Carlos Rengifo (27 tuổi, đến từ Venezuela) khiến nhiều người phải khiếp sợ với đam mê leo trèo, đu mình trên những tòa nhà chọc trời. Anh chàng thích phá vỡ những kỷ lục trước đó của bản thân và có ước muốn chinh phục tòa tháp cao nhất thế giới - Burj Khlalifa - tại Dubai.

Rengifo đã tập luyện để thực hiện những hành động nguy hiểm trong vòng 11 năm liên tục. Trong cuộc phỏng vấn với Univision, chàng trai 27 tuổi chia sẻ: "Nỗi sợ hãi giống như năng lượng tích cực. Đó là ước mơ mà tôi muốn theo đuổi".

Không sợ chết, ngừời nhện Venezuela đu 1 tay trên nóc nhà chọc trời-1
"Nguời nhện Venezuela" Carlos Rengifo thích thực hiện những pha mạo hiểm (Ảnh: @carlosrengifove).

Rengifo được mệnh danh là "kẻ thách thức tử thần" khi thực hiện nhiều pha mạo hiểm như nhào lộn trên tầng cao của tòa nhà chưa hoàn thiện, đi xe đạp, trượt ván trên vách tòa nhà cao tầng… mà không sử dụng bất kỳ thiết bị bảo hộ nào.

Về cảm giác khi thực hiện thử thách, anh chia sẻ: "Tôi còn không có thời gian nghĩ về điều đó vì trước đấy, tôi đã phải tập luyện trong 1-2 tháng để sẵn sàng thực hiện".

Khi còn học đại học, Rengifo bắt đầu biểu diễn các pha nguy hiểm trên đường phố tại thủ đô Caracas, Venezuela. Sau này, anh tăng độ khó lên bằng cách chuyển địa điểm thử thách đến những nơi có độ cao khiến người khác phải thót tim nhưng không hề nâng cấp trang phục hay mang theo đồ bảo hộ.

Không sợ chết, ngừời nhện Venezuela đu 1 tay trên nóc nhà chọc trời-2
Rengifo chưa muốn dừng lại đam mê gây thót tim của mình (Ảnh: @carlosrengifove).

Dưới những video của Rengifo, dân mạng để lại nhiều bình luận. Nhiều người cho rằng, anh chàng đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa video và những màn mạo hiểm trên hoàn toàn không có thật.

Người khác lại bày tỏ: "Những hành động này không mang lại giá trị gì và anh ta thực sự không coi trọng cuộc sống của mình".

Đến nay, chưa có thống kê cụ thể về số người chết khi tham gia bộ môn mạo hiểm này. Tuy nhiên, việc "tử thần" tìm đến thật không phải chưa từng xảy ra.

Cái chết của rooftopper (những người leo tòa nhà chọc trời) Wu Yongning vào năm 2017 là một minh chứng cho mức độ nguy hiểm của xu hướng này.

Khi đó, tờ New York Times nhận định: "Sự việc như một lời cảnh cáo dành cho những kẻ liều lĩnh đầy tham vọng leo lên các tòa nhà chọc trời trên khắp thế giới và chụp ảnh selfie từ New York (Mỹ), Dubai (UAE)".

Tại Trung Quốc, cái chết của Wu đã buộc các phương tiện truyền thông phải chính thức lên tiếng cảnh báo về những pha nguy hiểm.

Người phát ngôn của thành phố London (Anh) từng nói với Sky News: "Rõ ràng những người cố tình leo trèo trên các tòa nhà đang cố thể hiện bản thân, mang đến sự hồi hộp.

Họ đang coi thường an ninh. Họ tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm chỉ để chụp ảnh selfie và cũng đang khiến những người khác gặp nguy hiểm. Điều đó là vô trách nhiệm và phạm pháp".

Theo Dân Trí