Rap và những ngôn từ khó chấp nhận

Nói đến việc lan toả các sản phẩm âm nhạc đến với công chúng, đặc biệt là với giới trẻ, không thể không nhắc đến vai trò của các gameshow, cuộc thi âm nhạc trên truyền hình bùng nổ suốt thời gian vừa qua.

Thông qua các cuộc thi như Rap Việt, Đấu trường âm nhạc, Bài hát hay nhất… đã “chắp cánh” cho không ít nghệ sĩ, nhạc sĩ trẻ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm âm nhạc của mình đến với công chúng.

Đặc biệt, vai trò của các nhạc sĩ vốn âm thầm đứng sau thành công của các chương trình, ca sĩ đã được khán giả biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những ánh hào quang thì còn đó những “góc khuất”.

Bước sang mùa 3, chương trình Rap Việt dù đã bớt nóng nhưng hiện vẫn đang được xếp là một trong những gameshow truyền hình thu hút được đông đảo khán giả theo dõi. Thế nhưng với xu hướng “trẻ”, “thoáng” trong ngôn ngữ ca khúc, âm nhạc đường phố, Rap Việt thời gian qua đang vướng phải không ít những lùm xùm.

Cho dù, trước đó Ban tổ chức Rap Việt cũng đã có những lưu ý với thí sinh tham gia không sử dụng từ dung tục, nội dung 18+, đại từ xưng hô thiếu tôn trọng nhau trong phần thi.

Mới đây nhất, trong phần thi của thí sinh Dubbie (Lê Hữu Khương) là những đoạn rap với những ngôn từ nhạy cảm. Đơn cử như đoạn rap: “Trời vừa sập tối anh xả vai, đi lượn vòng thành phố nhìn girl xinh lên đồ”, hay “Các em lại phát thêm rồ, phải ngoan thì mới được phát thêm đồ”…

Chữ “đồ” trong tiếng lóng của giới trẻ hiện nay, có thể hiểu là chất kích thích chứ không phải chỉ đồ đạc hay trang phục. Không dừng ở đó, một câu rap của nam Rapper thể hiện sự thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng danh nhân.

Ngay sau khi được phát sóng, trên mạng xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ quan ngại về kiến thức của các thí sinh Rap Việt, đồng thời chỉ trích ban tổ chức thiếu trách nhiệm trong khâu biên tập, kiểm duyệt.

Trước đó, một thí sinh triển vọng của Rap Việt mùa 1 là Tlinh (tên thật Nguyễn Thảo Linh, sinh năm 2000 tại Hà Nội) cũng đã gây bức xúc với khán giả khi ra mắt MV Ghệ Yêu Dấu Của Em Ơi, ngập tràn những hình ảnh gợi cảm quá mức mà không gán nhãn độ tuổi, còn lời ca thì sáo rỗng, vô nghĩa.

Không thể chấp nhận sản phẩm âm nhạc lỗi-1
Phần thi của thí sinh Dubbie trong chương trình Rap Việt mùa 3 khiến khán giả bức xúc.

“Chung sống” với văn hóa méo mó”?

Nếu như trên sóng truyền hình câu chuyện kiểm duyệt vẫn còn một vài “lỗ hổng” và có thể sửa sai, thì trên các nền tảng mảng xã hội dẹp bỏ nhạc “rác” đang là bài toán nan giải. Thời gian gần đây, liên tiếp những bản nhạc và hình ảnh chế xuất hiện trên nền tảng TikTok gây bức xúc trong dư luận.

Mới đây nhất, trên TikTok tràn lan đoạn nhạc “chú bé loắt choắt” với nội dung chế từ bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu. Trên nền nhạc Vinahouse với phần lời phản cảm, vô nghĩa, nhảm nhí bản nhạc đã có tới hơn hàng chục triệu lượt xem.

Đáng nói hơn, bản nhạc chế được sử dụng cho hàng loạt video. Trong nhiều video, người dùng tạo dáng phản cảm, thậm chí đứng lên bàn ghế, mặc áo dài nhưng có tư thế không phù hợp, hoặc mặc bikini.

Trước đó, ca khúc Huyền Thoại Mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị chế lời. Hay ca khúc Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo bị chế lời thô thiển: “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán/ Bán năm trăm để lấy tiền tiêu/ tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu/ Ở đợ ba năm về chuộc người tình…”.

Nhìn nhận về tình trạng nhạc “rác” trên các nền tảng mạng xã hội, nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ: “Tôi rất buồn khi thấy bản thân hay lớp trẻ phải chung sống với tình trạng văn hóa méo mó, ứng xử xấu xí trên mạng hay thông tin độc hại lan tràn. Chuyện lớp nghệ sĩ non trẻ về âm nhạc nhưng lại già dặn sự thực dụng ngày nay cũng vậy thôi, bước trượt dài của một cộng đồng dễ dãi sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các thế hệ sau này.

Nếu những thứ nhảm nhí như một đoạn nhạc chế gây cười, một video 'bóc phốt', những lời hát ngớ ngẩn, bạo lực hay trần trụi đáng xấu hổ thu hút được hàng triệu lượt xem còn các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa nghệ thuật tử tế có khi lại không được mấy ai quan tâm, thì thật đáng báo động".

Có thể nói, trong bối cảnh, các ca khúc có nội dung, ca từ dung tục, lệch lạc phần nào phản ánh cái nhìn sai lệch của một bộ phận giới trẻ, không ý thức được bản thân (kể cả người làm nhạc và người nghe nhạc)… Do đó, cần kiên quyết loại bỏ loại ca khúc này, để âm nhạc thật sự được tồn tại như vốn có là đẹp từ giai điệu, nội dung đến ca từ.

Trước hết, cần sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc siết chặt hoạt động phổ biến, phát tán sản phẩm âm nhạc lên các nền tảng mạng xã hội; thực hiện nghiêm quy định hiện hành về xử phạt vi phạm.

Cùng với biện pháp cần thiết của cơ quan quản lý, công chúng cũng chính là người giám sát hiệu quả nhất. Bởi thế, công chúng cần tự trang bị “bộ lọc” cần thiết cho bản thân bằng cách lựa chọn ca khúc lành mạnh; có thái độ dứt khoát tẩy chay, không chấp nhận sản phẩm âm nhạc “lỗi”, ca từ cổ vũ lối sống lệch lạc lại trở thành bình thường trong sinh hoạt âm nhạc đại chúng.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, việc viết những ca khúc vô nghĩa là do trình độ, phông văn hóa, khả năng ngôn ngữ và tâm hồn của nhạc sĩ, hoặc đó là lựa chọn của họ vì muốn theo trào lưu.

Tôi không đánh giá về sự hay dở, chất lượng trong từng tác phẩm, nhưng tôi lên án những tiêu cực, sự phản cảm, thô tục trong nghề. Việc các nhạc sĩ trẻ thay đổi gu sáng tác để có tập khách hàng riêng là không sai. Giới trẻ hiện nay chính là đối tượng khán giả chính. Nhưng thay đổi thế nào mới là quan trọng. Có thể khi lựa chọn thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả, họ vô tình đánh mất đi điều có giá trị đối với mình”.

 

Theo Đại Đoàn Kết