'Khóc thét' vì mua 21 viên Tamiflu mất gần 7 triệu đồng

Quẹt thẻ thanh toán tiền thuốc trị cúm Tamiflu tại phòng khám tư nhân gần nhà, chị Hoàng phát hoảng khi hoá đơn hiện số: 6,7 triệu đồng.

1 viên thuốc, 320.000 đồng

Một lúc trong gia đình có 3 người bị ốm khiến chị Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) xoay như chong chóng. Đưa cả ba người thân ra phòng khám tư nhân gần nhà, chị Hoàng chưa hết bất ngờ vì tiền khám, xét nghiệm cúm... hết gần 5 triệu, thì "hoảng" hơn khi riêng tiền thuốc Tamiflu bác sĩ kê cho cả 3 người lên đến hơn 6,7 triệu đồng cho 21 viên.

"Mỗi viên tôi mua là 320.000 đồng, bán ngay tại hiệu thuốc trong phòng khám", chị Hoàng cho biết. Cả 3 người thân của chị nằm điều trị phòng khám 1 ngày không đỡ sốt, liền xin chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.

Tại đây, bác sĩ kê ngoài Tamiflu 4 viên còn thêm 2 loại thuốc khác, tổng cộng chị Hoàng chỉ phải trả 1 triệu đồng tiền thuốc điều trị.

Khóc thét vì mua 21 viên Tamiflu mất gần 7 triệu đồng-1
Giá mỗi viên thuốc Tamiflu bình thường chỉ 40.000-45.000 đồng, giờ lên gấp 4- 8 lần, chị Hoàng và không ít người bức xúc.

 

Khóc thét vì mua 21 viên Tamiflu mất gần 7 triệu đồng-2
Một lời "rao" trên facebook về giá thuốc Tamiflu và nơi mua cho các phụ huynh.

Chạy khắp các nhà thuốc ở Hà Đông, Hà Nội, chị Mai mới tìm mua được 5 viên Tamiflu cho cậu con trai 27 tháng tuổi uống vì bé bị cúm A kèm viêm amidan, sổ mũi. Mỗi viên giá 170.000 đồng, biết giá cao gấp nhiều lần "giá gốc" nhưng chị đành cắn răng.

"Bác sĩ phòng khám kê rồi, đắt cũng phải mua vì sức khoẻ của con là quan trọng nhất" - chị Mai chia sẻ.

Gõ từ khoá "giá thuốc Tamiflu" trên internet, hàng loạt kết quả hiện ra, nhiều website của các nhà thuốc niêm yết công khai giá 2 triệu đồng/vỉ 10 viên, tương đương 200.000đồng/viên, thậm chí, một nhà thuốc còn nói thêm: "Việc khan quá hiếm thuốc Tamiflu đặc biệt vào trong mùa dịch cúm khiến thuốc có thể bị đẩy lên giá cao hơn nhiều".

Tamiflu có phải là thuốc "thần thánh" như nhiều người nghĩ?

Bộ Y tế cho hay, theo số liệu giám sát năm 2019, tính đến đầu tháng 12 có trên 400.000 người mắc cúm. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, hiện nay đang là thời điểm cao nhất của bệnh cúm mùa.

Từ tháng 11 đến nay, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hơn 3.100 người bệnh có triệu chứng cảm cúm. Nhiều ca biến chứng nặng được chỉ định điều trị bằng Tamiflu.

Việc khan hiếm thuốc Tamiflu là thực tế tại nhiều nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân. Vừa qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế nhận được văn bản của Sở Y tế TP HCM về việc hết thuốc điều trị cúm và văn bản của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) về việc vay thuốc Tamiflu 75mg từ nguồn phòng chống dịch.

Khóc thét vì mua 21 viên Tamiflu mất gần 7 triệu đồng-3
Khám cho trẻ mắc cúm. Tại nhiều bệnh viện lớn, chỉ định dùng Tamiflu cho bệnh nhân được quản lý chặt.

Cụ thể, Sở Y tế TPHCM thông báo nhà nhập khẩu không tiếp tục ký hợp đồng và không cung cấp thuốc cho bệnh viện, Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo công ty cung ứng đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg.

Nhà thuốc bệnh viện khan hàng, nhiều phụ huynh "cắn răng" mua bằng được Tamiflu cho con uống.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, việc người bệnh mắc cúm vì lo lắng, đổ xô đi mua Tamiflu tạo thành "cơn sốt" là không cần thiết.

"Tamiflu chỉ là một loại thuốc hỗ trợ, không phải thuốc đặc hiệu số 1 điều trị cúm. Nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc" - PGS Khuê cho hay.

Cùng với đó, Tamiflu không phải là thuốc duy nhất trị cúm mà có thể sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir.

Phác đồ điều trị bệnh cúm mùa trong tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành, nhấn mạnh đặc biệt vấn đề sử dụng đúng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) hoặc/và Zanamivir cho các trường hợp bệnh cúm A hoặc B (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.

Các chuyên gia khuyến cáo, lạm dụng Tamiflu (tự ý dùng, chỉ định rộng rãi) có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này. GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tại Trung Quốc, Tamiflu đã kháng với tỷ lệ rất cao, phải dùng thuốc điều trị cúm khác.

"Việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng" - GS Kính cho hay.

Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6 giờ/lần để giảm nguy cơ co giật, cho trẻ sử dụng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi, trẻ lớn dùng nước muối loãng để rửa mũi, súc họng.

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp nhanh phục hồi cơ thể. Điều này rất quan trọng đối với trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc

Cục Quản lý Dược cách đây vài ngày đã có công văn gửi các đơn vị liên quan chủ động đảm bảo đủ nhu cầu thuốc trị bệnh và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc có chứa chất oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Gia đình Xã hội

Xem link gốc Ẩn link gốc http://giadinh.net.vn/y-te/khoc-thet-vi-mua-21-vien-tamiflu-mat-gan-7-trieu-dong-20191223142604147.htm

trị cảm cúm bệnh nhân

Tin tức mới nhất