Chị Nguyễn Ngọc Loan (54 tuổi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn nhớ như in ký ức đẹp đẽ mấy chục năm về trước với anh hàng xóm Thi Bách Hiền.
Anh Hiền, chị Loan trong ngày cưới cách đây mấy chục năm
Luyện bồ thành xạ thủ
Chị Loan ngày xưa là một tiểu thư xứ Huế, gia đình sống trên đường Phan Đăng Lưu (phường Phú Hoà, TP Huế). Lúc học cấp 3, xóm chị có một gia đình ở xa chuyển tới, mua căn nhà ngay phía sau lưng nhà chị.
Vì nhà cũ kỹ nên họ thuê một phần nhà chị ở tạm trong thời gian chờ sửa chữa. Gia đình ấy có một anh con trai hơn chị bốn tuổi, chỉ chạm mặt mấy lần lúc chị đi ngang qua bếp. Mấy tháng sau, nhà anh này chuyển ra, trở thành hàng xóm chính thức.
“Món quà cưới hồi đó tụi tui tặng nhau là một va li thư. Từ những viên đạn giấy cho tới bức thư gửi qua bưu điện, chúng tôi vẫn giữ vẹn nguyên. Lâu lâu lại lôi ra đọc, kể cho con nghe câu chuyện tình của bố mẹ để ký ức đẹp đẽ không mờ phai. Và cũng để con biết trân quý cảm xúc, tình cảm của mình, của người mà sau này con sẽ yêu thương”, chị Loan trải lòng.
Hồi đó, tới mùa 20/11 và cuối năm, học trò lại rộn lên chuyện làm báo tường, áp phích, thiệp chúc mừng… Chị Loan thấy anh hàng xóm hay ôm giấy và cây cọ ngồi vẽ suốt ngày, đoán là dân hoạ sĩ, chị đánh liều sang nhờ. Lần một, lần hai rồi… hở ra là nhờ, kiểu như khoán hết bài vẽ cho anh.
Mỗi lần vẽ xong đều trả công cho anh một bao thuốc lá. Dạo ấy mới biết anh tên Thi Bách Hiền. Anh Hiền lành tính như tên gọi, lúc nào cũng điềm đạm, ân cần. Cứ hè tới anh tập hợp mấy đứa nhỏ lại đi tắm sông, tập bơi, tối đến ngồi kể chuyện ma, trong đám ấy hiển nhiên có chị.
Lúc chị Loan vào đại học cũng là thời điểm gia đình anh bàn tính để sang Mỹ định cư, ai cũng cần trau dồi tiếng Anh cho hành trình sắp tới. Trời đất run rủi đẩy hai người vào chung một lớp học thêm tiếng Anh trong thành phố.
“Tiếp xúc với anh nhiều hơn, tôi thấy quý anh lắm. Một người chừng mực, hiền lành và tỏ ra rất người lớn, khiến mình an tâm”, chị vẹn nguyên cảm xúc.
Còn anh Hiền thì nhớ như in, hồi đó ai đi học tiếng Anh đều thuộc nằm lòng bài hát Knock Three Times, trong bản ấy có đoạn tạm dịch: Hãy gõ cửa 3 lần trên trần nhà nếu bạn muốn gặp tôi.
“Dân học ngoại ngữ ngày xưa đắm đuối với cái bài này lắm, cặp nào đang cưa cẩm nhau cũng dùng chiêu 'knock three times' hết, dù biến tướng qua thành… tróc cái lưỡi 3 lần. Hồi đó mình thích Loan, lần nào muốn gặp em là 'tróc tróc tróc'. Ở nhà thì ra ban công, lên trường thì đứng dưới sân phát ám hiệu”, anh kể.
Chị Loan xen vào, có bữa gần tan học, mấy anh bồ của nữ sinh ngoại ngữ lớp chị tới đứng đầy hành lang ra ám hiệu “tróc tróc tróc” làm ông thầy phát bực, mắng:
“Tụi hắn đứng một rừng dưới sân, bây hẹn cái chi mà hẹn dữ rứa. Có hẹn thì cũng chờ học cho xong đã chứ. Tróc tróc rứa thì học hành chi vô!”.
Anh Hiền (bìa trái), chị Loan và con trai
Ngoài những lúc ngồi cạnh nhau trên lớp, đôi tình nhân hàng xóm chủ yếu gặp nhau qua ban công. Nhà chị Loan 3 tầng, chị ở tầng 3, ban công sau hướng thẳng vào ban công tầng hai phía trước nhà anh Hiền.
