1 phút 20 giây nhớ đời của người Việt giữa động đất kinh hoàng ở Nhật Bản

Chàng trai Việt 27 tuổi nói đã trải qua 1 phút 20 giây nhớ đời ở tầng 10 chung cư thuộc tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) khi trận động đất mạnh 7,6 độ diễn ra.

1 phút 20 giây nhớ đời

5 tiếng sau trận động đất mạnh 7,6 độ làm rung chuyển miền Trung Nhật Bản, Nguyễn Đức Mạnh (27 tuổi) mới đủ bình tĩnh đăng dòng trạng thái thông báo bình an lên mạng xã hội.

"1 phút 20 giây nhớ đời. Động đất 5 độ ở tầng một đã là một điều đáng sợ. Nhưng nếu là ở tầng 10, tôi nghĩ bản thân đã cố gắng bình tĩnh nhất có thể. Cầu mong người Việt chịu ảnh hưởng của trận động đất đều bình an vô sự", anh viết.

Chàng trai Việt sống tại thành phố Kanazawa (tỉnh Ishikawa) chia sẻ đoạn video ghi lại 1 phút 20 giây nhớ đời. Khoảng 16h10 (14h10 Việt Nam), điện thoại của Mạnh phát tín hiệu cảnh báo đầu tiên khi anh đang nghỉ ngơi trong phòng tầng 10 tòa nhà. Chỉ mấy giây sau, rung chấn mạnh dần và kéo dài.

"Tôi chỉ nghĩ động đất nhẹ nhàng như bao lần khác. Nhưng không, rung chấn mạnh khiến tôi hoảng loạn vì đang ở tầng cao nhất trong chung cư", anh nhớ lại.

Mạnh tính toán nếu tháo chạy khỏi nhà từ tầng 10 xuống mặt đất sẽ mất 2 phút. Lo sợ nguy hiểm, anh cố bám chặt trụ nhà, tự trấn an bản thân dù tinh thần đã rơi vào hoảng loạn cực độ.

Khi rung chấn tạm dứt, Mạnh vội tháo chạy xuống tầng một - nơi các thực tập sinh khác đã đứng từ trước. Trong số này, hầu hết là thực tập sinh người Việt, có thêm người Trung Quốc, Philippines và Nhật Bản.

Lúc sau, anh và những người bạn cùng tầng liều lên nhà, lấy giấy tờ quan trọng và đồ đạc cá nhân, rồi lại lao xuống tầng một đợi hết dư chấn.

"Điện thoại vang lên cảnh báo sóng thần cao 5m khiến chúng tôi hoang mang, một số người chạy lên tầng 10 nhìn ra hướng biển cách đó 3km", anh kể.

1 phút 20 giây nhớ đời của người Việt giữa động đất kinh hoàng ở Nhật Bản-1
Nhiều căn nhà đổ sập sau động đất (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đến tối, một số thực tập sinh đi sơ tán nhà người quen, số khác như Mạnh chọn cố thủ tại nhà.

Mỗi 5-10 phút, điện thoại của anh lại phát thông báo về dư chấn từ khu vực Noto và Wajima - nơi được coi là tâm chấn ảnh hưởng đến 5 tỉnh Ishikawa, Niigata, Fukui, Toyama và Gifu.

Theo AFP, Văn phòng Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết từ ngày 1/1, Nhật Bản đã hứng chịu 155 trận động đất, mạnh nhất 7,6 độ và một trận khác hơn 6 độ.

"Không riêng tôi, khi được hỏi, một cụ ông người Nhật khoảng 70 tuổi nói rằng chưa từng gặp trận động đất nào mạnh như lần này", Mạnh cho hay.

Phóng viên Dân Trí đã kết nối với bà Kadoya Akemi, 67 tuổi, sống tại thành phố Nanao (tỉnh Ishikawa), nhân viên tại một khách sạn kiểu truyền thống. 

Bà Kadoya cho biết cảm nhận rung lắc nhẹ trong buổi làm việc chiều 1/1. Cường độ đột ngột tăng mạnh, người phụ nữ vội trốn dưới gầm bàn, đầu liên tục va đập vào chân bàn "không đếm nổi bao nhiêu lần".

