Bi hài chuyện hướng dẫn viên du lịch nhận tiền tip
Tháng 1/2024, cặp vợ chồng Carol Leong (người Mỹ) háo hức đến Việt Nam trong chuyến du lịch trị giá 200 triệu đồng. Những ngày đầu tiên, họ vô cùng ấn tượng với ẩm thực Việt Nam, đi đến nhiều thắng cảnh đẹp và thoải mái thưởng thức các món ngon.
Tuy nhiên, chuyến tham quan ở Tam Cốc (Ninh Bình) khiến cả hai thấy "kém vui" khi họ gặp phải một tình huống liên quan đến chủ đề nhạy cảm - tiền tip (tiền boa, khoản bồi dưỡng thêm cho hướng dẫn viên).
Cả hai bị người lái đò ở Tam Cốc "vòi tiền tip", ép mua đồ lưu niệm, bị đưa về bến muộn với thái độ không mấy vui vẻ.
Câu chuyện tiền tip vì thế trở thành chủ đề nóng được nhiều người quan tâm bình luận. Từ trước tới nay, chưa có văn bản chính thức nào quy định việc du khách nước ngoài có bắt buộc phải để lại tiền tip hay không và trả con số bao nhiêu là đủ.
"Tôi cho rằng không thể coi tiền tip là một khoản bắt buộc khách phải trả. Du khách có thể từ chối không trả tiền nếu nhận được dịch vụ kém chất lượng. Việc vòi tiền tip là phản cảm", anh Đoàn Nguyễn, một du khách đến từ Nam Định, nêu ý kiến.
Mới đây, trên một diễn đàn du lịch của người nước ngoài, một du khách giấu tên đến từ Australia băn khoăn đặt câu hỏi liên quan "tiền tip cho hướng dẫn viên tại Việt Nam nên ở mức thế nào?".
"Tôi từng đọc nhiều bài viết nói rằng Việt Nam không có văn hóa tiền tip. Thậm chí có những người Việt còn nói rằng họ phản đối việc này.
Đứng dưới góc độ khách du lịch, tôi không phản đối chuyện gửi tiền tip cho hướng dẫn viên du lịch hoặc người cung cấp dịch vụ. Nhưng tôi muốn hỏi nếu không gửi tiền tip khi tới Việt Nam du lịch, điều này có bị coi là thô lỗ?", vị khách thắc mắc.
Khách Tây trải nghiệm ẩm thực ở phố Tạ Hiện (Ảnh: Toàn Vũ).
Bên dưới câu hỏi của vị khách nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ khách nước ngoài. Một tài khoản có tên Lance Tamati cho rằng "không có câu trả lời đúng hay sai trong trường hợp này mà mỗi người hãy làm những gì mình cho là đúng".
"Tôi đã gửi tiền tip cho một thợ cắt tóc tại ngôi làng gần Sapa và anh ấy rất vui. Khi hài lòng với dịch vụ, tôi sẵn lòng đưa tiền tip mà không cần gợi ý. Còn ai phản đối chuyện này, tôi không quan tâm", Tamati thẳng thắn nói.
Trong khi đó, vị khách có tên Phil Watson cho biết nếu bị vòi vĩnh tiền tip sẽ không bao giờ đưa.
"Tôi phản đối chuyện đưa tiền tip vì đây không phải là văn hóa ở Việt Nam. Nhưng với những người cung cấp dịch vụ tốt ngoài mong đợi, thì chắc chắn tôi sẽ không phụ lòng họ", Phil Watson nêu quan điểm.
Tiền tip luôn là khoản thu nhập được các hướng dẫn viên du lịch kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khoản tiền này khá nhạy cảm bởi có thể khiến du khách cảm thấy áp lực và đôi khi rơi vào tình huống như bị ép buộc "phải tip" thì mới được phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp.
Có người coi tip là một nét văn hóa nên có giúp hài hòa lợi ích của cả khách và người làm nghề du lịch. Song, cũng không ít ý kiến cho rằng hành vi này chẳng khác gì "văn hóa cửa sau" của doanh nghiệp, phải "lót tay" thì mọi việc mới "chạy tốt".
Tiền tip có thể sẽ gây khó chịu cho khách du lịch nội địa và quốc tế, ảnh hưởng đến du lịch Việt.
Anh Đỗ Ngọc Phúc, hướng dẫn viên đưa khách đi trải nghiệm Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chia sẻ về câu chuyện tiền tip với phóng viên Dân trí, anh L., một hướng dẫn viên chuyên dẫn đoàn khách nói tiếng Anh khá nổi tiếng trong ngành du lịch ở TPHCM cho biết, nhiều năm làm nghề anh đã gặp vô số câu chuyện bi hài.
Theo anh L., chuyện tiền tip có thể chia thành hai dạng. Ở trường hợp đầu tiên, nếu trong hợp đồng với khách ghi rõ giá tour bao gồm tiền tip thì phía công ty sẽ trả khoản tiền này cho hướng dẫn viên, lái xe...
Trong trường hợp còn lại, hướng dẫn viên du lịch sẽ là người nhận tiền tip từ khách. Đây là tình huống thường nảy sinh vấn đề.
Anh L. từng tiếp đón các đoàn khách Ấn Độ và gặp phải trường hợp khách nói đã tiêu sạch nên không còn tiền để tip cho hướng dẫn viên. Hoặc đôi khi họ đưa cho hướng dẫn viên những tờ tiền xấu, cũ, thậm chí không thể dùng được.
"Tôi từng gặp phải trường hợp không nhận được tiền tip nhưng sẽ không bao giờ làm gay gắt mà chấp nhận bỏ qua", anh L. nói.
Anh Quang Hòa là một hướng dẫn viên chuyên phụ trách khách du lịch nói tiếng Pháp đến từ các nước Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. Trong hơn 20 năm làm nghề, anh Hòa được vô số lần khách cho tiền tip.
Theo anh, số tiền này được du khách tự động trả theo cảm nhận, trải nghiệm cá nhân chứ chưa khi nào bản thân anh tự đòi hỏi.
Nhiều khách nước ngoài cho rằng họ sẵn lòng trả tiền tip xứng đáng nếu nhận được dịch vụ tốt (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).
"Đoàn đông từ 10 người thì mỗi khách sẽ tip cho hướng dẫn viên 2 Euro/ngày, lái xe 1 Euro/ngày. Có công ty sẽ thu tiền tip trước rồi chuyển cho hướng dẫn viên và lái xe ở Việt Nam.
Đa số khách châu Âu (đặc biệt là Pháp) sẽ tip cho hướng dẫn viên vì với họ đây là một thói quen khi tham quan ở bất cứ quốc gia nào. Với khách Mỹ, họ cũng không ngần ngại chi khoảng 10% tổng hóa đơn cho hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, những khách châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc thường không có thói quen này", anh Hòa chia sẻ.
Theo anh Hòa, thu nhập của một hướng dẫn viên đến từ 3 nguồn: Tiền lương, tiền tip và "hoa hồng" của các cửa hàng bán sản phẩm. Chính vì vậy nên đôi khi không tránh khỏi tình trạng hướng dẫn viên "gợi ý" hay "đòi tiền" tip của du khách dù khách không có ý định bồi dưỡng cho họ.
"Điều này vô tình sẽ để lại hình ảnh không đẹp về Việt Nam trong mắt du khách", anh Hòa nói.
Theo anh Hòa, một hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm sẽ biết cách khéo léo để khách vui vẻ trao tiền tip. Muốn vậy, họ phải làm việc có tâm, tận tình đồng hành cũng du khách, đem đến cho họ những trải nghiệm thú vị.
"Nếu khách cảm thấy bạn nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, khách hài lòng thì tự khắc họ sẽ rút ví bồi dưỡng cho bạn", anh Hòa nói.
Nhiều năm làm nghề, anh Hòa được anh em chia sẻ bí kíp nhận tiền tip của khách: "Nhiều người sẽ nhắc khéo khách qua lái xe, lái đò hoặc các dịch vụ khác chứ không lộ mặt".
Một nam hướng dẫn viên du lịch khác ở TPHCM từng chứng kiến trường hợp đoàn khách nước ngoài được đưa tới sân bay nhưng không đưa tiền tip.
