Xưa nay, con gái đặc biệt tin vào tình yêu. Một khi dính vào lưới tình, họ mất đi sự tỉnh táo cần có. Vì tình yêu, họ cũng thường ra những quyết định bồng bột và mù quáng để rồi hối hận mãi không thôi.
8 năm trước, Phương và Hùng là một đôi yêu nhau thắm thiết. Họ gặp nhau trong trường đại học, vì quen biết qua một người bạn mà yêu đương.
Phương là con một trong gia đình khá giả. Trái lại, cuộc sống của Hùng gặp nhiều bế tắc. Gia đình Hùng có 3 anh em, ngoài anh ra còn có anh trai và em gái.
Bố mẹ Hùng cũng rất vất vả. Anh trai 30 tuổi chưa kết hôn, cô em gái lấy chồng sớm không hạnh phúc. Tiền sinh hoạt của bố mẹ Hùng phụ thuộc vào khoản hai con trai gửi về.
Ngoài đẹp trai ra, Hùng không có ưu điểm nào cả. Suốt 4 năm yêu nhau, Phương chưa bao giờ nhận được một món quà từ anh vì Hùng không có tiền.
Bản thân không ham vật chất nên Phương coi vậy là bình thường, cả hai yêu nhau là đủ còn những thứ xung quanh chỉ là điều không đáng nhắc đến.
Tình yêu thì luôn màu hồng nhưng hôn nhân mới thực tế. Rồi sự mơ mộng nào cũng sẽ gục ngã trước hiện thực cuộc sống mà thôi.
Bản thân thua kém bạn gái nên Hùng rất tự ti. Thậm chí đôi khi anh còn đưa chuyện kém hơn ra để mỉa mai mát mẻ, hờn dỗi nói rằng liệu có phải Phương yêu mình là thiệt thòi.
Đáng nói hơn, Hùng cũng chẳng có ý chí vươn lên. Nhiều khi thấy một ai đó thành công, anh đều bĩu môi nói rằng vì cuộc sống anh vất vả, gia đình khó khăn, xuất phát điểm thấp. Nếu anh cũng đủ đầy thì còn hơn người ta.
Khi họ yêu nhau, bố mẹ Phương không phản đối nhưng lúc bàn chuyện cưới xin, họ khuyên con gái suy nghĩ kĩ và không con gái kết hôn vội vàng.
Bố mẹ Phương sống hơn nửa đời người, bỏ qua chuyện gia cảnh của Hùng thì cách nói chuyện của anh, sự tính toán về tương lai, cuộc đời đó họ không đánh giá cao.
Phương làm mình làm mẩy với bố mẹ rất nhiều, bố mẹ cô cũng phân tích cho con gái đủ thứ. Cái khiến họ không ưng ý đâu phải do chênh lệch gia cảnh mà chính là ý chí vươn lên cùng cách nhìn nhận, sắp đặt tương lai của Hùng có vấn đề.
Phương đem những lấn cấn trong lòng bố mẹ nói ra với Hùng thì hai bên tranh cãi quyết liệt. Hùng không tiếc lời mắng mỏ cho rằng Phương ham giàu mà phụ tình. Anh ta còn lớn tiếng xúc phạm bố mẹ cô. Đến lúc này, Phương lạnh lòng, quyết định cắt đứt hoàn toàn.
Vài năm sau, Phương yêu và kết hôn với một người đàn ông khác. Hai bên gia đình quen biết nhau vài chục năm, tình cảm thắm thiết. Vợ chồng Phương có một cậu con trai, cuộc sống hạnh phúc.
8 năm sau ngày chia tay Hùng, Phương và chồng đi dạo trung tâm thương mại. Cô bất chợt thấy ồn ào ở một góc rồi tiến đến xem. Hóa ra một cặp vợ chồng xô xát cãi vã.
Người chồng mắng mỏ vợ vì cô muốn mua một đôi giày hơn 300 nghìn. Hàng loạt lời khó nghe tuôn ra. Phương nhìn trân trối, người đàn ông kia là Hùng.
Chỉ vì đôi giày 300 nghìn mà vợ chồng anh cãi vã, làm ầm ĩ, thậm chí ẩu đả. Phương hú vía cho chính mình, dắt tay chồng cùng con trai đi thẳng.
Từ xưa đến nay, người ta vẫn có câu tục ngữ: "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Trong nhiều trường hợp nó không chính xác nhưng với việc nhìn người, lựa chọn bạn đời, các bậc làm cha làm mẹ có thể cho ta lời nhận xét chính xác.
Cha mẹ nào cũng muốn con mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Khi yêu là chuyện của hai người nhưng lúc đã kết hôn, nó là chuyện của hai bên gia đình.
Tình yêu có thể chỉ màu hồng nhưng hôn nhân nó là đủ thứ màu của trách nhiệm của thực tế cơm áo gạo tiền, của cuộc sống.
Nhiều người nói rằng chỉ cần tình yêu thì "một mái nhà tranh hai trái tim vàng" cũng được nhưng thời kỳ đó rõ ràng đã rời xa từ lâu. Hôn nhân phải bắt nguồn từ tình yêu làm nền tảng thì mới vững chắc và phát triển. Nhưng nếu hôn nhân chỉ có tình yêu thì thật sự ngây thơ và "hỏng bét".
Nhiều cô gái oán trách bố mẹ khi ngăn cản tình cảm của mình nhưng với các bậc phụ huynh, họ có hơn quá nhiều năm kinh nghiệm nhìn người để nhận ra đối tượng nào có thể khiến cuộc đời con cái chìm vào đau khổ.
Đừng bao giờ có ý nghĩ cho rằng tiền bạc, vật chất khiến cho mối quan hệ trở nên kém trong sáng. Một cuộc hôn nhân không có vật chất thì khó hạnh phúc. Điều kiện kinh tế tồi tệ thì dễ dàng dẫn đến cãi vã, xích mích, không thể hòa hợp lẫn nhau.
Bởi vậy, khi con gái chọn chồng, ngoài việc nhìn nhận bản thân anh ta, điều kiện kinh tế của gia đình đối phương thì bố mẹ còn nhìn nhận cả cách sống, cách ứng xử và cách sắp đặt tương lai.
Đàn ông không có ý chí, không muốn vươn lên, chỉ biết oán trách xuất thân và cuộc sống thì thật khó gầy dựng nên được tương lai tốt đẹp.
Đừng chỉ biết cãi lời, các cô gái hãy để tâm và suy xét thật kỹ càng lời khuyên của bố mẹ với hôn nhân!
Theo Tri Thức Trẻ