Khi đàn chim trở về: Những câu chuyện ít ai biết của các du học sinh Việt

Nằm trong khuôn khổ dự án nhiếp ảnh When The Birds Fly Home (Khi đàn chim trở về), những du học sinh Việt này thật sự đã có cơ hội để nói lên nỗi lòng mình.

Thời gian gần đây, dự án nhiếp ảnh When The Birds Fly Home (Khi đàn chim trở về) đặc biệt thu hút rất đông các bạn trẻ, đặc biệt những ai đã và đang là du học sinh. Đây là một dự án nhiếp ảnh kể chuyện với mục đích tìm hiểu về cuộc sống của các du học sinh Việt Nam sau khi về nước sinh sống và làm việc. Và ngày 17/7 vừa rồi, dự án đã mở cuộc triển lãm đầu tiên.

Không gian buổi triển lãm.

Với mục đích nhằm trả lời những câu hỏi mà mỗi du học sinh Việt Nam, hay sinh viên quốc tế từ bất cứ nơi nào trên thế giới đều trăn trở: "Ở hay về? Nếu trở về, chúng ta sẽ thuộc về đâu? Tái hoà nhập khó khăn như thế nào? Liệu cái giá phải trả có xứng đáng hay không?"... triển lãm và buổi tọa đàm đã thu hút rất đông khán giả. Họ đến, để xem 35 bức ảnh, với 35 câu chuyện của 35 nhân vật là du học sinh đã về nước, với vô vàn những kỷ niệm, trăn trở và bài học có thật.

Những gương mặt trong BTC.

Đến với triển lãm lần này, rất nhiều du học sinh đã có cơ hội bày tỏ câu chuyện, cuộc sống của mình, qua đó truyền cảm hứng cho những thế hệ sau. Chúng ta có thể thấy trong số những khách mời, có rất nhiều cái tên quen thuộc như Tiến sĩ và Tác giả Đặng Hoàng Giang, MC và Biên tập viên Diễm Quỳnh, Youtuber Huyme và D-Crown Nguyen... Họ đã mang đến vô số các chia sẻ thú vị.

Triển lãm đã thu hút rất đông các bạn trẻ tham gia.

D-Crown Nguyễn Minh Đức, DHS Mỹ và Singapore.

Nhà báo Diễm Quỳnh.

Tiến sĩ và Tác giả Đặng Hoàng Giang.

Được biết, dự án When The Birds Fly Home được thực hiện bởi hơn 20 thành viên là học sinh, sinh viên đã và đang theo học tại khắp nơi trên thế giới, trong đó Trưởng BTC là Trần Khánh Linh, sinh viên năm ba ĐH Oberlin, Mỹ. Dự án được thực hiện bằng hình thức gây quỹ, và sẽ tiếp tục thực hiện buổi tọa đàm vào ngày 23/7 tới đây.



Hãy xem qua một vài câu chuyện ấn tượng nhất của những du học sinh Việt được chia sẻ trong dự án này nhé.

"Mình chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các nền văn hoá phương Tây, cho nên nhận thức và suy nghĩ của bản thân cũng thay đổi khá nhiều sau khi đi du học. Khi làm phim hay video, mình thường hay áp dụng những kiến thức mà mình đã học hỏi được bên kia vào trong những sản phẩm của mình. Đây là một lợi thế, nhưng cũng là một khuyết điểm không nhỏ bởi thị hiếu nói chung của khán giả Việt Nam vẫn còn phần nào hạn chế. Mọi người đang ở trong giai đoạn bắt đầu làm quen với các hình thức giải trí mới, nên với những du học sinh về nước như mình thì vẫn còn nhiều khó khăn. Dù sao mình sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi phong cách mà mình đã chọn..." - D-Crown Nguyễn Minh Đức, DHS Mỹ và Singapore.

"Trường hợp của mình khá là đặc biệt, đúng ra là đi làm ở Trung Quốc nhưng vì trục trặc visa nên phải quay về Việt Nam và làm từ xa suốt cả năm nay. Vậy nên lúc nào mình cũng ở trong một tâm trạng thấp thỏm chờ đợi rằng mình sẽ sắp đi. ... Nhiều lúc cũng cảm thấy ngột ngạt chỉ vì hàng ngày một mình đối diện với bốn bức tường, và tất cả những giao tiếp mình có là thông qua skype và điện thoại. Mình cũng không thể lên kế hoạch dài hạn cho bất cứ chuyện gì vì lúc nào cũng trong tình trạng bấp bênh và chờ đợi. 

