Và đến tận bây giờ, quyền lực của các ngôi sao mạng xã hội như Kendall Jenner và em gái cô, Kylie, vẫn đang được đẩy lên tận mây xanh. Họ được cho là những người có thể khiến một nhãn hàng thăng hoa hay chìm vào bi kịch.
Nếu mỗi bài đăng quảng cáo của Kylie Jenner có giá 1 triệu USD, thì Kendall cũng thu về khoảng vài trăm nghìn USD tùy sản phẩm. Những ngôi sao khác cũng có thu nhập tương tự. Những người có sức ảnh hưởng (influencer) như họ luôn được nêu tên trong mọi chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng, sự kiện dành cho giới trẻ.
250.000 USD cho một bài đăng quảng cáo vô trách nhiệm
Chiến lược quảng cáo cua Fyre Festival cũng đi theo con đường đó. Nhà quảng bá thuyết phục những ngôi sao có ảnh hưởng trên mạng xã hội đăng quảng cáo sự kiện, trong đó có nhóm người mẫu trẻ đang rất nổi tiếng là Kendall Jenner, Bella Hadid, Hailey Baldwin và Emily Ratajkowski.
Nghệ sĩ rap Ja Rule nằm trong nhóm tổ chức Fyre. Nói về việc được mời quảng cáo, Ja Rule nhận xét đó là cách "tạo nên tiếng vang nhỏ, sau đó lớn dần và là truyền thông miễn phí. Không thể trả tiền cho kiểu truyền thông này".
Kendall Jenner, Bella Hadid và Hailey Baldwin sống sang chảnh trên Instagram và đăng quảng cáo cho những sự kiện mà họ không hề tham dự. Ảnh: Instagram.
Thực chất, hoạt động này chẳng hề miễn phí và phải trả tiền. Trong một bộ phim tài liệu của Netflix sắp chiếu, một người được phỏng vấn cho biết riêng bài đăng của Kendall Jenner trên Instagram có giá 250.000 USD. Có thể ước lượng thù lao của những người khác và nhân lên. Đó là một phương thức truyền thông cực tốn kém.
Khủng hoảng truyền thông lớn diễn ra khi Fyre Festival rốt cuộc chẳng phải là một "hòn đảo thiên đường" như những người nổi tiếng kia rêu rao mà được tổ chức trên bãi đất trống rộng lớn hoang vu, còn đang xây dựng dở dang và bị thiệt hại sau thảm họa tự nhiên.
Điều kiện ăn ở cho người tham gia nhạc hội thì tồi tệ với giá cả cắt cổ. Billy McFarland, nhà sáng lập sự kiện này, đã đi tù.
Cảnh nhếch nhác tại Fyre Festival, nơi được các người mẫu quảng cáo là "thiên đường". Ảnh: Instagram.
Tuần trước, thông qua mạng xã hội, Ja Rule thay đổi 180 độ khi phát biểu về sự việc. Anh cho biết bản thân anh cũng bị nhà tổ chức Fyre "lừa đảo và làm cho lạc lối".
Đằng sau thất bại kinh điển của nhạc hội là câu chuyện về quyền lực khổng lồ của các ngôi sao showbiz kiêm ngôi sao mạng xã hội thời nay.
Nhắm mắt nhận tiền?
Lâu nay, chuyện người nổi tiếng "nhắm mắt" nhận cả đống tiền để quảng cáo cho những sản phẩm mà họ chưa từng sử dụng dường như rất phổ biến. Đến nỗi, dư luận dường như đã "nhờn" và nhắm mắt cho qua.
Tại Việt Nam, tình trạng này cũng rất phổ biến mà chưa có biện pháp xử lý triệt để. Từng có những trường hợp oái oăm khi một người nổi tiếng mới hôm nay đăng sản phẩm giảm cân và tuyên bố bản thân "đã dùng thử, rất hiệu quả", thì chỉ vài ngày sau đã đăng sản phẩm tăng cân và cũng "đã dùng thử, rất hiệu quả".
Vụ Fyre Festival từng là scandal lớn của Kendall Jenner trong năm 2018 nhưng nay nó còn khiến cô gặp rắc rối với pháp luật. Ảnh: Instagram.
Nhưng chỉ đến khi một scandal lớn như Fyre Festival nổ ra, nhà tổ chức bị kết tội lừa đảo và những người đẹp mỹ miều như Jenner, Hadid, Baldwin và Ratajkowski bị pháp luật sờ tới (bị triệu tập ra tòa để đưa lời khai), công chúng mới nhận ra rằng hành động của các ngôi sao này cũng có thể là phạm pháp khi vô trách nhiệm với những gì mình đưa tới công chúng.
Theo Financial Times, 16 nhân vật nổi tiếng bao gồm nữ ca sĩ Ellie Goulding, người mẫu Alexa Chung và vlogger Jim Chapman đã cam kết với Cục cạnh tranh và thị trường ở Anh về minh bạch trong việc nhận quà, khoản vay hoặc thanh toán để quảng cáo sản phẩm.
Việc người nổi tiếng giả mạo như thể mình là người tiêu dùng thực thụ và lên tiếng kêu gọi những người tiêu dùng khác sử dụng sản phẩm, trong tương lai cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng, đến mức họ có thể bị kiện hoặc đi tù nếu sản phẩm có vấn đề.
Ở Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang cũng có biện pháp tương tự, đề nghị người nổi tiếng có trách nhiệm cho công chúng biết về mối liên hệ quảng cáo giữa họ và nhãn hàng.
Khi công chúng lờ đi hiểm nguy về sức khỏe
Vấn đề này thực sự nghiêm trọng khi mối quan hệ giữa những ngôi sao mạng xã hội và người theo dõi họ ngày càng gần hơn bao giờ hết.
Và một bài đăng của các ngôi sao này có tác động trực tiếp đến hành vi mua sắm của người theo dõi. Thậm chí, họ có thể tạo nên hiện tượng cháy hàng một sản phẩm nào đó chỉ qua một lời kêu gọi.
Ngay từ năm 2008, các nhà quan sát thương mại đã nhìn thấy đây là một thách thức đối với tiếp thị và kinh doanh truyền thống. Instagram ra mắt 2 năm sau đó. Trên một mạng xã hội đầy ắp những hình ảnh khó phân biệt đâu là bài đăng tự nhiên và đâu là quảng cáo, hashtag #Ad cũng rất khó tìm.
Đã đến lúc công chúng nên cảnh giác hơn với những bài đăng quảng cáo của người nổi tiếng. Ảnh: Metro.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng bị lóa mắt bởi bối cảnh họ là "bạn" qua mạng của người nổi tiếng. Thực tế đó quá hấp dẫn đến nỗi họ có thể lờ đi mọi hiểm nguy về sức khỏe và độ an toàn khi người nổi tiếng đó quảng cáo cho một sản phẩm kém chất lượng.
Hiện nay, khi chưa có đạo luật nào nghiêm cấm hay xử lý hành vi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, tình trạng này vẫn sẽ diễn ra khó kiểm soát. Nhất là khi các nhà quảng cáo chạy theo lợi nhuận mà không màng đến lợi ích hay sức khỏe người dùng.
Có lẽ, tất cả đều đang trông đợi kết quả đợt hầu tòa của các công ty quản lý những người mẫu Mỹ kể trên. Bởi cách xử lý đối với họ sẽ góp một phần lớn giúp thay đổi tình trạng quảng cáo vô trách nhiệm tràn lan trong thời gian qua.
Theo Zing