Báo động khỉ tràn xuống đường cướp giật đồ ăn
Bán đảo Sơn Trà, điểm đến du lịch hấp dẫn của TP Đà Nẵng, là nơi có hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh, đa dạng về hệ thực vật và động vật rừng.
Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của các loài linh trưởng quý, hiếm như voọc chà vá chân nâu và các loài khỉ.
Những năm qua, tình trạng người dân, du khách khi tham quan bán đảo Sơn Trà, mang theo thức ăn dụ khỉ đã làm loài này dần mất đi bản năng tự tìm kiếm thức ăn trong môi trường tự nhiên.
Khỉ bao vây du khách để xin thức ăn. Ảnh: Diệu Thuỳ
Thời gian gần đây, đàn khỉ di chuyển đến các nơi đông người như đường Lê Văn Lương, chùa Linh Ứng và gần khu nghỉ dưỡng Intercontinental để xin thức ăn. Chúng còn lao vào cướp giật đồ ăn, tấn công du khách.
Theo Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng (Sở NN&PTNT Đà Nẵng), khỉ Sơn Trà đã quen với việc được con người cho ăn. Khi không lấy được thức ăn, chúng sẽ xảy ra xung đột với con người. Nguy hiểm hơn, các cá thể khỉ này trở nên hung dữ, có thể tấn công du khách.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho rằng, nguyên nhân gốc rễ là con người đã chồng lấn lên vùng sống trước đây của loài khỉ.
Việc cho khỉ tiếp cận thức ăn của con người dẫn đến thay đổi tập tính tự đi kiếm thức ăn và tăng tính hung dữ của khỉ khi không được cho ăn.
Khỉ lao tới cướp đồ ăn của du khách. Ảnh: Diệu Thuỳ
Theo ông, khỉ có tập tính bắt chước. Khi các thế hệ sinh ra tiếp theo mất dần thói quen tự kiếm ăn cùng khả năng tự sinh sống trong rừng tự nhiên, việc bảo tồn động vật hoang dã sẽ bị đe dọa và việc bảo vệ người dân, du khách trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn.
“Để càng lâu, khỉ sẽ quen và dần mở rộng vùng phân bố, tràn về quấy rối đời sống sinh hoạt của người dân ở các tổ dân phố phường Thọ Quang, Mân Thái,…
Bài học này không cần nhìn ra thế giới cho xa mà chỉ cần ra Cù Lao Chàm là đủ để thấy lo về hậu quả. Khỉ vào nhà dân lục cơm, phá bàn thờ,… khiến cho đời sống người dân bị xáo trộn”, ông Vỹ cảnh báo.
Cần chế tài với hành vi cho khỉ ăn?
Giám đốc GreenViet cho rằng, để giải quyết tình trạng này cần đặt mục tiêu không cho khỉ tiếp xúc với thức ăn từ con người bằng cách không cho khỉ ăn, không xả rác, không chồng lấn thêm vùng sống của khỉ,…
Dần dần, khỉ sẽ quay lại đời sống tự nhiên của động vật hoang dã. Những cá thể khỉ không thể quay lại, sẽ được đưa về các trung tâm cứu hộ hoặc trung tâm phục vụ chức năng giáo dục.
Khỉ Sơn Trà tập trung ở nơi đông người để xin thức ăn. Ảnh: Diệu Thuỳ
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, khuyến cáo người dân, du khách không được cho khỉ thức ăn.
Sở cũng có công văn đề nghị hiệp hội du lịch, đơn vị lữ hành yêu cầu các hướng dẫn viên khi đưa khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà, phải thông báo đến du khách không cho khỉ ăn và tác hại khi cho khỉ ăn.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đề nghị Sở NN&PTNT Đà Nẵng kiến nghị có hình thức chế tài với hành vi cho khỉ ăn để có cơ sở xử lý vi phạm, góp phần giảm tình trạng cho khỉ ăn hiện nay trên bán đảo Sơn Trà.
Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng thừa nhận, dù đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, nhắc nhở nhưng tình trạng người dân, du khách cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà không được cải thiện mà còn có xu hướng gia tăng.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phối hợp cùng Ban quản lý bán đảo nhắc nhở gần 1.500 du khách không cho động vật hoang dã thức ăn. Tuy nhiên, khi không có lực lượng tuần tra, tình trạng này lại diễn ra.
“Không có quy định pháp lý, chế tài xử lý hành vi cho khỉ và động vật hoang dã thức ăn. Đây là một trong những khó khăn trong việc quản lý cũng như xử lý tình trạng người dân và du khách cho khỉ thức ăn khi tham quan bán đảo Sơn Trà”, Chi cục Kiểm lâm cho hay.
Khỉ Sơn Trà trông chờ thức ăn từ con người. Ảnh: Diệu Thuỳ
Giám đốc GreenViet Trần Hữu Vỹ cho rằng, chỉ tuyên truyền thôi là chưa đủ mà phải có chế tài xử lý các hành vi không đúng quy định.
“Đà Nẵng đang có một đề tài nghiên cứu hiện trạng và tìm giải pháp toàn diện để xử lý xung đột này. Tuy nhiên, nếu thành phố vẫn tiếp tục chờ thì có khi 'bỏ lỡ thời gian vàng' để xử lý vấn đề.
Tôi cho rằng, thành phố nên sớm xây dựng và ban hành một quy chế liên quan đến xử phạt hành vi xả rác không đúng quy định, cho khỉ và động vật hoang dã ở bán đảo Sơn Trà thức ăn”, ông Vỹ gợi ý.
Theo VietNamnet