Nhiều lúc mọi người hỏi: "Tháng sau mày làm gì, có muốn đi du lịch không?" Mình cũng chỉ biết cười trừ: "Tao còn không biết lúc đó tao đang ở đâu nữa mày ơi." Tuy là đôi lúc thấy khó khăn như thế, nhưng đổi lại mình trở nên linh hoạt hơn rất nhiều và có thể ứng phó với biến cố một cách tốt hơn. Rồi cũng nhờ thế mà năm nay được ở gần với ba mẹ, cuối tuần rảnh rỗi lại xách ba lô lên đi du lịch Việt Nam, tự do tự tại mà lại không mang tiếng thất nghiệp. Quả thật thì trong cái rủi cũng có cái may đúng không?" -  Lữ Hồng Loan | DHS Mỹ | Nghiên cứu viên Marketing: "

"Mình biết là người châu Á thích da trắng. Ở trường thì mình cũng được học rằng chuẩn mực sắc đẹp của thế giới lúc nào cũng là châu Âu, lúc nào cũng là người da trắng. Nó thế từ bao nhiều thế kỉ nay rồi và đến bây giờ vẫn chưa thay đổi được. Và mình nghĩ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cái đấy quá nhiều, truyền thông của Việt Nam rất hạn chế, ít khi quảng bá một cái tinh thần "tôi tự hào vì tôi là người châu Á." Nếu bạn lên đọc báo mạng thì sẽ thấy các tít như là cô bạn này nổi vì khuôn mặt quá Tây hay là cô bạn kia con lai cực kì xinh. 

Tại sao người ta lại xinh? Tại sao người ta lại Tây? Nhưng mà tôi là người châu Á, tại sao tôi lại không tự hào vì tôi giống người châu Á mà nghĩ là tôi đẹp bởi vì tôi giống Tây? Vì những suy nghĩ như thế mà những cái như sự cuồng phương Tây hay phân biệt chủng tộc lại càng nặng thêm... Có rất nhiều câu hỏi về những gì mà mình thấy không ổn đối với người trẻ bây giờ. Nó không mang lại cho người ta cái suy nghĩ tích cực về bản thân mình. Mình làm trong mảng thể hình thì mình càng biết." Lê Như Anh | Studied in Hungary | CEO Days Like This Fitness.


"Có một cái mà các bạn đi du học về nên để ý, chính là đừng nên tự tin quá. Tự tin rất tốt, đem đến cho mình cảm giác chín chắn, mình biết là mình có thể mang lại những gì cho công ty. Nhưng hãy đi hỏi các anh chị cùng làm ở môi trường đó: "Liệu em làm việc như thế này thì mức lương em nhận được là bao nhiêu?" Hãy đi hỏi chứ đừng tự suy nghĩ, tự giả định là mình sẽ nhận được cái này cái kia. Nhiều khi mình đi du học về, thu nhỏ mình lại một chút, dừng lại xem xung quanh hiện tại đang như thế nào thì sau đó khi mình vào môi trường làm việc sẽ được người ta yêu mến, được giúp đỡ nhiều hơn. 

Tại vì người Việt Nam có một đức tính rất tốt. Đấy là luôn luôn giúp đỡ những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn hoặc là thiếu kinh nghiệm hơn. Nếu mà mình tỏ ra mình rất nhiều kinh nghiệm thì khi mới vào người ta sẽ nghĩ: "Ơ, nó biết hết rồi. Mình chả cần phải giúp nó cái gì cả." Thì như vậy mình sẽ bị thiệt. Trong khi đó mình cứ hỏi, tại vì người ta rất thích được hỏi, người ta cảm thấy là: "Ôi, mình biết nhiều hơn người kia. Người ta muốn hỏi mình đấy." Thì đấy là cái mình nên tận dụng, để tốt cho mình hơn." - Lê Phương Ly | Studied in the USA | Phụ trách Đối tác tại Ogilvy T&A.

"Mình hoà nhập khá là khó vì ở Việt Nam còn nặng về phong kiến, truyền thống, những cái mới thường khá chậm mới được chấp nhận. Ví dụ như mình làm YouTube channel thì nhiều lúc dùng tiếng Anh. Ở các nước Châu Á khác như Thái Lan, Singapore, các blogger của họ cũng dùng tiếng Anh để mang tính tương tác quốc tế và người xem rất cởi mở với chuyện đó. Ở Việt Nam, thì thậm chí Tiếng Anh đã được đưa vào chương trình cấp 1 rồi, đúng không?

