"Ăn gì mà bẩn thỉu quá vậy?"
"Ở đây có đứa ăn chay này. Bọn ăn chay biến đi nhé".
Vừa bước vào quán, Hiền Thu nghe thấy tiếng một nhân viên đứng ngay phía sau. Giọng nói như hét vào tai khiến cô gái Việt giật bắn mình. Nhưng thay vì tức giận, tất cả mọi người đều cười xòa vui vẻ với nhau vì biết đây là phong cách riêng của quán.
Còn với Thu, đây là một trong những trải nghiệm rất thú vị ở quán ăn phục vụ khách theo kiểu thô lỗ mà lần đầu cô bắt gặp kể từ khi sang Vương quốc Anh du học.
Thu tốt nghiệp đại học ở Anh vào năm 2020 và hiện sinh sống tại thành phố Birmingham (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cô gái 27 tuổi sinh ra lớn lên ở Sơn La và Hà Nội. Cô qua Anh du học từ sớm và tốt nghiệp năm 2020. Nhớ lại ngày đầu mới đặt chân tới "xứ sở sương mù", cú sốc văn hóa lớn nhất với cô gái Hà Nội là cách người Anh đối xử quá nhiệt tình.
"Người Anh sẽ thường khen một điều gì đó khi họ chú ý về người đối diện lúc chào hỏi. Và mọi câu cửa miệng của họ đều ở mức tốt hoặc hoàn hảo trở lên", Thu nhận xét.
Khi có dịp làm thêm tại các nhà hàng trong thời gian còn đi học, cô có cơ hội cảm nhận điều này rõ hơn. Đó là cách thực khách cư xử rất lịch thiệp và nhẹ nhàng. Thậm chí, khi không thực sự hài lòng với món ăn, họ vẫn dùng từ ngữ biểu thị sự dễ thương.
Trong trường hợp thấy ấn tượng, người Anh sẽ dành tặng cho đối phương "cơn mưa lời khen". Cũng trong thời gian làm nhân viên nhà hàng, cô được đào tạo rất kỹ về thái độ phục vụ với khách hàng cần lịch sự ra sao.
Cô gái Hà Nội cho biết có những trải nghiệm thú vị tại nhà hàng phục vụ theo kiểu thô lỗ ở Anh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chính vì điều này, những trải nghiệm ở "quán ăn phục vụ kiểu thô lỗ" khiến cô gái Việt thấy hoàn toàn bất ngờ.
Thu cho biết, trải nghiệm ở quán Karen's diner là một trào lưu khá nổi trong giới trẻ Mỹ, Anh và Australia cách đây một vài năm. Được một người bạn là dân bản địa giới thiệu rồi rủ đi, cô phải đặt lịch trước 2 tuần mới có chỗ vì lúc này ở Anh chỉ mới mở vài chi nhánh của chuỗi nhà hàng.
Quán ở thành phố Birmingham, nằm ngay tầng trên của ga tàu Birmingham New Street thuộc trung tâm thành phố Birmingham England. Với vị trí này, quán rất tiện lợi cho khách du lịch tới Birmingham bằng tàu điện. Bên cạnh quán có một quán cà phê mèo cũng rất nổi tiếng.
Không gian bên trong quán (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Vào các ngày cuối tuần Karen's dinner khá đông khách nên vẫn xảy ra tình trạng khách phải xếp hàng chờ được vào trải nghiệm. Theo tìm hiểu của Thu, chuỗi nhà hàng này cũng mới thành lập vào năm 2021 và mở thêm nhiều cơ sở ở Anh vào đầu năm 2022.
Cả nhóm gồm các bạn trẻ đến từ Anh, Việt Nam và Indonesia, nhưng chỉ một mình Thu là người ăn chay không dùng thịt nên cô phải nhắc riêng nhân viên khi đặt lịch.
Khi họ bước vào, thay vì có nhân viên ra chào và hỏi tên đặt bàn như thường lệ, thì ở đây, toàn bộ nhân viên quay ra nhìn khách bằng ánh mắt "rất phán xét" từ đầu tới chân.
"Cảm giác này rất mới lạ vì tôi chưa bao giờ nhìn thấy ánh mắt nào như vậy kể từ khi đặt chân tới Vương quốc Anh", Thu nhớ lại.
Chưa hết, cả nhóm phải tự tìm một nhân viên trong quán để hỏi xem được xếp ngồi ở bàn nào. Không khí bên trong quán rất ồn ào, đầy ắp tiếng cười xen lẫn những tiếng chửi thề.
Thu nghĩ rằng điều này khá thú vị bởi thông thường các nhà hàng ở Anh đều có bầu không khí khá yên tĩnh vì thực khách đều trò chuyện rất nhỏ nhẹ.
Trước khi các món ăn được dọn lên, cô gái Việt quan sát xung quanh thấy cảnh nhiều người xa lạ cùng tụ lại một chỗ để cười đùa một vị khách bị lỗi thẻ ngân hàng không thanh toán được.
Một góc khác lại có cảnh nhân viên đứng hẳn lên ghế của khách để phát biểu. Những trò đùa này không khiến khách thấy bực tức hay bị tự ái.
Khoảnh khắc nhân viên nhìn khách vào quán với "ánh mắt phán xét" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nhiều vị khách lành tính dù bị nhân viên trêu đùa nhưng chỉ biết cười trừ. Thậm chí, có những khách còn đấu với nhau xem ai "chửi thề" hay hơn. Chỗ khác lại có khách "tip nóng" cho nhân viên 5-10 bảng Anh (gần 160.000 đồng - 315.000 đồng) chỉ vì người này biết cách "phục vụ thô lỗ" hết mình.
Sau đó, một nhân viên dùng microphone nói to với cả quán về việc xuất hiện một vị khách ăn chay duy nhất đó là Thu. Tất cả đồng loạt giơ "ngón tay thối" về phía cô như một "món quà đặc biệt". Về phần mình, Thu cũng giơ ngón tay tương tự và tất cả cười to với nhau.
Dù có màn mắng mỏ người ăn chay nhưng trên thực tế nhà hàng vẫn phục vụ thực đơn riêng dành cho những người này. Điều này để thấy toàn bộ "màn kịch" phía trên chỉ là trò đùa vui của các nhân viên với khách.
"Quán ăn này không dành cho người quen với sự nghiêm túc. Thực tế tôi thấy đôi khi nói được những câu đùa kiểu này cũng là cách phần nào giải tỏa căng thẳng", Thu nhận xét.
Một số món ăn của quán (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mặc dù vậy, nhà hàng có những quy định rất rõ ràng về việc cách mắng chửi như không được chế giễu ngoại hình khách hàng, không dùng câu từ mang ý phân biệt chủng tộc, không nói đùa chuyện kích dục, không vứt ném đồ ăn...
Ngoài việc cung cấp dịch vụ lạ, quán chủ yếu phục vụ bánh burger, khoai tây chiên và bò bít tết cũng như một số món dành cho người ăn chay. Cô gái Việt thấy đồ khá ngon, giá cả hợp lý so với vị trí một nhà hàng ở khu vực trung tâm. Nhóm của cô 5 người, tổng hóa đơn hết 45 bảng Anh (2,3 triệu đồng).
Thu cho rằng đây là một nơi rất đáng để trải nghiệm khi tới Birmingham. Tuy nhiên thực khách khi tới đây cần có sẵn lượng kiến thức vừa đủ về văn hóa người Anh và châu Âu, có thể nghe hiểu tiếng Anh ở mức trên cơ bản sẽ có trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Theo Dân Trí