Đi SH, xài Iphone xịn vẫn nhận quà từ thiện

Chưa bao giờ, việc làm từ thiện lại bùng nổ như thời gian qua. Nhà nhà làm từ thiện, người người làm từ thiện. Nhưng cũng chính vì làm từ thiện không “đến nơi đến chốn”, làm từ thiện theo kiểu “nghe nói” khiến cho không ít người giật mình vì sự thật không như nghe được!

Đặc biệt là hiện nay khi mạng xã hội phát triển, mỗi cá nhân hoàn toàn có quyền đưa ra các hình ảnh, thông tin mà tính xác thực là 50 - 50. Quả thật được nghe chính các câu chuyện “dở khóc dở cười” từ những tình nguyện viên đi làm từ thiện khiến chúng tôi không khỏi giật mình.
 


 


Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Văn Mạnh, nhân viên kinh doanh một công ty bất động sản tại Hà Nội kể lại: “Cả tháng, tôi quanh quẩn với nhà, với đất, khách hàng. Nghề này nó là cái lộc.

Chính vì thế, anh em cùng nghề cũng muốn góp ít nhiều để tán lộc và sẻ chia với hoàn cảnh các em nhỏ khó khăn. Đặc biệt các chuyến đi như này còn là cơ hội để chúng tôi thay đổi không khí, coi như một chuyến đi tỉnh luôn”.


Thời gian ít ỏi nên những người như anh Mạnh thường lấy thông tin trên mạng hoặc liên lạc với địa phương để lấy nguồn. Và “nguồn” này khiến anh và bạn bè vô cùng thất vọng vì gia đình các em không nghèo như “nguồn” kể.

“Một lần chúng tôi lấy nguồn từ một thành viên của nhóm từ thiện trên mạng. Theo thành viên này, các em nhỏ tại một xã thuộc tỉnh Yên Bái rất khó khăn không có tiền mua sách vở, quần áo… Chính vì thế, anh em chúng tôi quyết định tổ chức một chuyến đi từ thiện tại xã này”, anh Mạnh kể lại.

Theo như danh sách mà “nguồn” cung cấp, có khoảng 30 cháu gia đình đặc biệt khó khăn cần ủng hộ. Nhóm anh Mạnh chuẩn bị 60 suất quà bao gồm 500 ngàn đồng tiền mặt, 2 bộ quần áo, sách vở, bánh kẹo, một ít đồ nhu yếu phẩm. Anh Mạnh lý giải ủng hộ tiền mặt để bố mẹ các cháu mua thêm thức ăn cải thiện cho bọn trẻ.

Địa điểm mà nhóm nhờ “nguồn” bố trí là sân trường học của xã. Buổi trao quà sẽ không có gì để “phiền” nếu như không có nhiều phụ huynh của các em rầm rầm phi SH, Airblade hoặc các xe ga khác… vào sân trường để nhận quà cùng các con hoặc nhận thay trẻ.


 

Khi chúng tôi có thắc mắc thì thành viên kết nối giúp chúng tôi bảo rằng, chắc đó là xe họ mượn. Không chỉ đi xe xịn đến nhận quà từ thiện cho con, anh Mạnh còn ngán ngẩm hơn khi thấy họ còn xài cả iphone đời mới mà anh Mạnh còn chưa dám dùng.

“Mình tặng quà cho họ rồi chẳng lẽ đòi lại. Vì thế, đó là bài học nhớ đời cho bản thân tôi và tất cả anh em có ý định muốn làm từ thiện. Bản thân tôi những lần sau nếu không đi khảo sát trực tiếp, không kiểm chứng chính xác nguồn, tôi không dám kêu gọi anh em đi làm từ thiện ở vùng núi nữa”, anh Mạnh nghiệm ra.

Làm từ thiện theo kiểu… nghe nói dễ “dồn nước về chỗ trũng”!

Tình cảnh trái ngang khi đi làm từ thiện như cá nhân anh Mạnh không phải chuyện hiếm. Bởi, họ thường có được các thông tin về các hoàn cảnh khó khăn từ các Facebook cá nhân, hoặc “nghe nói” mà không có cơ hội kiểm chứng.
 


 

Chị Nguyễn Hải Linh, thành viên một nhóm thiện nguyện tại Hà Nội tâm sự: “Các trường học ở miền núi phía Bắc là nơi mà chúng tôi hay chọn để làm từ thiện. Tuy nhiên, chính quyền địa phương ở chính các nơi đó cũng hay liệt kê anh em họ hàng, thậm chí chính vợ con mình vào danh sách để nhận quà từ thiện".

Chị Linh nhớ lại: “Đó là lần chúng tôi làm từ thiện ở Hà Giang. Các thông tin về hoàn cảnh các em nhỏ gia đình khó khăn chúng tôi lấy từ trường và xã. Số tiền năm đó chúng tôi huy động được cũng tương đối.

Việc phát quà vô cùng suôn sẻ ở trường. Nhưng đến khi, các cháu ra về, vô tình chúng tôi thấy có em chỉ lấy mỗi phong bì, còn quần áo, sách truyện chúng chẳng thèm lấy'.

 


 

Hóa ra, những đứa đó trẻ đó đều là con em gia đình bố mẹ khá giả cả. Và đúng là chúng cũng thuộc diện hộ nghèo theo thống kê từ xã nhưng bố mẹ chúng thì chẳng nghèo chút nào.

“Lúc cả nhóm đến một quán ăn để đặt cơm trưa, quán nhà sàn, có cả xe ô tô đậu sân. Vậy mà, chúng tôi gặp chính đứa trẻ nhận quà từ thiện buổi sáng ở trường”, chị Linh bức xúc nhớ lại.

Những tình cảnh bi hài như trên không phải ở tất cả các nơi nhưng một vài câu chuyện như vậy cũng rất dễ làm “chùn lòng” những người sẵn tâm làm việc thiện tự phát mà ít có thời gian để đi kiểm chứng, xác minh tận nơi.
 


Theo Emdep