Khung cảnh trước mắt khiến bà không tin nổi, cửa sổ vỡ tung, đồ dùng nhà bếp rơi vãi, hư hỏng nặng. Nỗi sợ hãi chưa dừng lại khi những trận động đất 5 độ liên tiếp xuất hiện.

"Trận động đất tạm dừng, tôi cùng mọi người chạy đến ký túc xá mới xây kiên cố của khách sạn lánh nạn. Đêm đó, tôi không dám về nhà", bà Kadoya nói.

1 phút 20 giây nhớ đời của người Việt giữa động đất kinh hoàng ở Nhật Bản-2
Khách sạn nơi bà Kadoya làm việc hư hỏng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sáng hôm sau, bà nhìn thấy đường phố nứt toác hoang tàn, con đường bình thường đi hết 10 phút nay kéo dài một tiếng. Siêu thị dừng hoạt động, đồ đạc rơi từ các kệ hàng la liệt dưới mặt đất.

Trong căn nhà của bà trên phố Yahata, tường xuất hiện những vết nứt dài, hệ thống khóa tự động khi xảy ra động đất đã giúp bảo vệ một số đồ dùng.

"Một đồng nghiệp của tôi đau buồn kể người ông và người em 20 tuổi của bạn đã qua đời trong trận động đất, thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát", bà Kadoya nói.

Mỗi ngày, dư chấn xảy ra 10 lần, người phụ nữ lớn tuổi lo ngại dư chấn sẽ kéo dài một tuần nên chỉ còn cách cố thủ trong nhà. Bất tiện do không có nước và gas, bà phải đi vệ sinh bên ngoài, đến điểm tắm công cộng cách nhà 70km.

"Khách sạn bị hư hỏng nghiêm trọng, tôi đứng trước nguy cơ mất việc", bà nói.

Ông Takagi, Giám đốc khách sạn, cũng chưa biết trước tương lai của khách sạn, "có thể sẽ không mở lại được nữa".

Hễ rung chấn là chạy lánh nạn

Nguyễn Tuấn Phong, 27 tuổi, sống và làm việc tại thành phố Komatsu (tỉnh Ishikawa) cảm nhận rung chấn lần thứ nhất khoảng 5 độ. Ngay sau đó, hai lần rung chấn liên tục 7,6 và hơn 5 độ khiến anh không kịp trở tay, vội chui xuống gầm bàn.

Tranh thủ lúc mặt đất bình yên, anh ngay lập tức chạy ra đường, trú nơi thông thoáng để đảm bảo an toàn cho bản thân.

"Khi quay về nhà, tôi thấy bóng đèn và một số vật dụng như bát, đĩa bị hư hỏng, không thiệt hại đáng kể", Phong nói, cho hay một vài người bạn sống tại Hakui và Nanao (cùng thuộc tỉnh Ishikawa) chia sẻ hình ảnh tan hoang, đường sá sụt lún và cột điện nghiêng đổ.

Trận động đất mạnh khiến các phương tiện công cộng dừng hoạt động. Thành phố Komatsu không bị cắt nước và điện như một số khu vực gần tâm chấn.

Phong cho biết, chính phủ Nhật Bản nhanh chóng khuyến cáo người dân tìm nơi trú ẩn an toàn, lánh nạn đến những nơi kiên cố và sẽ được phát nhu yếu phẩm cần thiết.

Wifi được cung cấp miễn phí tại các tỉnh bị ảnh hưởng để người dân duy trì liên lạc. Đường dây nóng cứu trợ liên tục được phát đi trên ti vi bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm cả tiếng Việt.

Sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh từ năm 2018, đây là trận động đất mạnh nhất Phong từng trải qua dù tâm lý luôn sẵn sàng ứng phó thảm họa như động đất, sóng thần.

"Tôi đã có chút lo lắng và sợ hãi", anh nói.

Ngày 2/1, rung chấn liên tục vẫn chưa dứt, phương tiện công cộng chưa hoạt động trở lại. Phong di tản đến nơi lánh nạn cách nhà 400m, chờ đánh giá tình hình từ cơ quan chức năng.

1 phút 20 giây nhớ đời của người Việt giữa động đất kinh hoàng ở Nhật Bản-3
Khung cảnh tan hoang tại Kanazawa, tỉnh Ishikawa sau động đất (Ảnh: Reuters).

Chị Trần Linh, sống tại thành phố Komatsu (tỉnh Ishikawa) luôn trong tinh thần "hễ rung chấn là chạy đến nơi lánh nạn gần nhà" bất kể ngày đêm. Giấc ngủ tối 1/1 chập chờn khi chị liên tục bị đánh thức bởi những cơn rung chấn.

Cách đây hơn 4 năm, chuẩn bị lên đường sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh, chị đã học cách đối phó với động đất, như chui xuống gầm bàn, chạy ra công viên, tránh xa tòa nhà và cột điện.

Nhưng trong khoảnh khắc động đất 7,6 độ chiều đầu năm, chị hoảng loạn, nói "người lăn lốc, không biết cảm giác gì luôn".

"Tôi sống ở chung cư, mất một phút để mở cửa chạy từ tầng hai xuống đất, vớ được mỗi điện thoại", cô gái Việt nhớ lại cảnh "cứ thế là chạy" theo người Nhật khi cảnh báo sóng thần vang lên đầy ám ảnh.

Sau một đêm sống trong sợ hãi, chị trở về nhà, thấy đồ đạc rơi lung tung, mỗi thứ một nơi. Chị trấn an bản thân, rồi liên lạc gia đình ở Việt Nam thông báo an toàn.

Trước cảnh báo sẽ có một trận động đất lớn nữa, cô gái Việt không dám ra ngoài khi không cần thiết. Do chưa kịp chuẩn bị lương thực, chị cho hay "tạm có gì ăn nấy".

1 phút 20 giây nhớ đời của người Việt giữa động đất kinh hoàng ở Nhật Bản-4
Người dân được sơ tán đến tòa nhà chính quyền ở Kanazawa, tỉnh Ishikawa (Ảnh: Reuters).

Tuấn Phong cho biết trên những hội nhóm người Việt tại Ishikawa, nhiều người đăng bài chỉ dẫn những nơi lánh nạn, đường dây nóng hỗ trợ và bảo hộ công dân.

Đức Mạnh cũng liên tục nhận được những tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm. Anh chia sẻ các vị trí lánh nạn lên trang cá nhân, hy vọng đồng hương bị ảnh hưởng có thể nắm bắt thông tin.

Chiều 2/1, nhận thông tin một người bạn Việt Nam "mắc kẹt" tại ga chính thành phố Kanazawa do tàu ngừng chạy, Mạnh vội chạy đi mua đồ ăn tiếp tế.

"Một số người Việt đã đợi tàu rất lâu, trong khi xung quanh hàng quán và cửa hàng tiện lợi đều đóng cửa", anh kể.

Trên mạng xã hội, người Việt đăng tin hỗ trợ nhu yếu phẩm cho thực tập sinh đi lánh nạn. Chị Rum Nguyễn sống tại Ishikawa cho biết nhà cửa bị hư hại nặng, trong khi tiệm bánh ngọt bị xê dịch đồ đạc. Sau khi dọn dẹp mọi thứ, chị thông báo gia đình đều bình an.

"Các bạn thực tập sinh đi sơ tán nếu không có đồ ăn, tôi sẽ đem bánh đến. Cùng chia sẻ một chút, qua vài ngày mọi chuyện sẽ ổn thôi", chị cho hay.

"5 năm sống tại Nhật, tôi chưa từng gặp cảnh này"

Thảm họa động đất xảy ra vào ngày đầu năm mới ở Nhật Bản đã khiến ít nhất 55 người thiệt mạng, tính đến tối 2/1, theo Reuters. Động đất khiến nhiều ngôi nhà bị hư hại, gây ra hỏa hoạn và thiệt hại nặng nề chỉ sau một đêm.

Cơ quan chức năng cảnh báo số người chết và bị thương có thể tăng thêm khi lực lượng cứu hộ tiếp cận những khu vực bị động đất tàn phá nặng nề nhất.