Nhưng mình không hiểu tại sao mình nói tiếng Anh lại bị chửi. Đúng nghĩa là chửi luôn vì rất khiếm nhã. Kiểu chửi như là mất gốc rồi này nọ. Mình không phải là nói tiếng Việt lẫn tiếng Anh, hay giả bộ quên mất tiếng Việt. Tiếng Việt của mình vẫn... hoàn hảo (cười). Mình nói tiếng Anh thì hoàn toàn sử dụng tiếng Anh luôn chứ không trộn lẫn. Mình không coi ngôn ngữ là rào cản. Ngôn ngữ nên là cánh cửa để các nền văn hóa giao thoa, tại sao chúng ta phải tự đóng cánh cửa đó lại?"

"Vậy tại sao chị lại quyết định trở về Việt Nam ạ?"

"Vấn đề quan trọng là mình hợp với lối sống nào hơn. Chả hạn mình không thích cuộc sống mà vật chất thì có nhưng tinh thần thì không. Nhưng nếu bạn hài lòng, thỏa mãn hơn với đời sống bên đó thì bạn có thể ở lại. Còn nếu lúc nào bạn cũng tò mò và hứng thú muốn xem mình làm được những gì nếu về, thì cứ về đi, đừng sợ. Thực sự nếu bạn giỏi, bạn về đất mẹ của mình, thì đất mẹ lúc nào cũng là nơi nuôi dưỡng cho các cây xanh tươi." - Lê Đào Ánh Ngọc | DHS Mỹ | Beauty Blogger Cin City.

"Trong 10 năm đi học, lúc nào mình cũng rất sợ, một nỗi sợ hãi luôn thường trực trong mình: "Chả may đang thi hoặc có việc rất quan trọng ở đây, mà nhà có việc, thì mình sẽ luôn bị kẹt ở giữa." Hôm đấy, mình vừa đi Mỹ về vào buổi sáng. Buổi tối ở Anh, mình đang ngủ thì tự dưng bật dậy. Lúc ấy mình mở điện thoại ra, thấy chị dâu nhắn cho mình là: "Vân ơi em về ngay!" Không biết chuyện gì đang xảy ra, mình gọi điện về cho chị đầu tiên. Chị nói là bố mình bị đau tim, đang trên đường từ Cao Bằng về, bảo mình về nhanh lên. Mình bấn loạn gọi điện cho mẹ. Mẹ mình giọng lúc đấy rất khan, bảo: "Ừ, nếu mà được thì con đặt vé máy bay về luôn nhé! Con về nhanh lên!" chỉ vậy thôi chứ không nói thêm gì cả. 

Khi đó là 2h sáng, mình cuống cuồng đặt chuyến bay gần nhất lúc 8h sáng và nối chuyến ở Paris. Mình chỉ nghĩ bố bị đau tim, khi về sẽ thấy bố trong bệnh viện. Ngồi ở sân bay Paris 6, 7 tiếng, mình cứ đờ mặt ra vì không biết chuyện gì đang xảy ra. Người như ngồi trên đống lửa, mỗi giây phút trôi qua rất lâu. Đến lúc máy bay về đến Việt Nam, mình cảm thấy những giây phút này là những giây phút bình yên cuối cùng, vì mình cảm giác khoảnh khắc máy bay hạ cánh, mọi thứ xảy ra không như ý muốn, tất cả sẽ đảo lộn hết. [...] Hạ cánh, cô cậu lên đón mình. Nhìn thấy mình, cô bảo: "Khổ thân Vân quá!" Lúc ấy tất cả mọi thứ ào hết ra. Mình vẫn nhớ khi về nhà, mình hỏi: "Mẹ ơi bố ở đâu, bố ở trên tầng hả mẹ?" Mẹ nhìn thấy mình, ôm mình rồi khóc, bảo: "Bố đang ở trong bệnh viện rồi con ạ." Bố mình mất trên đường từ Cao Bằng về. Nỗi sợ mình có trong 10 năm mình đi học tự dưng thành sự thật." - Bùi Cẩm Vân | DHS Singapore, Anh | Phó Giám đốc Vận hành Up Coworking Space.


Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao