Khi người trẻ nghiện văng tục, chửi bậy

Khi dự thảo về việc phạt khi chửi tục nơi công cộng được đưa ra, không ít người trẻ đã phản ứng dữ dội. Có thể vì họ không tin vào tính khả thi của nó, và cũng có thể vì họ đã coi chửi bậy như chuyện cơm bữa...

Ngày trước, hiện tượng văng tục, chửi bậy của một bộ phận giới trẻ được báo chí và các phương tiện truyền thông “ưu ái” quan tâm, đặt lên bàn nghiên cứu, phân tích nguyên nhân và mổ xẻ biện pháp. Đã có quá nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, phỏng vấn… về vấn đề nói tục, chửi bậy, và cũng không ít các thầy giáo, giáo sư, chuyên gia tư vấn tâm lý – văn hóa đăng đàn nêu lên nguyên nhân của việc “chửi bậy như hát hay” ấy.

Thế rồi những lời phân tích, những bài phỏng vấn nghiên cứu bỗng ít dần, và mất hẳn trên mặt báo. Cứ tưởng vì hiện tượng nói tục chửi bậy đã giảm để không còn đủ độ “hot” cho báo giới, tuy nhiên, sự thật phũ phàng hơn nhiều.

Bây giờ, đến bất cứ nơi công cộng nào, hoặc lên mạng, vào các trang mạng xã hội lẫn forum, diễn đàn nơi để comment mở, đều dễ dàng bắt gặp những câu chửi thề, nói bậy với mức độ “bậy đến kinh dị”. Chửi bậy, nói tục đã đạt “level” đỉnh cao, nghĩa là rất nhiều người trẻ nghiện nói bậy và cho rằng “Thời buổi này, nếu không nói bậy mới là có vấn đề”.

Thật ra, chỉ khoảng 20% số người nghiện chửi bậy là “ăn vào máu”, từ tuổi vị thành niên đã mở mồm ra “phụ khoa văng đầy mặt”. Còn 80% kia, đều do lây nhiễm từ môi trường xung quanh. Đừng nói bạn không bao giờ nói bậy nếu như xung quanh bạn toàn những người sẵn sàng “Đ.m”, “con mặt này mặt kia”. Sự lây lan còn hơn cả virus ấy khiến hiện tượng văng tục, chửi bậy không còn xa lạ, nó “gần gũi” với đời sống xã hội, trở thành điều quá bình thường đến nỗi chẳng ai còn bận tâm đăng đàn nghiên cứu về nó, trừ khi xảy ra trường hợp đặc biệt kiểu “Sốc với cô gái lên Facebook chửi mẹ”, “Nữ sinh chửi bà trên mạng”, hoặc “Học sinh chửi bậy luôn trong bài kiểm tra”…

Một dòng chửi bậy dạng "thường" trên mạng xã hội

Không chỉ các nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục mới biết chửi bậy là hành động xấu xí, là buông lỏng văn hóa, mà ngay cả những “con nghiện” cũng thừa hiểu việc nói bậy chẳng tốt đẹp gì. Thế nhưng, chính vì đã coi chuyện “văng” là bình thường, nên họ cũng không quan tâm việc “cai nghiện”. Bởi, theo họ, nói bậy “chẳng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, chỉ là xả stress, là vui đùa.

Một buổi chiều đầu tháng 6, khách hàng ngồi giao dịch trong chi nhánh ngân hàng B tại phố TT tỏ ra mệt mỏi vì cái nắng chói chang, oi bức ngột ngạt mặc dù điều hòa vẫn hoạt động hết công suất. Bỗng nhiên, chất giọng ồm ồm vang lên từ bàn số 3, một thanh niên ăn mặc đẹp, gương mặt sáng sủa vừa giao dịch chuyển tiền, vừa alô với bạn“Thật à? Đ.m hãm quá nhỉ. Thôi tao chuyển nốt tiền cho thằng K đã nhé, nóng vl…”.

Mọi con mắt đổ dồn về cậu thanh niên, sau đó cậu nhìn lại một vài người và tiếp tục“Nhìn cái đ… gì mà nhìn!”.

Tại quán café T trên phố LTK, vì ngồi vỉa hè nên khoảng cách giữa các bàn cũng sin sít nhau. Gần thế nên cũng không khó để nghe các đoạn hội thoại đầy “phụ khoa” của những người khách. Có cô gái ăn mặc đẹp, đồ hiệu đầy người và cầm trên tay điếu thuốc cũng rất đẹp, nhưng mở miệng ra là mở đầu bằng chữ “đ.m” kéo dài điệu nghệ khó ai “bì kịp”. Không ai thèm ngoái lại xem ai vừa chửi bậy mà dẻo thế, bởi vì chính họ cũng đang mải “l.., b…, t.s, đ…” rôm rả.

Đi xem phim ở Megastar hẳn hoi, rạp thì đông, phim thì hot, nhưng kiểu gì cũng có vài thanh niên gác chân lên ghế và oang oang “Đ… hiểu phim kiểu gì, chán vãi l…”.

Ngay trong môi trường công sở, cũng không ít vị sếp sẵn sàng quát nhân viên “Làm ăn như củ c…, ngu đ… chịu được!” như sếp của Hoàng Linh, nhân viên thực tập công ty phần mềm PSK. Vị sếp sinh năm 1982 nổi tiếng nóng tính, chửi bậy ầm ầm, nhưng theo Linh thì được cái nhiệt tình và giỏi.

Không chỉ nói, người ta còn viết những dòng chửi bậy lên trang mạng xã hội của mình một cách rất thoải mái. Ai vào facebook của P.L (sn1988), đều ngạc nhiên không hiểu sao một thạc sĩ luật đã có 3 năm tu nghiệp ở Úc lại chửi bậy dẻo đến thế. Tất cả những dòng status của L đều phải thêm vài từ “đ…, đ.m, l.., b…” vào. L thay “không” bằng “đ…”, bực mình thì cô cho “đ.m” vào đầu câu, còn vui thì cô vui “vãi cả phụ khoa”. Để P.L ghét ai thì ôi thôi, người ấy sẽ phải ăn đủ sơn hào hải vị, “mả tổ” cũng được đào lên cẩn thận, mặt mũi thì được ví luôn với “mặt l”…

Bậy thế, nhưng status nào chửi bậy của cô cũng được vô số người bấm “like”. Người cho rằng L cá tính, người thì coi đó là chuyện bình thường chẳng đáng bận tâm. Dường như thấy mình có sức thu hút trước một cộng đồng lớn dù là ảo, P.L lại càng chăm chỉ văng tục.

Học sinh nói bậy, sinh viên nói bậy, dân công sở cũng chửi tục và coi là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa”. Người ta dễ dãi với việc nghe chửi bậy từ người khác, từ đó dễ dãi với chính mình, cuối cùng nghiện nói bậy lúc nào không hay. Họ biện minh cho việc nói bậy bằng “quen miệng”, “xả stress”, có người còn cho rằng nếu không “văng” thì câu chuyện sẽ trở nên nhạt nhẽo lắm.

Cứ thế, chửi tục mãi thành quen. Đến khi muốn sửa, cũng thật là khó... Hoặc lâu dần, cũng chẳng nghĩ đến việc sửa làm gì, khi xung quanh mình, bạn bè đều thế cả.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất