siêu chatbot ChatGPT đã nhanh chóng gây nên những trận bão công nghệ trên quy mô toàn cầu. Thật sự, những gì nó làm được hiện nay đã khiến cho người ta phải hân hoan lẫn lo âu.

Sớm xây dựng những hành lang pháp lý

Tháng 12/2022, trên tờ The Wall Street Journal (WSJ- Mỹ), ông Oren Etzioni, CEO của Allen Institute for AI - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và kỹ thuật AI, nói rằng: "Sáu tháng kể từ bây giờ, bạn sẽ thấy những điều tuyệt vời chưa từng thấy trước đây".

Ông đưa ra dự báo về ứng dụng AI như thế chỉ khoảng nửa tháng sau khi ứng dụng siêu AI ChatGPT được Công ty Công nghệ OpenAI chính thức phát hành vào ngày 30/11/2022.

Chỉ cần 5 ngày sau khi phát hành, ChatGPT - dù chỉ mới giới hạn ở một số ít nước, đã có được 1 triệu người dùng. Theo Genevieve Rock-Decter/CFA, trước đó, để có được 1 triệu người dùng đầu tiên, nhanh nhất là Instagram cũng phải mất 2,5 tháng; Facebook mất 10 tháng, Twitter mất 24 tháng, Netflix mất 41 tháng.

Theo ông Bret Winton, Giám đốc về tương lai tại ARK Venture Investment, ChatGPT đã vượt mốc 10 triệu người dùng hằng ngày chỉ sau 40 ngày ra mắt chính thức. (Instagram phải mất 355 ngày để đạt được 10 triệu người dùng đăng ký).

Đến ngày 31/1, ChatGPT đã đạt mốc 100 triệu người dùng và OpenAI ngày 2/2 bắt đầu phát hành bản thu phí ChatGPT Plus có giá 20 USD/tháng với nhiều tính năng siêu hơn bản miễn phí.

Như vậy, với trường hợp ChatGPT, ngay từ bây giờ, thế giới phải chứng kiến AI đã tới tận từng nhà và trong tay mọi người dùng rộng rãi. Trước đây hào hứng đón nhận nhưng cũng phải dè chừng với AI thì nay càng phải nâng cấp cảnh báo lên cao hơn.

Thực tế trong thời gian qua, các ông lớn công nghệ phát triển AI đã phải xây dựng những luật lệ đạo đức về ứng dụng AI - thậm chí tránh nghiên cứu phát triển AI trong một số lĩnh vực cho một số mục đích.

Khắc tinh của ChatGPT-1
Sinh viên Edward Tian - tác giả của ứng dụng GPTZero. Ảnh: INTERNET.

Báo South China Morning Post ngày 30/1 cho biết: “Gã khổng lồ tìm kiếm Internet Baidu của Trung Quốc có kế hoạch tung ra một chatbot theo kiểu ChatGPT vào tháng 3".

Giáo sư Mindy McAdams thuộc Khoa Báo chí của Đại học Florida (UF, Mỹ), một người lập trình bằng JavaScript và Python, trong một bài viết về AI trong truyền thông và xã hội hồi tháng 7/2022 cho rằng: "Có lẽ quan niệm sai lầm lớn nhất về AI là máy móc sẽ sớm trở nên thông minh như con người hoặc thậm chí thông minh hơn tất cả chúng ta.

Là một đặc điểm phổ biến trong sách và phim khoa học viễn tưởng, ý tưởng về một chiếc máy tính hoặc rô-bốt siêu thông minh chiếm một vị trí vững chắc trong tâm trí chúng ta nhưng không phải trong thế giới thực. Không một hệ thống AI nào đạt được kết quả ấn tượng lại thực sự thông minh theo cách mà con người (thậm chí cả trẻ sơ sinh) thông minh".

Trên trang công nghệ của báo WSJ, 2 tác giả Hao và Kruppa hồi tháng 7/2022 đã viết bài dài với tựa đề "Những gã khổng lồ công nghệ đổ hàng tỉ USD vào AI, nhưng sự cường điệu không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tế" phân tích việc các tập đoàn công nghệ Google, Meta và startup OpenAI đầu tư bạc tỉ vào AI.

Họ cho biết: "Các nhà nghiên cứu đã lưu ý niềm tin rằng AI đang trở thành - hoặc có thể trở thành - có ý thức vẫn còn nằm ngoài lề trong cộng đồng khoa học rộng lớn hơn".

Công nghệ AI mô phỏng bộ não con người, nhưng nó mạnh hơn bộ não con người nhờ có thể tìm kiếm, thu nạp và xử lý dữ liệu rộng lớn và nhanh như chớp mắt. Một điều cần chú ý là AI không chỉ liên tục phát triển, nâng cấp mà còn có thể tự phát triển thông qua những cấp độ cao hơn như Máy học, Học sâu…

Nếu như trước đây, người ta chủ yếu tập trung vào phát triển và ứng dụng AI, thì nay, sau khi ChatGPT ra đời, giới chuyên môn lại phải lo lắng nghiên cứu cách để kiểm soát, chế ngự, hạn chế những tác hại khi AI bị người ta lạm dụng cho những mục đích xấu, thậm chí tội phạm.

Các công ty công nghệ khác dĩ nhiên còn có thêm động lực là tính cạnh tranh, tìm cách kìm hãm sự bành trướng của đối thủ.

Theo Người Lao Động