Khi sốt xuất huyết đang ở đỉnh dịch, những thông tin QUAN TRỌNG này ai cũng phải biết

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền cấp tính, bệnh sẽ chuyển biến nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Dưới đây là một số thông tin về căn bệnh sốt xuất huyết do PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục y tế Dự phòng (Bộ y tế) và PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp cho báo chí.

Không chỉ có một loại muỗi gây ra bệnh sốt xuất huyết?

Có hai loại muỗi gây ra bệnh sốt xuất huyết đó là muỗi Aedes aegypti và Aedes Albopictus. Trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Loại muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt nhiều vào buổi sáng và chiều tối. Người bị mắc thường là người lớn ở miền Bắc và trẻ nhỏ ở miền Nam phù hợp với dịch tễ học.

Muỗi vằn thường cư trú, đậu ở góc nhà, đậu trên quần áo, chăn màn, dây phơi hoặc các đồ dùng trong nhà.


Có 2 loại muỗi gây ra bệnh sốt xuất huyết.

Con đường lây truyền bệnh?

Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người qua người qua tiếp xúc. Bệnh chỉ lây qua vật chủ trung gian là muỗi đốt từ người mang bệnh truyền sang người khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nếu để người bệnh quá tải nằm ghép trong bệnh viện có thể lây truyền các bệnh truyền nhiễm khác.

Muỗi vằn sinh sản ở đâu?

Muỗi đẻ trứng sinh sản trong dụng cụ có chứa nước sạch trong nhà. Muỗi vằn không đẻ trứng ở nơi ao tù, có mùi hôi. Nhiệt độ trên 20 độ C là nhiệt độ thích hợp để muỗi vằn phát triển mạnh và đặc biệt phát triển vào mùa mưa.


Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Vì sao sốt xuất huyết dễ bị mắc lại?

Sốt xuất huyết, là bệnh truyền cấp tính có 4 tuýp (D1, D2, D3, D4).  Một người có thể mắc 2 lần đến 3 lần bởi có nhiều tuýp khác nhau. Khi bệnh nhân đã bị mắc tuýp nào thì sẽ có kháng thể với tuýp đó.

Sốt xuất huyết đang biến đổi phức tạp?

Dịch sốt xuất huyết tới sớm hơn mọi năm là do mùa hè tới sớm, nhiệt độ trung bình tăng cao dẫn tới véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh, mặt khác tập quán chứa nước của người dân chưa thay đổi. Ở các đô thị lớn, quá trình đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ chưa được chú trọng.

Tuy nhiên, sốt xuất huyết chưa có những sự biến đổi về gene như những thông tin đăng tải trước đó.

Phòng chống dịch bằng cách nào?

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước, thau chậu dụng cụ nước vừa và nhỏ, lập úp các dụng cụ không chứa nước, thay bình hoa thường xuyên, bỏ muối vào chạn bát. Loại bỏ phế thải, hốc nước tự nhiên…

Khi ngủ cần phải bỏ màn. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất. Khi bị sốt tới ngay cơ sở điều trị để loại trừ nguyên nhân sốt xuất huyết. Nếu không tới bệnh viện sớm, bệnh có thể biến đổi rất nhanh và nguy cơ tử vong rất cao.

Phun thuốc như thế nào?

Phun hóa chất phải phun trong nhà, phun cả cả các tầng cao. Người dân có thể vào nhà sau phun 30-45 phút.

Bệnh nguy hiểm trên những cơ địa nào?

Bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh lý đi kèm (suy gan, thận, tiểu đường). Những trường hợp tử vong gần đây đều rơi vào trẻ nhỏ và người lớn có cơ địa mang bệnh lý.

Khi bị sốt xử trí như thế nào?

Không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân. Đặc biệt, không dùng 2 loại thuốc gây xuất huyết nặng thêm khi sốt là Ibuprofen và Aspirin trong trường hợp sốt xuất huyết. Tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh khi có sốt xuất huyết vì không có ý nghĩa điều trị.
 

Theo Emdep.vn


dịch sốt xuất huyết sốt xuất huyết bệnh dịch

Tin tức mới nhất