Mỗi lúc nhớ nhau cả hai ra đấy, nhìn nhau một chút rồi vào. Có mấy đợt hẹn hò đi chơi, hai người đưa ám hiệu giờ giấc bằng tay, hai ngón hai giờ chiều, ba ngón ba giờ chiều.
Đợt nọ, cả hai hẹn gặp nhau lúc ba giờ chiều ở cửa Đông Ba, mà nhìn khuôn miệng thế nào đó một người lại nhầm sang chợ Đông Ba. Mỗi người đi một ngả, không gặp được nhau, chị Loan giận mất một tuần.
Những cánh thư của đôi tình nhân hàng xóm được gìn giữ mấy chục năm qua
Sau lần ấy, anh Hiền quyết tâm luyện cho chị Loan thành… xạ thủ để hẹn hò trăm lần trăm trúng. Anh đi mua dây thun về bày cho chị bắn. Đạn là tờ giấy gấp nhỏ. Hướng bắn của chị từ tầng 3 xuống tầng 2, cự li tầm 5 mét.
Đào tạo mất mấy ngày trời, anh Hiền tá hoả vì suốt ngày bị xạ thủ găm đạn lia lịa vô nhà mình. Mở đạn ra toàn là giờ hẹn hò, hỏi thăm nhau, có khi giận cũng bắn đạn.
Thương “bé Loan” như ngày đầu
Lĩnh đạn chưa được bao lâu, chuyện tình của anh chị bị bại lộ vì bị đứa bạn cùng lớp mách mẹ anh Hiền hai người trốn học tiếng Anh đi uống cà phê.
Mẹ anh biết chị từ thuở thuê nhà, chấm điểm chị chưa cao vì không biết nấu ăn. Nhưng chị là tiểu thư, nhà có người giúp việc, chẳng bao giờ phải đụng tay. Anh Hiền khuyên chị nên tập tành nấu nướng, chị bướng bỉnh kêu “không thích nấu chứ không phải không biết nấu”, dù lòng vẫn hiểu mẹ anh lo cho anh sau này sẽ khổ.
Anh vào Đà Nẵng làm, hai người hai ngả. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, điện thoại còn xa xỉ, mỗi lần muốn nghe giọng chị anh phải lên bưu điện xếp hàng, đợi kết nối vùng, mất cả tiếng mới được gặp người thương.
Chị Loan lôi ra từ ngăn tủ, đếm tới gần cả trăm lá thư mà hai người ở Huế và Đà Nẵng gửi cho nhau cách đây mấy chục năm, đọc lại vẫn xốn xang và đẹp đẽ. “Hồi đó yêu nhau thuần khiết, nặng sâu lắm. Đúng y chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời”, chị hồi tưởng.
Ra trường một năm, nhà anh Hiền sang thưa chuyện cưới xin. Hai nhà thông gia vừa môn đăng hộ đối, vừa được lòng nhau vì bên nào cũng sống tử tế, đạo đức.
Cưới nhau xong, vì quá gần, mẹ chồng cho chị Loan ở luôn nhà mẹ đẻ, không phải làm dâu ngày nào vì quan điểm của bà con hạnh phúc thì bà hạnh phúc. Anh chị lại dắt díu nhau vào Đà Nẵng lập nghiệp và ở cho tới bây giờ.
Ngồi trò chuyện, tôi nghe anh Hiền cứ gọi vợ là “bé ơi”, “bé Loan” dù hai người đã gần 60 tuổi. Mắt anh đong đầy yêu thương, bảo mấy chục năm qua vẫn gọi vợ như thế, như ngày đầu gặp gỡ.
Anh biết chị là “cô bé” còn vụng về, từ cái lần ôm mâm chén loạng choạng đi từ nhà trên xuống bếp mà anh lén thấy lúc mới biết nhau, từ nối bánh canh đặc như mì xào lúc mới nên nghĩa vợ chồng… cho tới những mẻ bánh khởi nghiệp thất bại ngày hôm nay.
Nhưng có là gì, khi anh yêu thương chị và chị cũng một lòng với anh, cùng anh qua biết bao thăng trầm. Còn chị, biết mình may mắn có một người chồng tâm lý và bao dung cho những vụng về của mình, đã không ngừng cố gắng để vun đắp hạnh phúc gia đình.
“Chìa khoá giữ lửa là bữa cơm gia đình. Cả ngày hai vợ chồng đi làm, con đi học mỗi người một nơi, ai cũng bận bịu nhưng chiều về cả ba cùng vào bếp phụ nhau nấu ăn. Bữa cơm là sợi dây kéo cả nhà gần nhau hơn”, chị nói.
Theo Tiền Phong