Đỉnh mù sương là phim Việt mới nhất ra rạp. Tác phẩm hành động của đạo diễn Phan Anh được ghi nhận vì đảm bảo liều lượng võ thuật, không ít động tác tài nghệ từ những ngón võ nhà nghề đã được trình diễn trên màn ảnh. Nhưng phim cũng nhận nhiều chê bai về kịch bản, nội dung thoại và đặc biệt là đài từ ở mức thảm họa của một số diễn viên, trong đó có nam chính Peter Phạm (vai Phi).
Hạn chế của Đỉnh mù sương nối dài câu chuyện muôn thuở về đài từ (tiếng nói của diễn viên trong thể hiện nhân vật) của điện ảnh Việt. Không ít diễn viên có lợi thế về ngoại hình, thậm chí cả diễn xuất nhưng chỉ cần cất giọng là tự đánh mất đi thiện cảm của người xem.
Hồng Vân và Lê Khanh được khen ngợi về đài từ trong phim Gái giá lắm chiêu 3.
Nhận biết đài từ hay - dở
Phân định đài từ hay - dở của các diễn viên Việt, không cách nào tốt hơn là chọn một bộ phim đa dạng về giọng nói, vùng miền và thế hệ. Phần 3 của Gái già lắm chiêu, ra mắt dịp đầu năm nay có thể được coi là trường hợp điển hình.
Phim tạo đất cho giọng nói của cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, nhân vật thuộc ba thế hệ khác nhau: già, trung niên và trẻ. Và đài từ của diễn viên trong thể hiện nhân vật cũng phân làm ba cấp độ: xuất sắc, tròn vai và thảm họa.
Nhận định xuất sắc, theo nhiều người quan sát, thuộc về hai NSND: Hồng Vân và Lê Khanh.
Là một diễn viên sinh ra ở miền Bắc, trưởng thành ở Nam Bộ nhưng trong vai Mệ Nội, Hồng Vân phải nói hoàn toàn bằng giọng Huế.
NSND Hồng Vân thuyết phục khán giả vì đài từ rất tự nhiên, chẳng những phù hợp với tính cách nhân vật mà còn thoát hoàn toàn khỏi lối thoại của kịch nghệ mà nhiều diễn viên xuất thân sân khấu mắc phải. Vai diễn sau đó cũng đã giúp Hồng Vân đoạt giải Cánh diều vàng hạng mục Nữ phụ điện ảnh xuất sắc, ở tuổi 64.
Nếu Hồng Vân mang đến những cái “e” trong chất giọng đất Thần Kinh, Lê Khanh lại ấn tượng với cách nói đài các, sang trọng, tròn trịa của người Hà Nội.
Ngay đầu phim, nhân vật Thái Tuyết Mai có câu thoại: “Con công phải ra con công, con phượng phải ra con phượng. Còn bản chất là vịt là ngan thì làm sao ra cốt cách của công, của phượng cho được”. Đài từ của Lê Khanh chắc nịch và đanh thép trong câu thoại đầy tính hình ảnh. Giọng nói và nét diễn song hành của chị khiến sự tái xuất màn ảnh sau 20 năm trở nên đặc biệt ý nghĩa.
Thái Tuyết Mai của Lê Khanh nắn nót trong từng câu chữ. Trong cuộc đối thoại với nhân vật Ms. Q (Ninh Dương Lan Ngọc), giọng của nữ NSND có nhu có cương, khi buông khi nắm, vừa rắn vừa mềm. Trong khi, giọng của Ninh Dương Lan Ngọc lại mảnh và chói.
Đài từ của Ninh Dương Lan Ngọc có những hạn chế nhất định, song, cô vẫn có thế mạnh về diễn xuất. Sự thể hiện tệ nhất ở Gái già lắm chiêu 3 thuộc về Jun Vũ với đài từ thuộc hàng thảm họa. Lối nói thô, rời rạc, bản năng vừa không ăn nhập với nhân vật vừa dễ lu mờ khi phải tung hứng với bạn diễn có đài từ tốt.
Peter Phạm gây ấn tượng về ngón võ nhưng bị chê thoại như trả bài. Ảnh: Duy Anh.
Chuyện không chỉ của Jun Vũ hay Peter Phạm
Jun Vũ sở hữu gương mặt khả ái với những đường nét rất điện ảnh, cùng đôi mắt đẹp, có hồn. Lợi thế này giúp cô có được nhiều cơ hội diễn xuất, không ít đạo diễn đã "chọn mặt gửi vàng", cho những vai nhiều đất diễn.
Trong khoảng 2 năm trở lại, Jun Vũ đã tham gia ít nhất 4 phim điện ảnh: Tháng năm rực rỡ, Người bất tử, Ngốc ơi tuổi 17, Gái già lắm chiêu 3… Nhưng do những hạn chế thấy rõ về diễn xuất và đài từ, sự nghiệp của nữ diễn viên chưa bứt phá.
Đáng nói, những nhược điểm về giọng nói không được cải thiện qua thời gian. Chất giọng đều đều, ít biểu cảm, thiếu cảm xúc của nữ diễn viên 9X trải từ phim này qua phim khác.
Nhưng Jun Vũ không phải trường hợp duy nhất, điện ảnh Việt có nhiều nữ diễn viên có lợi thế mạnh về ngoại hình, thậm chí diễn xuất không hề tệ nhưng cất giọng là mất điểm. Chi Pu, Thanh Hằng hay trước đó là Trương Ngọc Ánh, Mai Thu Huyền, Nhã Phương, Vũ Ngọc Anh... là loạt ví dụ.
Đài từ hạn chế đôi khi cản trở sự thành công trọn vẹn của vai diễn mà Chị chị em em dịp cuối năm ngoái là minh chứng tiêu biểu.
Chi Pu và Thanh Hằng đều đảm trách vai khó trong phim. Cả hai gây ấn tượng vì “chemistry” ăn ý, lột tả tính cách nhân vật qua nhiều dạng cảm xúc nội tâm. Nhưng khả năng đài từ nhận phản ứng trái chiều. Trong khi nhân vật của Thanh Hằng thậm chí còn làm nghề MC của đài phát thanh thành phố. Nếu sở hữu giọng nói điện ảnh tốt, vai diễn của cả hai có lẽ đã thuyết phục hơn.
Tương tự, vai Phi của võ sĩ Peter Phạm trong Đỉnh mù sương mới đây được cho là sẽ nhận phản ứng tích cực hơn nếu anh sở hữu giọng nói có biểu cảm và thực sự “sống” với nhân vật. Song, đôi mắt sắc lạnh và ngón võ tài hoa đã không cứu được vai diễn khi đài từ của diễn viên dừng trong nỗi thất vọng nặng nề.
Ngay những câu thoại đầu tiên của phim, Peter Phạm đã chứng minh cho nhận định về lối thoại non nớt, hời hợt, như trả bài.
Trong một cảnh quay, giữa tình huống "nước sôi lửa bỏng", đang bị truy đuổi, Peter Phạm thoại nhát gừng, như đọc: "Chúng ta phải đi tiếp thôi". Từ đầu đến cuối phim, anh gần như giữ tông giọng giống nhau, chậm rãi trong mọi cuộc đối thoại, bất kể người thân quen, cộng sự hay phía kẻ thù, đối thủ.
Ngoài nam chính Peter Phạm, một số diễn viên khác trong Đỉnh mù sương cũng gặp hạn chế về khả năng diễn xuất bằng giọng nói, dẫn đến hậu quả là một bộ phim hành động nhưng ở nhiều cảnh, thoại phim gần như… bất động.
Quang Tuấn cho rằng đài từ tốt là khả năng có thể ứng biến tùy dạng vai, tùy góc độ của nhân vật. Ảnh: Bá Ngọc.
Đài từ hạn chế có cải thiện được không?
Thực tế thị trường cho thấy nhiều diễn viên bị chê về đài từ qua nhiều phim nhưng không có dấu hiệu cải thiện. Nhưng cũng có không ít gương mặt điện ảnh nhờ rèn luyện đã khắc phục được nhược điểm của giọng nói bản năng, hoàn thiện và tỏa sáng với nghề.
Trước câu hỏi: "Đài từ hạn chế có cải thiện được không?" của Zing, diễn viên Quang Tuấn trả lời: “Được chứ. Đài từ hoàn toàn có thể cải thiện được”.
Quang Tuấn vừa có vai diễn trong Bằng chứng vô hình. Dù nhận những ý kiến khen chê về diễn xuất, đài từ của Quang Tuấn trong phim là khía cạnh được ghi nhận.
Nam diễn viên cho biết để có được giọng nói hôm nay, bản thân anh phải dành công sức rèn luyện, khắc phục hạn chế của chất giọng bản năng.
“Ngày xưa tôi bị chê giọng nói vì tôi là người Quảng Trị, đặc trưng của người miền Trung là nói rất nhanh nên khi vào nghệ thuật, mình phải sửa. Các cô chú đi trước bảo nếu tôi muốn làm nghề thì phải hòa nhập được ngôn ngữ. Sau đó, tôi đi tập hát cải lương để học giọng nói có âm hưởng miền Nam. Tiếng nói của tôi giờ khác xưa nhiều, người cũ lâu ngày không gặp còn bảo không nhận ra”, nam diễn viên tiết lộ.
Quang Tuấn cũng nhấn mạnh: “Đài từ đối với diễn viên rất quan trọng. Đài từ tốt là khả năng có thể ứng biến tùy dạng vai, tùy góc độ của nhân vật”.
Nhiều ý kiến cũng đồng thuận rằng đài từ tốt không hẳn là “tròn vành rõ chữ”. Quan trọng hơn cả là sự biến hóa với nhân vật, nhập tâm vào vai diễn, kỹ thuật nhưng chân thật, tự nhiên mà không bản năng.
Theo Zing