Ung thư buồng trứng - kẻ giết người thầm lặng
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư buồng trứng là bệnh ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ, hàng năm có hơn 20.000 phụ nữ Hoa kỳ được chẩn đoán mắc căn bệnh này.
Tiến sĩ Ron Drapkin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư buồng trứng thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) cho biết, mặc dù ung thư vú phổ biến hơn nhưng ung thư buồng trứng lại gây tử vong nhiều hơn. Tiến sĩ Ron Drapkin cho biết: "Chúng tôi chưa có một công cụ nào phát hiện sớm ung thư buồng trứng, phần lớn các triệu chứng của bệnh thường không cụ thể, do vậy nó thường được gọi là "kẻ giết người thầm lặng".
Triệu chứng của căn bệnh ung thư buồng trứng ở phụ nữ rất khó nhận biết và dễ gây nhầm lẫn. Vì thế ở nhiều trường hợp phụ nữ còn lơ là với các dấu hiệu của "kẻ giết người thầm lặng" này. Thật may mắn, ung thư buồng trứng có thể điều trị nếu phát hiện sớm.
Làm sao tránh căn bệnh giết nhiều phụ nữ nhất này?
Muốn tránh căn bệnh nguy hiểm này, bạn cần biết phát hiện các dấu hiệu sau đây để đi khám càng sớm càng tốt:
- Bạn cảm thấy nhanh no dù ăn ít. Nếu bạn chỉ mới ăn vài miếng đã cảm thấy no bụng, có thể đã có một khối u đang phát triển bên trong dạ dày, ruột hoặc buồng trứng.
- Bạn bị mất cảm giác ngon miệng. Có nhiều phụ nữ bị ung thư buồng trứng thường cảm thấy chán ăn, không thèm ăn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do ảnh hưởng của tế bào ung thư đến khả năng cơ thể tiêu hóa chất dinh dưỡng trong thức ăn và sử dụng các các chất này trong quá trình trao đổi chất. Vì vậy khi thấy hiện tượng này kéo dài, tốt nhất bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
- Bạn bị đau lưng mãn tính. Hầu như mọi chị em bị ung thư buồng trứng thường phải chịu cảm giác đau lưng dưới liên tục. Trong nhiều trường hợp, các bệnh nhân này miêu tả cơn đau giống như đau đẻ, trong khi bạn không có thai.
- Bạn thường bị đau bụng. Đặc điểm: đau vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu mà không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc các thực phẩm bạn ăn, vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Đa số phụ nữ mắc ung thư buồng trứng đều cho biết: cơn đau bụng thường xuất hiện và kéo dài hơn 2 tuần.
Đau bụng vùng bụng dưới có thể do ung thư buồng trứng
- Thường xuyên bị chướng bụng. Dấu hiệu đầy hơi là một cảnh báo nghiêm trọng căn bệnh ung thư buồng trứng. Đáng tiếc là hầu hết phụ nữ thường bỏ qua dấu hiệu này. Vì thế các bác sĩ khuyên bạn: nếu chướng bụng xuất hiện kèm với cơn đau dai dẳng đừng nên bỏ qua.
Thường xuyên chướng bụng cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng
- Rối loạn tiêu hóa: các khối u trong buồng trứng có thể gây tăng áp lực lên hệ tiêu hóa, khiến phụ nữ phải đối mặt với các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đôi khi thấy cả hai chứng này cùng lúc.
- Bạn luôn cảm thấy khó tiêu. Mặc dù khó tiêu có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh, nhưng khi nó xảy ra với một số triệu chứng nói trên thì có thể là cảnh báo của căn bệnh ung thư buồng trứng. Kèm theo dấu hiệu khó tiêu còn có tiêu chảy, buồn nôn và ợ nóng.
- Bạn bị sút cân đột ngột. Thật trớ trêu khi nhiều phụ nữ cảm thấy vui mừng vì đột ngột giảm cân mà không thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên đó có thể là dấu hiệu của điều gì đó sai lệch trong cơ thể của bạn. Đặc biệt, khi tình trạng này kéo dài và đi kèm với các dấu hiệu nói trên thì tốt nhất bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
- Rối loạn tiểu tiện. Bạn thấy đi tiểu nhiều hơn và không kiềm chế được những cơn buồn tiểu chính là dấu hiệu của căn bệnh mang tên "kẻ giết người thầm lặng" ở phụ nữ.
- Bạn bị chảy máu âm đạo. Một nghiên cứu cho biết: có tới 25% bệnh nhân bị ung thư buồng trứng bị chảy máu bất thường không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, đi kèm với các vết loét, máu cục ở vùng kín.
Chảy máu âm đạo bất thường có liên quan đến ung thư buồng trứng
Phát hiện sớm ung thư buồng trứng có ý nghĩa sống còn
Việc phát hiện sớm ung thư buồng trứng có ý nghĩa sống còn giúp có cơ hội cứu sống bạn. Nếu bạn từng trải qua một hoặc nhiều các dấu hiệu nói trên, các bác sĩ khuyên bạn nên đi khám sức khỏe càng sớm càng tốt. Mặc dù những dấu hiệu này chưa thể chứng minh được là bạn có bị ung thư buồng trứng hay không, nhưng khi tầm soát phát hiện bệnh sớm, khả năng điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.
Khám tầm soát phát hiện bệnh sớm ung thư buồng trứng sẽ điều trị hiệu quả cao
Mặt khác, nếu trong gia đình bạn từng có người bị ung thư buồng trứng, thì bạn cũng nên đi tầm soát định kỳ. Bạn cũng cần cải thiện sức khỏe bằng chế độ ăn uống chống ung thư, tập thể dục thường xuyên, lắng nghe cơ thể và phát hiện dấu hiệu bệnh kịp thời.
Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh giúp phòng tránh ung thư buồng trứng
Theo Khám phá