Không có chuyện học sinh Tiền Giang tham gia 'Cá voi xanh'

"Huyện đã chỉ đạo rà soát nhưng chưa phát hiện trường hợp học sinh nào tham gia trò chơi này", ông Lê Bá Thi (Chánh Văn phòng UBND huyện Cái Bè, Tiền Giang) khẳng định.


Vì sao cần cấm giới trẻ Việt tham gia trào lưu tự sát "Cá voi xanh"? Thử thách "Cá voi xanh" bắt người chơi phải thực hiện các nhiệm vụ tra tấn tinh thần như coi phim ma, tỉnh dậy giữa đêm và tiến tới tự sát ở bước cuối cùng.

Trước thông tin một số thanh thiếu niên (nhất là các em học sinh khối trung học cơ sở, cụ thể ở trường THCS Thị trấn Cái Bè) có biểu hiện cắt tay như thử thách của trò chơi "Cá voi xanh", ông Thi cho biết UBND huyện Cái Bè đã có chỉ đạo phòng giáo dục, nhà trường phối hợp với phụ huynh tiếp tục rà soát, kiểm tra và ngăn chặn nó lây lan trong học sinh.

Bà Ngô Thị Lanh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè - cho Zing hay thông tin học sinh tham gia trò chơi này cũng chỉ nghe qua dư luận và chưa phát hiện trường hợp nào xảy ra trên địa bàn.

"Phòng giáo dục cũng chỉ đạo các trường trên địa bàn tiếp tục kiểm tra, tuyên truyền và ngăn chặn học sinh chơi Cá voi xanh", bà Lanh nói.


Trường THCS Thị trấn Cái Bè, nơi được cho là có học sinh Tiền Giang tham gia "Cá voi xanh", gây hoang mang dư luận. Ảnh: M.A, Google Maps.

Ngày 9/5, ông Nguyễn Văn Nhiệm - Trưởng Ban tuyên giáo huyện ủy Cái Bè - vừa có văn bản báo cáo gửi đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và khẳng định chưa phát hiện học sinh nào tham gia thử thách chết người như một số trang mạng, báo điện tử phản ánh.

Theo đó, ngày 30/3, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 3 năm của đội ngũ báo cáo viên, công tác viên dư luận xã hội. Tại cuộc họp đã ghi nhận phản ánh từ cộng tác viên của huyện về trò chơi "Cá voi xanh" lan truyền trên Internet.

Để tham gia trào lưu này, người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách khác nhau như sử dụng dao hoặc lưỡi lam tạo hình dáng cá voi lên tay hoặc chân, xem phim kinh dị giữa đêm và cuối cùng là kết liễu đời mình.

Lúc này, người chơi sẽ được công nhận là kẻ chiến thắng. Đây cũng là ý nghĩa của tên gọi, giống như cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát.


Văn bản của Ban tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè về thông tin liên quan đến "Cá voi xanh". Ảnh: M.A.

Thầy Nguyễn Ngọc Thuấn - phó hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Cái Bè - chia sẻ thêm ngay khi có tin đồn không đúng, lãnh đạo nhà trường cùng các giáo viên chủ nhiệm đã ngồi họp lại với nhau, kiểm tra.

"Đến nay, chúng tôi khẳng định rằng hoàn toàn không có hiện tượng 'Cá voi xanh' xuất hiện ở trường. Đó là bài học để chúng tôi cảnh giác, nếu có xuất hiện hiện tượng lạ gì, chúng tôi sẽ chấn chỉnh ngay", thầy Thuấn nói.


Thầy Nguyễn Ngọc Thuấn - phó hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Cái Bè. Ảnh: M.A.

Thử thách "Cá voi xanh" (Blue Whale Challenge) bắt nguồn từ Nga vào khoảng 2 năm trước.

Qua mạng xã hội, quản trị viên (admin) dùng tài khoản ảo xúi giục người tham gia thực hiện nhiệm vụ điên rồ trong 50 ngày như dùng dao khắc lên tay hình cá voi, thức dậy lúc 4h sáng, giết động vật… và tự sát vào ngày cuối cùng. Khi làm nhiệm vụ, người chơi phải chụp ảnh để làm bằng chứng gửi admin.

Philipp Budeikin (21 tuổi, người Nga) được cho là kẻ cầm đầu, đã bị bắt để điều tra. Y bị cáo buộc xúi giục ít nhất 16 thiếu nữ tự sát.

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời khi hưởng ứng trào lưu "Cá voi xanh" từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016.

Tác động của mạng xã hội; tâm lý thích sống ảo, chơi trội; thiếu sự quan tâm của gia đình; cô đơn, trầm cảm... là một số nguyên nhân khiến giới trẻ sa vào lưới của con "cá voi xanh".

Chuyên gia cùng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh giám sát chặt chẽ con cái trong độ tuổi vị thành niên khi thấy con có biểu hiện bất thường.

Theo Zing


trào lưu giới trẻ tự sát Mạng xã hội

Tin tức mới nhất