Điều này khiến lái xe giận dữ và đóng cửa không cho khách xuống vì cho rằng đây là khoản quyền lợi của mình và khách cần thanh toán đầy đủ.
Khi được hỏi về những con số, anh L. cho rằng tùy từng trường hợp, hướng dẫn viên sẽ nhận được khoản tiền tip khác nhau. Nhưng anh tâm niệm không bao giờ làm việc theo kiểu đòi khách theo dạng "bào tiền".
"Khoản tiền tip cao nhất tôi từng nhận được là 200 USD/ngày - khoảng 5 triệu đồng. Đương nhiên không phải lần nào dẫn khách cũng nhận được con số đó. Điều quan trọng nhất, hướng dẫn viên cung cấp cho khách dịch vụ ra sao, có khiến khách hài lòng hay không.
Thay vì chuyện nghĩ xem sẽ nhận được khoản tiền tip thế nào, tôi chú trọng vào cách chăm sóc khách tỷ mỉ. Ví dụ, tôi thường để ý ngày sinh nhật của khách. Có lần, tôi bí mật mua bánh sinh nhật tặng khách đúng ngày khiến họ rất cảm động. Tôi nghĩ, khách đã có những trải nghiệm đáng nhớ vào dịp sinh nhật ở Việt Nam", anh L. tâm sự.
Theo kinh nghiệm làm nghề của anh, du khách Mỹ nằm trong nhóm khách hào phóng nhất, sẵn lòng chi tiêu "mạnh tay" để tip cho đoàn. Trong khi đó, khách đến từ Philippines, Malaysia, Indonesia lại "chơi rất đẹp". Nhóm khách này luôn để lại khoản tiền tip cao hơn so với mức quy định.
"Để nói khách cần đưa tiền tip bao nhiêu là đủ rất khó. Hiện chưa có văn bản nào quy định con số thấp nhất bao nhiêu. Nhưng với tôi, điều quan trọng nhất là làm nghề từ cái tâm. Khi mọi thứ xuất phát từ con tim, bạn không sợ bị thiệt thòi", anh L. khẳng định.
Văn hóa tiền tip ở Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cho biết, trước đây, Việt Nam không có văn hóa cho tiền tip.
Sau khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì việc tip cho hướng dẫn viên hay một số bộ phận làm dịch vụ du lịch mới trở nên thông dụng hơn. Với những khách dòng khách quốc tế từ châu Âu, châu Mỹ, không nói trước thì 100% họ vẫn sẵn lòng thêm tiền tip.
Khi tiền tip trở nên phổ biến thì nhiều hướng dẫn viên du lịch mong muốn luôn nhận được khoản tiền này. Khi không được cho tiền tip, có người nảy sinh tâm lý bất mãn, đòi hỏi.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, không nên coi tiền tip là một quy định bất thành văn bắt buộc. Việc tip hay không tùy vào từng thị trường, từng đoàn khách bởi có rất nhiều khách từ Á sang Âu, mỗi nước một văn hóa khác nhau.
Một số đơn vị lữ hành vì muốn đảm bảo quyền lợi cho hướng dẫn viên đã thông báo trước về khoản tip với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Dũng, điều này là không cần thiết.
"Điều quan trọng là phải hiểu văn hóa của khách quốc tế. Nếu nước họ có văn hóa tiền tip thì họ sẽ tip. Nếu cố tình gợi ý thì sẽ dễ làm khách phật ý", ông Dũng cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam, cá nhân các hướng dẫn viên không nên gợi ý hay có hành vi đòi tiền tip của khách. Việc thông báo về khoản tiền này nếu có nên để công ty đưa ra thông báo trước đó.
Nhiệm vụ của các hướng dẫn viên là phục vụ tận tâm, hết mình. Việc được thêm tiền tip là tốt nhưng không có cũng không sao bởi mỗi hướng dẫn viên đều có tiền công từ việc đưa đó, phục vụ khách rồi. Hơn nữa, khi một hướng dẫn viên phục vụ tốt, khách hài lòng thì việc tip cũng trở thành vấn đề nhẹ nhàng.
Theo Dân Trí