Bà Lê Thị Thương, Chủ tịch Hội người Việt tại vùng Kansai, cho biết ngay sau khi xảy ra động đất, để kịp thời phản ứng với tình hình thiên tai, từ chiều tối 1/1 Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thành lập tổ công tác với sự tham gia của Ban Thường vụ Liên hiệp hội và các đại diện từ các địa phương đang chịu ảnh hưởng để tiếp nhận, xử lý thông tin.

"Đến hết ngày 2/1, chưa ghi nhận người Việt thương vong, người dân chủ yếu lánh nạn tại nhà người quen ở khu vực an toàn. Một số trường hợp không biết tiếng Nhật nên không di tản, có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt", bà Thương nói.

Theo bà, một vài gia đình người Việt có thân nhân sống tại tỉnh Ishikawa đã liên hệ với hiệp hội từ tối 1/1 để nỗ lực kết nối, cập nhật thông tin.

Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản cho biết tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại, hội đoàn người Việt tại các địa phương bị động đất để theo dõi sát tình hình; sẵn sàng triển khai phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Thành phố Osaka nơi bà Thương sinh sống cách tâm chấn động đất 400km nhưng vẫn cảm nhận những đợt rung lắc. Đội cứu hỏa chính quyền đã được điều động đến khu vực cứu trợ động đất vùng Hokuriku (gồm ba tỉnh Ishikawa, Toyama, Fukui), nhưng đường sá bị cắt và các phương tiện không thể di chuyển.

Reuters cho biết chính quyền nhận được nhiều thông tin về các nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát và lực lượng cứu hộ đang "chạy đua với thời gian" để giải cứu họ. Hơn 3.000 nhân viên cứu hộ đã được triển khai đến các khu vực bị ảnh hưởng ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa.

1 phút 20 giây nhớ đời của người Việt giữa động đất kinh hoàng ở Nhật Bản-5
Một đoạn đường bị nứt toác do động đất ở Nhật Bản (Ảnh: Getty)

Là người Việt nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, bà Thương khuyến cáo để đối phó với động đất, người dân nên chui xuống gầm bàn, gầm giường để tránh các vật nguy hiểm rơi vào người và đồng thời tạo ra khoảng trống để có thể nấp. Nếu ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà lớn, cột điện, cây cối...

Nếu di tản, người dân cần xem trước và ghi nhớ các địa điểm an toàn quanh khu vực sinh sống, chuẩn bị sẵn các thiết bị cung cấp điện dự phòng như sạc dự phòng, ắc quy…, dự trữ sẵn 2-3 chai nước lớn và một số đồ ăn, thực phẩm đóng hộp để dùng khi cần thiết.

"Trận động đất này thực sự là mất mát quá lớn đầu năm mới", bà Thương nói.

Còn với Tuấn Phong, Đức Mạnh hay các thực tập sinh người Việt khác tại Nhật Bản, họ đang trong trạng thái sẵn sàng ứng phó thiên tai nếu xảy ra bất cứ tình huống nào.

"5 năm tại Nhật, tôi chưa từng gặp cảnh này, chỉ mong không còn động đất để sớm ổn định cuộc sống và công việc", Mạnh nói. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phát đi thông báo bảo hộ công dân tại khu vực xảy ra động đất và sóng thần tại các tỉnh ven biển Nhật Bản.

Theo đó, đại sứ quán đề nghị công dân Việt Nam sinh sống tại các khu vực dự báo cần tuân thủ các biện pháp cảnh báo của phía Nhật Bản, nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn.

Trong trường hợp khẩn cấp, công dân liên hệ tới số máy bảo hộ công dân hoặc đầu mối phụ trách cộng đồng người Việt tại địa phương gần nhất. 

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81-80-3590-9136, hoặc +81-80-20346868, +81-90-1255-5537

+ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka: +81-90-4769-6789

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/doi-song/1-phut-20-giay-nho-doi-cua-nguoi-viet-giua-dong-dat-kinh-hoang-o-nhat-ban-20240103014715959.htm?fbclid=IwAR3zif9NsZe8uU01geR5Bv7A0Q1GHQaygV0kjZgJuhOPdtYBTskFujuI7h8

động đất Nhật Bản

Tin tức mới nhất