Là người thông thạo ngoại ngữ, anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại phường Hàm Rồng) từng là chủ một nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài ở Sa Pa. Anh chưa bao giờ nghĩ có ngày phải chuyển sang bán hàng rong, nhưng từ lâu khách quốc tế đã không thể quay lại Sa Pa do dịch bệnh Covid-19.

Anh Sơn cho biết, trước đây nhà hàng của anh đạt doanh thu hàng chục triệu mỗi tháng, còn bây giờ không có khách thì anh chấp nhận chuyển sang bán hàng với thu nhập chỉ vài triệu đồng.

Cũng giống như anh Sơn, chị Phạm Thị Phương cũng phải tạm rời xa ngành du lịch vì đại dịch. Từng công tác tại một khách sạn ở trung tâm Sa Pa, nhiều tháng nay chị Phương phải chuyển sang bán hàng online để trang trải cuộc sống.

"Các khách sạn, nhà hàng Sa Pa đóng cửa vì vậy mà hai vợ chồng đều thất nghiệp cả. Rất mong dịch Covid-19 giảm đi để Sa Pa mở cửa trở lại" - chị Phương chia sẻ.

Bản thân các khách sạn tại Sa Pa cũng đều trong tình trạng "lao đao", nếu không đóng cửa thì cũng chỉ còn đón được một lượng khách rất nhỏ so với trước kia.

Ông Nguyễn Chí - Giám đốc khách sạn Victoria Sa Pa chia sẻ, cắt giảm nhân sự chỉ là điều "bất đắc dĩ", vì lượng khách của đơn vị giảm đến 70 - 80% khiến nhu cầu nhân lực cũng phải giảm theo doanh số.

Khu du lịch quốc gia Sa Pa lo thiếu nhân lực du lịch-1
Cảnh tượng vắng vẻ tại Sa Pa hồi tháng 5/2021 (Ảnh: An Kiên)

Thống kê cho thấy, tại Sa Pa có gần 600 cơ sở lưu trú và 300 nhà hàng, quán ăn, với trên 16.000 lao động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ liên quan, trong đó chủ yếu là lao động ngoại tỉnh.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng du khách đến giảm khoảng 80% khiến nhiều lao động phải rời bỏ Sa Pa, hoặc chuyển ngành nghề, đặt ra bài toán về nguy cơ thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát.

Theo ông Phan Đăng Toàn - Bí thư Thị ủy Sa Pa, song song với tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ lao động, nhất là trong lĩnh vực du lịch thông qua vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách.

Sa Pa cũng nỗ lực kiểm soát dịch bệnh; đồng thời, tìm hướng khôi phục thị trường du lịch bằng các gói kích cầu, tour du lịch an toàn… để thu hút du khách cũng như lao động quay trở lại. Vừa qua, chuỗi sự kiện "Tái hiện chợ tình Sa Pa" bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Ông Toàn cho biết: "Thị xã cũng đã có chủ trương, động viên, khuyến khích các cơ sở, dịch vụ để mời gọi người lao động quay lại. Các khách sạn lớn, nhà hàng, khu du lịch cũng đã có thông báo tuyển dụng thêm lực lượng lao động có tay nghề cao".

Thực tế, nguy cơ thiếu hụt nhân lực du lịch ở Sa Pa vẫn đang hiện hữu, vì du khách quốc tế chưa biết bao giờ mới có thể quay trở lại.

Việc "thích ứng, linh hoạt" theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã và đang được triển khai, tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp vẫn khiến nhiều du khách còn tâm lý e dè khi đi du lịch.

Trong khi đó, áp lực từ dịch Covid-19 suốt 2 năm qua khiến không ít nhân sự du lịch không thể đợi chờ, buộc phải chuyển hẳn sang một ngành nghề khác.

Theo VOV